Dịch COVID-19 đã lây lan vả ảnh hưởng đến 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 với 560.402 ca nhiễm và 22.105 ca tử vong.
Theo số liệu của trang worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 13/4, đã có 1.852.629 người ở 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới bị nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 114.208 người đã tử vong.
Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 với 560.402 ca nhiễm và 22.105 ca tử vong.
Tiếp đó là Tây Ban Nha với 166.831 ca nhiễm và 17.209 ca tử vong, Italy với 156.363 ca nhiễm và 19.899 ca tử vong, Pháp với 132.591 ca nhiễm và 14.393 ca tử vong, Đức với 127.854 ca nhiễm và 3.022 ca tử vong. Đặc biệt, số ca tử vong tại Anh đã vượt 10.000 người.
Còn tại Việt Nam, đến thời điểm này đã có 262 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 144 trường hợp mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh, chưa có ca bệnh nào tử vong.
Tại Mỹ, Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio khẳng định đã có những tín hiệu khích lệ trong cuộc chiến chống dịch tuần qua với số người cần phải được trợ giúp bằng máy thở tiếp tục giảm.
Ông Cuomo cũng nêu rõ kể từ ngày 13/4, tất cả những người làm việc tại thành phố New York có tiếp xúc với người dân phải đeo khẩu trang.
Tại khu vực châu Âu, sau khi Chính phủ Italy thông báo quyết định gia hạn lệnh phong tỏa đến ngày 3/5, ngày 11/4, hơn 12.500 trường hợp đã bị xử phạt do vi phạm quy định hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Theo thống kê, cho đến nay, lực lượng an ninh đã tiến hành kiểm tra tổng cộng 280.717 trường hợp và 89.931 cơ sở kinh doanh thương mại, trong đó 179 cơ sở đã bị xử phạt và 35 lệnh phải đóng cửa.
Tại Nga, Phó Thủ tướngphụ trách phòng chống COVID-19, bà Tatyana Golikova đã tuyên bố nước này có thể hoàn toàn dỡ bỏ các biện pháp cách ly vào đầu Hè, với điệu kiện các công dân thực hiện nghiêm túc tất cả các khuyến nghị của chính quyền và bác sỹ về chế độ tự cách ly và giãn cách xã hội. Số ca nhiễm ở Nga hiện là 15.770.
Ở khu vực Trung Đông, trong 24 giờ qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi nhận thêm 4.789 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 97 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên 56.956 ca và 1.198 ca.
Tại Saudi Arabia, Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud đã ra lệnh kéo dài lệnh giới nghiêm ttrong nỗ lực nhằm ứng phó với dịch COVID-19.
Hiện tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Saudi Arabia là 4.462 người và tính đến nay đã có 59 bệnh nhân tử vong do COVID-19.
Trong khi đó, nhà chức trách Iraq đã gia hạn lệnh giới nghiêm trên toàn quốc đến ngày 19/4 tới.
Bộ Y tế nước này đã xác nhận 34 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 lên 1.352 người, trong đó 76 người tử vong và 640 người đã khỏi bệnh.
Dựa trên những diễn biến và khuyến nghị liên quan đến dịch COVID-19, Jordan cũng đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa đến cuối tháng này nhằm hạn chế sự lây nhiễm dịch COVID-19.
Tại khu vực châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của châu Phi cho biết châu lục này đến nay đã ghi nhận tổng công 13.686 ca mắc COVID-19, trong đó có 744 ca tử vong.
Để đảm bảo tuân thủ các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, Chính phủ Sudan đã ban bố lệnh cấm mọi hình thức vận chuyển người giữa các thành phố cũng như triển khai luật khẩn cấp.
Lệnh cấm phương tiện chở khách tư nhân và thương mại giữa các thành phố, các bang sẽ có hiệu lực ngay lập tức.
Bên cạnh đó, theo luật khẩn cấp, những người vi phạm các quy định về giới nghiêm, hạn chế đi lại, không chấp hành các biện pháp kiểm dịch, che giấu, khai báo không trung thực thông tin liên quan tình hình sức khỏe hoặc cản trở việc điều trị y tế có thể sẽ phải đối mặt với việc xử lý hình sự.
Trong khi đó, Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari đã kêu gọi người dân nước này tiếp tục hạn chế ra ngoài để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, trong bối cảnh chính phủ đang cân nhắc việc gia hạn lệnh giới nghiêm áp đặt tại một số bang./.
Theo TTXVN