Thứ Sáu, 27/9/2024
Cuộc sống số
Thứ Ba, 28/12/2010 10:20'(GMT+7)

Sẽ quy hoạch lại thị trường thông tin di động Việt Nam

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, số lượng doanh nghiệp khai thác hạ tầng mạng viễn thông đặc biệt là số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di dộng của Việt Nam hiện nay cần có sự nghiên cứu lại.

Trên thực tế, với 7 doanh nghiệp có hạ tầng mạng được cung cấp dịch vụ của Việt Nam, nếu so với các nước có số dân như Việt Nam thì tại Pháp chỉ có 3 - 4 doanh nghiệp, nhưng tại Thái Lan lại có 7 - 8 doanh nghiệp. Thụy Sĩ tuy ít dân nhưng có 5 - 6 doanh nghiệp, song trái lại Trung Quốc với thị trường rất lớn nhưng chỉ có 3 doanh nghiệp.

Vấn đề tồn tại của Việt Nam là dù có khá nhiều doanh nghiệp song sự chênh lệch thị phần giữa doanh nghiệp còn quá lớn, mức độ phát triển không đồng đều dẫn đến thị trường phát triển không bền vững.

Câu chuyện làm sao có được một quy hoạch phát triển viễn thông Việt Nam hợp lý, bền vững đang đặt ra sau giai đoạn 5 năm, từ ngày 07/02/2006 Thủ tướng Chính phủ đã kí Quyết định số 32/2006/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển Viễn thông và Internet Việt Nam đến năm 2010.

Trong giai đoạn 5 năm thực hiện quy hoạch, cùng với quá trình phát triển của đất nước, ngành Viễn thông Việt Nam được đánh giá là một trong những ngành có bước phát triển rất nhanh và đang trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Viễn thông Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng: mạng lưới cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông được hoàn thiện theo hướng hiện đại, thị trường viễn thông ngày càng mang tính cạnh tranh cao hơn và có những thay đổi lớn, công nghệ mới được áp dụng nhanh, chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao, giá cước ngày càng hạ…

Trong bước phát triển vượt bậc đó, đã có thêm nhiều doanh nghiệp hạ tầng mạng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông đã được cấp phép, số lượng thuê bao điện thoại, Internet phát triển nhanh chóng.

Giai đoạn 5 năm 2006-2010 cũng đã chứng kiến sự phát triển bùng nổ của các dịch vụ, công nghệ cũng như những xu hướng mới trong viễn thông: Công nghệ thông tin di động chuyển từ thế hệ thứ 2 (2G) sang thế hệ thứ 3 (3G) với khả năng cung cấp đa dịch vụ.

Cùng với viễn thông, lĩnh vực Internet đã chuyển từ Internet băng hẹp sang Internet băng rộng, sự bùng nổ của lưu lượng dữ liệu, các kho ứng dụng trực tuyến, các ứng dụng qua di động như: thanh toán qua di động, Mobile TV, các dịch vụ mạng xã hội, sự hội tụ (convergence) giữa viễn thông, máy tính (internet) và phát thanh, truyền hình (broadcasting) đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng…

Trong báo cáo mới nhất về chỉ số phát triển CNTT-TT (ICT Development Index - IDI) được ITU công bố năm 2009 xếp hạng 159 quốc gia, vùng lãnh thổ theo mức độ phát triển của ICT của năm 2007 và năm 2008, Việt Nam tăng 7 bậc từ vị trí 93 năm 2007 lên vị trí 86 năm 2008.

Việt Nam cũng được đánh giá là nước có sự phát triển vượt bậc của chỉ số truy nhập (tăng 20 bậc từ vị trí 92 năm 2007 lên vị trí 72 năm 2008) và chỉ số sử dụng (từ vị trí 74 năm 2007 lên vị trí 83 năm 2008), điều đó phản ánh sự tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực điện thoại, băng thông Internet quốc tế và số gia đình có truy cập Internet, đến đầu năm 2010, Việt Nam lọt vào top 20 các quốc gia có số người sử dụng Internet nhiều nhất…

Tuy nhiên, những tháng cuối năm 2010, thị trường viễn thông Việt đã chứng kiến sự kiện FPT và Công ty Viễn thông FPT (FPT Telecom) tuyên bố sẽ mua hơn 50% cổ phần EVN Telecom. Đây được cho là dấu hiệu khởi đầu hoạt động mua bán và sáp nhập giữa các mạng di động của Việt Nam.

Trước khi được FPT mua, Tập đoàn Điện lực cũng đã có mong muốn sẽ được một mạng di động lớn của Việt Nam đồng ý “sang tên, chuyển khẩu” mạng đi dộng EVN Telecom, song cuộc gặp gỡ này không có kết quả. Dù ở thời điểm này, xu hướng sáp nhập trong lĩnh vực di động của Việt Nam mới bắt đầu hình thành, song đó đã là điều được giới chuyên môn nhìn thấy trước tới một vài năm.

Tới thời điểm này, Việt Nam đã có ngót nghét 150 triệu thuê bao di động. “Chiếc bánh” di động đã dần bị thu hẹp lại. Theo tính toán của các chuyên gia viễn thông, các doanh nghiệp tham gia vào thị trường thông tin di động Việt Nam chỉ còn cùng lắm là 2 năm nữa để phát triển thuê bao trước khi đến ngưỡng bão hoà. Năm 2011 đã được nhận định, tốc độ tăng trưởng của viễn thông sẽ chậm lại, nhường cho sự phát triển theo chiều sâu.

Định hướng phát triển thị trường của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nêu rõ, từ năm 2011, cơ quan quản lý nhà nước sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, công khai; Nâng cao hiệu quả đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp. Bộ sẽ xây dựng các tiêu chí cấp phép đối với các doanh nghiệp hạ tầng viễn thông đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên và nguồn lực xã hội.../.

Hiền Mai - VnMedia

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất