Thứ Bảy, 28/9/2024
Sức khỏe
Thứ Bảy, 19/3/2011 22:24'(GMT+7)

Việt Nam sẵn sàng khám và điều trị người nhiễm phóng xạ

Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan chức năng của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tiến hành kiểm tra và chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị cho người từ Nhật Bản trở về bị nhiễm phóng xạ.

Tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cũng như nhiều cơ sở y tế khác, đã từng có kinh nghiệm điều trị những bệnh nhân trong nước bị nhiễm phóng xạ khi bị sự cố phóng xạ xảy ra trong phòng thí nghiệm hoặc trong quá trình quản lý phóng xạ.

Năm 1986 xảy ra vụ nổ nhà máy điện nguyên tử Chernobyl thuộc Liên Xô cũ, bệnh viện Bạch Mai từng chữa trị cho nhiều người nhiễm phóng xạ trở về. Do vậy, nếu xảy ra thảm hoạ hạt nhân tại Nhật Bản, Bệnh viện Bạch Mai hoàn toàn có đủ điều kiện để khám và điều trị.

PGS.TS Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu cho biết, Trung tâm hiện có các thiết bị để ghi đo mức độ nhiễm xạ trong cũng như nhiễm xạ tự nhiên. Khi bị nhiễm xạ tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, điều trị nội khoa sẽ được đặt lên hàng đầu.

Cũng theo PGS.TS Mai Trọng Khoa, cần hết sức lưu ý 2 chất i-ốt phóng xạ 131 (I-131), và Cesium 137 vì chúng khuyếch tán rất xa trong bầu khí quyển, gây ung thư, thường gặp nhất là ung thư máu, ung thư tuyến giáp hoặc gây đột biến di truyền cho một thế hệ hoặc nhiều thế hệ. Riêng đối với loại i-ốt phóng xạ 131, có thể giảm nguy cơ bị nhiễm cho người ở vùng có nguy cơ cao bằng cách cho người dân uống một liều i-ốt không phóng xạ vừa đủ.

PGS.TS Mai Trọng Khoa khuyến cáo, có thể dùng viên i-ốt cho những người ở vùng có nguy cơ xảy ra sự cố phóng xạ để uống. Theo một nguyên tắc, khi i-ốt không phóng xạ được đưa vào cơ thể, tuyến giáp sẽ hấp thu loại i-ốt này. Nếu sau đó bệnh nhân có tiếp xúc với i-ốt phóng xạ, tuyến giáp sẽ nghỉ không hấp thu hoặc hấp thu không đáng kể i-ốt phóng xạ, và i-ốt phóng xạ sẽ ra ngoài cơ thể qua hệ thống đào thải…tuyến giáp được bảo vệ. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ áp dụng tại nơi trong không khí có i-ốt chất phóng xạ nếu không sẽ gây ra bệnh khi thừa i-ốt.

Tất cả những người trong vùng có sự cố hạt nhân đều phải được kiểm tra có nhiễm phóng xạ hay không vì có thể người đó nhiễm xạ ngoài, nghĩa là phóng xạ có trên quần áo, tóc, da… Hoặc có thể người đó đã nhiễm xạ trong khi phóng xạ vào cơ thể qua đường hô hấp và ăn uống.

Viện Khoa học Kỹ thuật và Hạt nhân thuộc Bộ Khoa học Công nghệ vẫn đang tiến hành lấy mẫu không khí và nước mưa để phân tích đồng vị phóng xạ 1 ngày một lần. Đến nay chưa phát hiện mẫu không khí và nước mưa ở các vùng trong nước có biểu hiện nhiễm phóng xạ.

Trong khi đó các giá trị đo được tại Trạm quan trắc Trung tâm Hỗ trợ Kỹ thuật An toàn Bức xạ và Ứng phó sự cố thuộc Cục An toàn bức xạ và hạt nhân được lấy liên tục 24/7 và 10 phút/1 lần cho thấy, chưa có những bất thường về phóng xạ.

Trung tâm hỗ trợ Kỹ thuật và Ứng phó sự cố bức xạ cho biết, đến nay, những công dân trở về từ Nhật Bản khi được đo kiểm cũng không phát hiện đồng vị phóng xạ trong cơ thể./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất