(TCTG) - Ngộ độc thực phẩm là vấn đề luôn nhận được sự quan tâm của tòan xã hội vì nó ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người tiêu dùng cũng như sự phát triển kinh tế và an sinh xã hội.
Ngộ độc thực phẩm (NĐTP) là tình trạng bệnh lý do hấp thụ thực phẩm bị ô nhiễm hoặc có chứa chất độc. Ghi nhận ngộ độc thực phẩm đòi hỏi một hệ thống được tập huấn, đào tạo tốt, từ đó cung cấp các số liệu đầy đủ, tin cậy, góp phần cảnh báo và dự phòng xử lý NĐTP ở nước ta.
Trong những năm qua Cục ATVSTP đã từng bước củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống cảnh báo, phòng chống NĐTP góp phần quan trọng vào việc ghi nhận, xử lý, dự phòng, dự báo về NĐTP.
Giai đoạn 2006 - 2010, bình quân hàng năm có 189 vụ ngộ độc thực phẩm với 6.333 người mắc và 52 người tử vong. So với giai đoạn 2001 - 2005, số vu ngộ độc đã giảm đi bình quân 10 vụ/năm, số người tử vong do ngộ độc giảm 2 người/năm. Tuy nhiên, số người mắc và tử vong do ngộ độc thực phẩm chưa thay đổi nhiều so với giai đoạn trước. Đây là một thách thức lớn với công tác phòng chống ngộ độc. Số vụ NĐTP xảy ra tại bếp ăn gia đình vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất (48,6 - 60,7% tổng số vụ trong mỗi năm); tiếp đến là tại bếp ăn tâp thể (12,7 - 20,6% tổng số vụ mỗi năm), các loại nguyên nhân khác như: khách sạn, đám cưới, thức ăn đường phố chiếm tỷ lệ ít hơn.
Về nguyên nhân ngộ độc thực phẩm, trong các vụ NĐTP năm 2010, thức ăn nguyên nhân chiếm tỷ lệ cao nhất là thực phẩm hỗn hợp (47,4%); nấm chiếm 16%, thủy sản 10,9% (trong đó có cá nóc, sao biển, cá ngừ và các sản phẩm cá); thịt và các sản phẩm chiếm 10,3%; rau và sản phẩm chiếm 3,4%; rượu có hàm lượng methanol cao chiếm 3,4% số vụ NĐTP...
Cũng trong giai đoạn 2006 - 2010, hệ thống thu thập và ghi nhận ngộ độc NĐTP ngày càng được hòan thiện nên đã hạn chế việc bỏ sót không ghi nhận NĐTP. Do đó, việc giảm số vụ ngộ độc thực phẩm là một nỗ lực lớn do các can thiệp phòng chống ngộ độc thực phẩm ngày càng hiệu quả trong thời gian qua.
Đặc biệt, trong năm 2010, đã tăng cường hoạt động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nỗ lực triển khai củng cố hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh có hiệu quả các hoạt động bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm; kiện toàn và xây dựng hệ thống quản lý từ Trung ương đến địa phương để triển khai các hoạt động bảo đảm VSATTP; xây dựng hệ thống kiểm nghiệm VSATTP trong cả nước; xây dựng hệ thống thanh tra chuyên ngành để từng bước chấn chỉnh, đưa các quy định pháp luật về VSATTP vào cuọc sống.
Hoạt động thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh với sự đa dạng hóa nội dung, hình thức để tiếp cận với cộng đồng, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi nguy cơ không bảo đảm ATVSTP cho các nhóm đối tượng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh việc chấp hành các quy định về điều kiện VSATTP ở các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, dịch vụ cung cấp thức ăn đường phố, thức ăn cho lễ hội khu du lịch...
Hồng Minh