Thứ Sáu, 4/10/2024
Sức khỏe
Thứ Năm, 7/5/2009 17:15'(GMT+7)

Sẽ phạt địa phương để "lọt lưới" ca bệnh cúm A/H1N1

Bộ trưởng Bộ Y tế giám sát trực tiếp công tác kiểm dịch tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Bộ trưởng Bộ Y tế giám sát trực tiếp công tác kiểm dịch tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Bổ sung cho Sân bay Tân Sơn Nhất 3 máy đo thân nhiệt

Bộ trưởng Triệu cho biết, theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dịch cúm A/H1N1 sẽ còn lan rộng ra nhiều nước và kéo dài hơn nữa (hiện 23 quốc gia trên thế giới có ca dương tính với virus cúm A/H1N1).

Theo ông Triệu, TP.HCM là địa phương có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc phòng chống đại dịch cúm A/H1N1 xâm nhập vào Việt Nam. Vì ở đây có cửa khẩu quốc tế lớn nhất nước (Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất) thu hút khoảng 8.000 lượt du khách mỗi ngày.

“TP.HCM phải hết sức khẩn trương, kỹ lưỡng trong việc phát hiện dịch tại các cửa khẩu, quyết tâm không để các ca bệnh xâm nhập vào trong nước” - ông Triệu nhấn mạnh. “Nếu địa phương, cửa khẩu nào để ca bệnh “lọt lưới” sẽ có mức độ kỷ luật thích đáng. Ngược lại, nếu phát hiện ra ca dương tính với cúm A/H1N1 sớm cũng được khen thưởng”.

Ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM cho biết: Hiện Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất được trang bị 3 máy đo thân nhiệt.

Tuy nhiên, chỉ có một cái sử dụng được liên tục, 2 cái còn lại không đảm bảo chất lượng nên dùng để dự phòng, mà mỗi ngày, hệ thống đo thân nhiệt trên phải đo cho hơn 7.000 lượt hành khách.

Trước tình hình đó, ông Triệu chỉ đạo Sở Y tế TP.HCM tham khảo, nhanh chóng bổ sung cho Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thêm 3 máy đo thân nhiệt nữa để đảm bảo phục vụ tốt cho công tác phòng dịch.

“Tại sân bay, phải thiết lập ngay hệ thống rửa tay bằng xà phòng nhằm phòng tránh được nhiều loại bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là cúm A/H1N1” - ông Triệu chỉ đạo.

Ông Nguyễn Văn Châu đề nghị Bộ Y tế cho ban hành cấp độ (1, 2, 3) để giám sát dịch bệnh nhằm đưa ra cơ chế cách ly bệnh cụ thể. Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh khu vực bao gồm các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… để trao đổi thông tin liên quan đến dịch bệnh.

Đại diện Sở Y tế Tây Ninh cho biết, ngày 5/5, máy đo thân nhiệt ở cửa khẩu phát hiện 1 ca thân nhiệt cao là người Anh. Tuy nhiên, qua xét nghiệm các bước đã cho kết quả âm tính với virus cúm A/H1N1. Hiện vị khách này vẫn đang được theo dõi.

“Các cơ sở y tế đồng loạt mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh đã gây ra hiện tượng “đội giá” - đại diện Sở Y tế Tây Ninh trình bày. Cụ thể, khẩu trang N95 đột ngột tăng giá thêm 2.000 cho mỗi cái…

Vận chuyển ca thân nhiệt cao đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để điều trị cách ly, ảnh chụp ngày 6/5 tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Vì vậy, ông Triệu lưu ý, việc trang bị cho phòng dịch rất quan trọng và cần thiết nhưng các tỉnh phải cân đối sao cho hợp lý.

Theo bác sĩ Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, khoảng 50% các ca dương tính với virus cúm A/H1N1 đều có triệu chứng tiêu chảy.

“Viện Pasteur TP.HCM phải tăng cường lấy mẫu bệnh phẩm để kiểm dịch đối với các ca cảm, sốt kèm tiêu chảy… và sẽ có bổ sung kinh phí cho Viện” - ông Triệu nhấn mạnh.


TP.HCM cách ly 4 ca thân nhiệt cao

Ngày 6/5, Sở Y tế TP.HCM công bố hiện có thêm 4 ca thân nhiệt cao đang được cách ly để làm các bước xét nghiệm, điều tra dịch tễ:

Cụ thể, ngày 6/5, máy đo thân nhiệt đặt tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phát hiện một hành khách là Việt kiều Mỹ (69 tuổi) có hiện tượng sốt cao. Ngay sau đó, bệnh nhân đã được cách ly tạm thời và chuyển gấp đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới làm các bước xét nghiệm cần thiết theo đúng quy trình.

Cùng ngày, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ (32 tuổi) đang được cách ly vì phát hiện sốt sau khi trở về từ Mỹ.

Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 cũng đã tiếp nhận cách ly cho 2 bệnh nhân trở về Việt Nam sau khi đi du lịch tại Singapore và Hàn Quốc.

Ngày 5/5, tại Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) diễn ra lễ phát động hưởng ứng “Chiến dịch bảo vệ sự sống: Hãy rửa tay”.

Công tác chống nhiễm khuẩn của VN được Hiệp hội Kiểm soát nhiễm khuẩn quốc tế (INICC) đánh giá là chưa được chú trọng.

Chủ tịch Hội INICC cho biết, trên thế giới hiện có 34 quốc gia tham gia vào tổ chức INICC. Ở Mỹ, tỷ lệ nhiễm khuẩn trong bệnh viện là 10% nhưng với những nước đang phát triển thì tỷ lệ này cao gấp 3 đến 4 lần.

Rửa tay bằng xà phòng có thể chống nhiễm khuẩn và phòng tránh được nhiều loại bệnh như: dịch cúm A/H1N1, H5N1, tay - chân - miệng, tiêu chảy cấp…

(Theo VietNamNet)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất