Mỹ đã ghi nhận 3.008 người tử vong, trong khi có tới 163.429 người nhiễm virus SARS-CoV-2, vượt xa số ca mắc COVID-19 cao nhất của Italy, Tây Ban Nha và Trung Quốc.
Theo số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins, số ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) đã vượt 3.000, tính đến ngày 30/3, với hơn 163.000 ca mắc bệnh.
Cụ thể, Mỹ đã ghi nhận 3.008 người tử vong, trong khi có tới 163.429 người nhiễm virus SARS-CoV-2, vượt xa số ca mắc COVID-19 cao nhất trên toàn quốc của Italy, Tây Ban Nha và Trung Quốc.
Trong khi đó, theo Ủy ban Y tế Quốc gia, trong ngày 30/3, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 48 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 từ nước ngoài vào, nâng tổng số ca lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 "nhập khẩu" lên thành 771 trường hợp.
Trong số 771 ca này, có 667 bệnh nhân vẫn đang được điều trị, gồm 18 ca nguy kịch.
Bên cạnh đó, tính đến cuối ngày 30/3, 104 người đã bình phục và được xuất viện.
Theo ủy ban trên, 183 người ở đại lục vẫn đang trong tình trạng nghi nhiễm SARS-CoV-2.
Cùng ngày, thành phố Vũ Hán ghi nhận không có ca nào mới nhiễm SARS-CoV-2.
Tỉnh Hồ Bắc cũng báo cáo không gia tăng ca mới mắc COVID-19 trong ngày 30/3, song có một ca tử vong mới tại Vũ Hán.
Bộ trưởng Phòng vệ Dân sự New Zealand Peeni Henare ngày 31/3 đã ra thông báo cho biết, nước này sẽ kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia thêm 7 ngày nữa để giúp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Tuyên bố ban đầu về tình trạng khẩn cấp quốc gia kéo dài 7 ngày, bắt đầu từ hôm 25/3 và có thể được gia hạn nhiều lần nếu cần thiết.
Trong thông báo, Bộ trưởng Henare nêu rõ: “Việc gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm đảm bảo chúng ta có tất cả nguồn lực, sự ủng hộ và quyền lực cần thiết để ngăn ngừa sự lây lan của COVID-19 trong cộng đồng.”
Tại Israel, Bộ trưởng Tài chính nước này Moshe Kahlon ngày 30/3 đã công bố gói cứu trợ khẩn cấp nhằm ổn định nền kinh tế trước những hậu quả do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Ông Kahlon cho biết đây là chương trình kinh tế quan trọng nhất trong lịch sử Israel nhằm cứu vãn nền kinh tế của nước này.
Theo đó, 9 tỷ USD sẽ dành cho việc hỗ trợ các doanh nghiệp. Khoảng 5.6 tỷ USD sẽ được phân bổ cho việc trợ cấp thất nghiệp và giúp đỡ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
2.8 tỷ USD sẽ được dành cho hệ thống y tế. Số còn lại sẽ được phân bổ để hỗ trợ nhằm tăng tốc nền kinh tế sau đại dịch.
Cùng ngày, Cơ quan Việc làm Israel cho hay, tính từ đầu tháng 3, tỷ lệ thất nghiệp trên toàn quốc đã ở mức 23.1%.
Theo thống kê của cơ quan này, kể từ ngày 1/3, số người thất nghiệp nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp đã lên tới 804.712 trường hợp.
Tổng số người thất nghiệp trong cả nước đã vượt quá 962.000 trường hợp và có khả năng sẽ ở mức 1 triệu trường hợp trong khoảng 1 tuần./.
Theo Vietnam+