Trong năm 2015, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tiến hành triển
lãm này tại nhiều nơi cả trong nước và nước ngoài. Việc trưng bày ở
nước ngoài sẽ giúp kiều bào thấy rõ bằng chứng lịch sử và pháp lý của
chúng ta, để cùng chung sức với người dân trong nước, bạn bè quốc tế lên
tiếng bảo vệ tính chính nghĩa, chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam.
Tháng 5/2014, Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyan
Shiyou-981) vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam gây
bức xúc lớn ở cả trong nước và dư luận quốc tế. Cùng với các lực lượng
chức năng, ngành thông tin và truyền thông mà đặc biệt là các tờ báo
trong nước đã lập tức vào cuộc quyết liệt để đấu tranh phản đối.
Nhân dịp Xuân Ất Mùi, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn về vấn đề này.
- Thưa Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, trước việc Trung Quốc ngang ngược
đưa trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và
thềm lục địa của Việt Nam hồi tháng 5/2014, dư luận đã kịch liệt phản
đối. Là người trực tiếp theo dõi và chỉ đạo hoạt động của Bộ Thông tin
và Truyền thông về lĩnh vực này, Thứ trưởng có nhận định gì về sự vào
cuộc của các đơn vị truyền thông, đặc biệt là các cơ quan báo chí?
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Lãnh thổ là vấn đề hết sức thiêng
liêng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Biển đảo, lãnh thổ Việt Nam được
tiền nhân xây dựng, bồi đắp và biết bao thế hệ cha anh đã đổ xương máu
để tạo dựng, bảo vệ.
Việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ là trách nhiệm của tất cả mọi người dân
Việt nên khi Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng
đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam đã gây nên làn sóng phẫn
nộ, bức xúc trong dư luận trong nước và quốc tế.
Cùng các lực lượng thực thi nhiệm vụ ở trên biển, ngành thông tin và
truyền thông đã ngay lập tức vào cuộc. Chúng tôi đã chỉ đạo hoạt động
báo chí bám sát diễn biến trên thực địa, hoạt động ngoại giao, chính
trị, dư luận xã hội.
Phải nói rằng lực lượng báo chí đã vào cuộc rất nhanh nhạy, đưa tin một
cách trung thực, chính xác, toàn diện đến cho người dân trong nước và
bạn bè quốc tế hiểu rõ sự chính nghĩa của Việt Nam. Các cơ quan báo chí
có nhiều tin, bài, hình ảnh nêu rõ bản chất sự việc; thể hiện quan điểm,
thái độ và cách ứng xử của ta; cổ vũ tinh thần kiên cường dũng cảm của
các lực lượng chấp pháp Việt Nam trên biển; phê phán hành động ngang
ngược, sai trái của phía Trung Quốc. Nhiều bài báo sắc bén thể hiện rất
rõ quan điểm của Việt Nam là đấu tranh trong hòa bình nhưng kiên quyết
bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên biển.
Thực tế cũng cho thấy, trong các sự kiện nóng, những người làm báo luôn
là những người lính tiên phong để đưa thông tin đầy đủ, nhanh chóng tới
công chúng. Ở sự kiện Hải Dương 981, nhiều cơ quan báo chí đã cử phóng
viên trực tiếp ra hiện trường, phản ánh các thông tin, hình ảnh nóng hổi
như các đài truyền hình, Thông Tấn xã Việt Nam…
Sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 gây bức xúc lớn cho dư luận trong nước và quốc tế. (Ảnh: Hiếu-Vũ/TTXVN)
Cần nói thêm, cũng trong thời điểm nói trên, ở một số địa phương như
Bình Dương, Hà Tĩnh, kẻ xấu đã lợi dụng việc tuần hành phản đối việc
Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 để gây rối và đập
phá tài sản của một số doanh nghiệp trên địa bàn.
Ngay khi nhận được thông tin nói trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã
vào cuộc ngay bằng việc tham mưu tới Lãnh đạo Đảng và Chính phủ trong
chỉ đạo, định hướng tuyên truyền. Do đó, thông qua hoạt động nhắn tin
qua điện thoại, tăng cường tuyên truyền trên báo chí… chúng ta đã kịp
thời kêu gọi người dân tránh bị kẻ xấu tiếp tục lợi dụng, gây rối làm
mất an ninh trật tự, góp phần ổn định hình hình.
- Bên cạnh chỉ đạo tuyên truyền của các cơ quan báo chí, Bộ Thông tin và
Truyền thông đã làm gì để đẩy mạnh tuyên truyền về chủ quyền không thể
chối cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, thưa Thứ
trưởng?
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Năm 2014, ngành thông tin và
truyền thông có nhiều hoạt động tuyên tuyền về biển đảo. Nổi bật nhất là
hoạt động Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng
chứng lịch sử và pháp lý” ở 21 điểm và địa phương trên cả nước. Hoạt
động triển lãm này cũng đã được tổ chức tại các đảo như Lý Sơn, Phú
Quốc…
Thực tế cho thấy, hoạt động này được dư luận rất quan tâm, thu hút nhiều
người dân đến tham quan triển lãm. Thông qua đó, người dân có thể hiểu
rõ hơn về chứng cứ pháp lý và lịch sử của Việt Nam với hai quần đảo,
đồng thời nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ
quốc ở tất cả các tầng lớp nhân dân, nhất là ở lớp trẻ.
Có một điểm rất đáng vui mừng là tại các cuộc triển lãm cũng thu hút
được nhiều người nước ngoài tham quan. Nhiều người đã chia sẻ với Việt
Nam và góp tiếng nói để bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước ta.
Triển
lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam -
Những bằng chứng lịch sử và pháp lý" tại Bình Thuận. (Nguồn: TTXVN)
Cũng trong năm 2014, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiếp nhận bộ Atlas
thế giới, xuất bản ở Brussels 1827, trong đó có một số tư liệu bản đồ có
giá trị quan trọng góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với
hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là một bằng chứng quan trọng nữa
góp thêm vào tiếng nói đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Trong năm 2015, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tiến hành triển
lãm này tại nhiều nơi cả trong nước và nước ngoài. Việc trưng bày ở
nước ngoài sẽ giúp kiều bào thấy rõ bằng chứng lịch sử và pháp lý của
chúng ta, để cùng chung sức với người dân trong nước, bạn bè quốc tế lên
tiếng bảo vệ tính chính nghĩa, chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam.
- Quốc gia nào sẽ được lựa chọn để trưng bày triển lãm, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Đầu tiên, chúng tôi dự định sẽ
triển lãm tại Cộng hòa Séc. Đây là quốc gia có rất đông người Việt sinh
sống và vừa qua, người Việt tại Séc được công nhận là dân tộc thứ 14.
Bên cạnh đó, năm 2015 cũng là năm kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại
giao giữa Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam - Cộng hòa Séc (1950-2015)
nên triển lãm sẽ rất có ý nghĩa.
Tiếp sau Séc, chúng tôi sẽ ưu tiên triển lãm tại một số địa bàn các nước
có đông người Việt sinh sống như Mỹ, Pháp và các nước châu Âu khác…
Việc tiếp tục đưa triển lãm trưng bày ra nước ngoài sẽ góp phần để quốc
tế hiểu hơn về chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa, Hoàng Sa, qua
đó có thêm nhiều hành động ủng hộ tích cực cho Việt Nam.
- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Trung Hiền (Vietnam+)