Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 2/7/2020 14:8'(GMT+7)

Sở hữu trí tuệ - Chìa khóa thành công của doanh nghiệp Việt

Toàn cảnh Hội thảo CPTTP & EVFTA: Sở hữu trí tuệ và doanh nghiệp Việt. (Ảnh: Thanh Hằng)

Toàn cảnh Hội thảo CPTTP & EVFTA: Sở hữu trí tuệ và doanh nghiệp Việt. (Ảnh: Thanh Hằng)

Phát biểu khai mạc Hội thảo, T.S. Võ Trí Thành, Viện trưởng BCSI cho rằng, trong bối cảnh Quốc hội đã thông qua Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) vào ngày 28/5, các doanh nghiệp Việt cần phải trau dồi thêm kiến thức về xây dựng hình ảnh thương hiệu, tăng “sức đề kháng” để có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Thời gian tới, khi EVFTA chính thức đi vào hiệu lực, Việt Nam kỳ vọng ngành xuất khẩu tăng 42,7% vào năm 2025 và 44,35% vào năm 2030; đầu tư doanh nghiệp được kích thích tăng trưởng; thể chế kinh tế được cải cách, hoàn thiện để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), dù có EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải cạnh tranh khốc liệt với các quốc gia khác tại thị trường EU. Và “quốc nạn” vi phạm bản quyền, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái và tin giả là một trong những vấn đề gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh thương hiệu của các doanh nghiệp.

Còn ThS. Vũ Xuân Trường thuộc BCSI nhận thấy, EVFTA và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là những FTA thế hệ mới, với những cam kết sâu và bao trùm trong nhiều lĩnh vực, trong đó, nâng cao quyền sở hữu trí tuệ là một trong những nội dung mà các quốc gia cần phải thực thi.

Sở hữu trí tuệ có vai trò đảm bảo môi trường pháp lý lành mạnh, bảo vệ kết quả sáng tạo, kỹ thuật, bảo vệ người tiêu dùng và xã hội thông qua việc kiểm soát hàng hóa, sản phẩm có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, ngăn chặn hàng giả. Bên cạnh đó, sở hữu trí tuệ khẳng định vị trí độc quyền của doanh nghiệp được cấp quyền sở hữu trí tuệ về các sáng chế, nghiên cứu, sản phẩm...

"Trong khi đó, trên thực tế, hầu hết các tổ chức, cá nhân, doanh nhân, doanh nghiệp đều ít quan tâm đến sở hữu trí tuệ. Việc nhận diện những thách thức đối với việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam là hết sức cần thiết, nhằm tránh những rủi ro trong dài hạn, cũng như có những điều chỉnh phù hợp", ThS. Vũ Xuân Trường nói.

Ở Việt Nam, xâm phạm sở hữu trí tuệ xảy ra ở nhiều lĩnh vực, cả ở khu sản xuất, chế biến, lưu thông và xuất nhập khẩu. Cụ thể, trong lĩnh vực bản quyền phần mềm, giai đoạn 2006-2015, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thê thao và Du lịch đã tiến hành thanh tra 541 doanh nghiệp, kiểm tra 27.602 máy tính, lập 499 biên bản xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 8.613 tỷ đồng.

"Dẫu biết đây là vấn đề 'biết rồi, khổ lắm, nói mãi' nhưng tại Việt Nam, không chỉ đơn thuần là mức độ và phạm vi vi phạm, thủ đoạn vi phạm lại ngày càng tinh vi gây khó khăn cho lực lượng thực thi công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Trên thị trường, gần như hàng hóa nào cũng bị và có nguy cơ bị làm giả, làm nhái", ThS. Vũ Xuân Trường nhấn mạnh.

ThS. Vũ Xuân Trường cho rằng, có 3 giải pháp để giải quyết vấn đề này:

Thứ nhất, Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện cơ chế, phối hợp đồng bộ từ nhiều bên để xây dựng và hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt trong thời gian tới.

Thứ hai, Việt Nam cần “đột phá” trong khâu đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia. Trong đó, doanh nghiệp được đặt ở vị trí trung tâm, Nhà nước, Viện nghiên cứu, các trường đại học là “ba đỉnh của một tam giác đều”. Đồng thời, doanh nghiệp cần nâng cao ý thức, không buôn bán, kinh doanh hàng giả, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật.

Thứ ba, cần nâng cao nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ. Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của công chúng về sở hữu trí tuệ đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là khi Việt Nam đã tham gia vào các Hiệp định CPTTP & EVFTA với các nước, các điều kiện ràng buộc về sở hữu trí tuệ nâng cao hơn, chặt chẽ và minh bạch hơn.

Ngoài ra, cần tích cực triển khai các chương chình hỗ trợ quản lý, khai thác và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nhà sáng tạo; chủ động và mở rộng các quan hệ quốc tế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thể bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ của mình một cách tốt nhất ở trong và ngoài nước

Tại Hội thảo, những vấn đề nổi cộm đã được các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia kinh tế và đại diện doanh nghiệp thảo luận. Theo đánh giá của các chuyên gia, cơ hội của EVFTA mang lại sẽ song hành cùng khó khăn và thách thức, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến SHTT. Việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT phải đóng góp vào việc thúc đẩy phát triển công nghệ, chuyển giao và quản lý công nghệ, vì lợi ích chung của người sản xuất và người sử dụng công nghệ theo cách thức có lợi cho pháp luật xã hội và kinh tế../.

Thanh Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất