* Tại
Quảng Ninh, trong hai ngày 17 và 18/2, Công ty TNHH một thành viên cảng Quảng Ninh đã đón 4 tàu biển lớn "xông" cảng Cái Lân, cảng nước sâu đồng bộ đầu tiên ở phía Bắc Việt Nam.
Ông Quách Đình Phú, Giám đốc Công ty xếp dỡ Container cho biết, trong tháng 1/2010 Công ty đã bốc xếp được 15.000 TEU và dự kiến trong tháng 2 này sẽ bốc xếp khoảng 20.000 TEU, đảm bảo đúng tiến độ, giải phóng nhanh cho tàu vào làm hàng tại cảng.
Như vậy, tính đến ngày 18/2, Công ty TNHH một thành viên cảng Quảng Ninh đã đạt sản lượng bốc xếp hơn 1 triệu tấn hàng hoá thông qua cảng. Trong năm 2010, Công ty phấn đấu 5,35 triệu tấn hàng hóa thông qua cảng, tổng doanh thu hơn 173 tỷ đồng, nâng mức thu nhập bình quân người lao động lên 4,5 triệu đồng/tháng.
* Sáng 18/2 (mồng 5 Tết), nhiều đơn vị trên địa bàn Đà Nẵng đã ra quân sản xuất đầu năm. Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh đã có mặt tại công trình Cầu mới (Cầu Rồng) qua sông Hàn. Đây là chiếc cầu thứ 9 trên sông Hàn được khởi công tháng 7/2009, với tổng kinh phí xây dựng 1.498 tỷ đồng. Kể từ khi khởi công xây dựng cầu Rồng, các đơn vị thi công phân chia lực lượng thành 3 ca, làm việc liên tục suốt ngày đêm đến 30 Tết.
Trên công trường Nhà thi đấu TDTT Đà Nẵng, hơn 250 cán bộ kỹ sư và công nhân chủ lực của Tổng Công ty Sông Hồng vẫn thi công 3 ca mỗi ngày trong những ngày Tết Canh Dần. Đây là công trình thể thao có quy mô hiện đại bậc nhất khu vực Đông Nam Á với tổng vốn đầu tư hơn 860 tỷ đồng, phục vụ cho Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 mà thành phố Đà Nẵng đăng cai tổ chức.
Bình Dương thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khởi sắc ngay từ đầu năm 2010. Trong tháng 1, tỉnh có thêm 6 dự án đầu tư mới với vốn đăng ký 116,5 triệu USD và có 4 dự án bổ sung vốn 4,2 triệu USD. Như vậy tính đến nay, trên địa bàn Bình Dương có 1.871 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 13 tỉ 268 triệu USD.
Để thực hiện kế hoạch thu hút hơn 1 tỉ USD vốn FDI trong năm 2010, Bình Dương đã đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng bên trong các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động, nhất là hệ thống xử lý nước thải tập trung, triển khai các KCN phù hợp với Đề án bổ sung, quy họach của tỉnh được Chính phủ phê duyệt... Năm 2009, Bình Dương đã thu hút thêm 2 tỉ 468 triệu USD vốn FDI, bằng 2,4 lần kế hoạch năm.
* Trước đó, ngày 17/2, tức ngày mùng 4 Tết Canh Dần, mặc dù trời mưa to, các cơ sở sản xuất ở khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới và khu kinh tế cảng Hòn La (Quảng Bình) đồng loạt tổ chức lễ ra quân đầu năm mới.
Ông Trần Xuân Tiêu, Giám đốc xí nghiệp may Hà Quảng cho biết: Từ 7 giờ sáng hơn 600 công nhân ở các bộ phận sản xuất trong xí nghiệp đã tập trung đầy đủ triển khai ngày sản xuất đầu năm với khí thế lao động giành năng suất, chất lượng cao. Trong 6 tháng đầu năm nay, xí nghiệp đã ký được các hợp đồng xuất khẩu sản phẩm áo sơ mi sang Mỹ, Tây Á, Hồng Công, Singapore...Trong năm 2010, xí nghiệp may Hà Quảng phấn đấu đạt kế hoạch 1,5 triệu sản phẩm, doanh thu đạt 1,4 triệu USD.
Tại Nghệ An, ngày 18/2 (mồng 5 Tết), các chợ trên địa bàn bắt đầu “mở hàng" với nhiều sản phẩm nông nghiệp bán chạy.
Ngoài rau và cá là thế mạnh của địa phương, hoa quả do nông dân các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Anh Sơn làm ra cũng là mặt hàng bán chạy vào dịp sau Tết. Hiện, cam Vinh được bán nhiều tại các chợ ở trong, ngoài tỉnh, được nhiều người tìm mua. Riêng cam Xã Đoài (được trồng ở xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc) rất khan hiếm vì nhiều người đã đặt mua từ trong Tết.
* Tương tự, tại Hà Giang, sau 3 ngày Tết, người dân vùng cam các huyện Vị Xuyên, huyện Bắc Quang ( Hà Giang) đem cam bày bán ven dọc đường quốc lộ 2 đoạn từ km 32 đến km 90 (chiều Hà Giang-Hà Nội) giá cao hơn mọi năm và cao hơn cả trước Tết. Hà Giang có hơn 4.000 ha cam, quýt được trồng tập trung thành vùng tại các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên và một số xã vùng thấp của huyện Quang Bình. Sản lượng cam, quýt cả tỉnh khoảng trên 20.000 tấn.
* Tại Lào Cai, từ chiều tối 17 đến rạng sáng 18/2, đợt không khí lạnh mới kèm gió đông bắc cấp 2-3 đã gây mưa trên diện rộng, kết thúc đợt hanh khô và chấm dứt đợt cao điểm nguy cơ cháy rừng kéo dài hàng tháng qua trên địa bàn.
Đợt mưa này cũng tạo thuận lợi có nước để nông dân xuống đồng làm đất gieo cấy vụ xuân. Ông Phạm Đình Quê, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm nay mưa đúng vào ngày 5 Tết là ngày lễ hội xuống đồng của đồng bào vùng cao nên chắc chắn sẽ có thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Tranh thủ có mưa, ngành nông nghiệp chỉ đạo các địa phương làm thuỷ lợi tích nước cho sinh hoạt và phục vụ sản xuất. Vụ Xuân năm nay Lào Cai dự kiến gieo trồng hơn 10.000ha lúa nước, và có gần 3.000ha chuyển sang trồng các cây chịu cạn do thiếu nước, hạn chế mức thấp nhất tình trạng bỏ diện tích gieo cấy.
* Trong những ngày sau Tết, nhất là từ ngày mùng 4 đến ngày mùng 9, lưu lượng hành khách và hàng hóa thông qua bến xe Thành phố Vĩnh Long đi TP.HCM và các tỉnh đã tăng nhiều lần so với ngày thường nhưng Ban quản lý bến có kế hoạch cụ thể trong việc điều hành, quản lý phương tiện, sắp xếp ca hợp lý nên đã giảm đến mức thấp nhất tình trạng ứ đọng khách do thiếu phương tiện vận chuyển.
Tại HTX xe khách Trung Kiên, chủ nhiệm HTX cho biết, với 31 xe từ 7 đến 16 chỗ ngồi, bình thường mỗi giờ xuất bến 1 chuyến, nay do lượng khách từ Vĩnh Long đi chiều TP.HCM quá đông nên xe đầy khách là xuất bến ngay. Với chiều xe từ TP.HCM về, xe ít khách vẫn xuất bến, thậm chí HTX chấp nhận cho chạy xe rỗng quay về để có phương tiện chuyển khách đi.
Một số doanh nghiệp vận tải trong tỉnh còn thực hiện kế hoạch liên kết với các đơn vị vận tải khác đưa thêm đầu xe 54 chỗ vào khai thác. Từ 14 chuyến đi TP.HCM mỗi ngày, chi nhánh Mai Linh Vĩnh Long đã tăng lên 21 chuyến, góp phần giải phóng nhanh lượng hành khách tại bến.
(Theo Cổng TTĐTCP)