(TG)-Theo Luật Cán bộ, công chức năm 2008 thì vị trí việc làm là công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Triển khai quy định này, Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức để triển khai cụ thể mô hình vị trí việc làm, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay việc triển khai quy định về vị trí việc làm vẫn chưa mang lại kết quả cụ thể nào.
Khác với mô hình chức nghiệp- là mô hình xem công vụ là một nghề do công chức thực hiện được duy trì, ổn định theo ngạch, bậc chuyên môn chặt chẽ hay còn gọi là hình thức quản lý thâm niên. Mô hình vị trí việc làm không xếp theo ngạch bậc mà người lao động được bố trí theo từng vị trí công việc/việc làm mà trước đó đã được thiết kế theo những yêu cầu, tiêu chuẩn cụ thể và rõ ràng.
Mỗi vị trí việc làm do một hoặc một vài người đảm nhận tùy theo khối lượng, cường độ công việc. Các vị trí công việc khác nhau được xếp vào các mức khác nhau căn cứ vào mức độ phức tạp, quy mô công việc, đối tượng phục vụ, quản lý và một số căn cứ khác… trên cơ sở đó để thiết lập một hệ thống tiền lương hợp lý, công bằng. Mỗi người chỉ làm một công việc cụ thể với một mức lương nhất định, không có chế độ làm việc suốt đời. Bên cạnh đó, việc tuyển chọn người vào làm việc hoàn toàn không căn cứ vào văn bằng, chứng chỉ mà chủ yếu là căn cứ vào năng lực thực tế của nhân sự.
Ưu điểm của mô hình này là một vị trí công việc nhất định đòi hỏi một công chức cụ thể với những tiêu chuẩn phù hợp để đáp ứng yêu cầu công việc. Việc bố trí công chức theo quan điểm “vì việc mà tìm người”, “lượng tài mà trao chức”, coi trọng công việc hơn là đặc điểm cá nhân của người nắm giữ công việc. Một người chỉ có thể trở thành công chức hay được bổ nhiệm vào một chức vụ sau khi thi tuyển công khai. Nhờ đó, tính năng động, hiệu suất làm việc và tính thích ứng cao hơn do tận dụng được khả năng của người công chức thông qua môi trường “cạnh tranh” trong và ngoài công vụ, kể cả thu hút các tài năng bên ngoài công vụ.
Điều đặc biệt nữa là trong mô hình theo công vụ việc làm có thể chuyển đổi công việc từ khu vực tư sang khu vực công và ngược lại theo yêu cầu công việc và theo năng lực thực tế của bản thân công chức. Chính điều này góp phần xây dựng nên “văn hóa từ chức”, khi đó những cán bộ, công chức trong hệ thống cơ quan nhà nước vi phạm pháp luật hay không đảm đương được yêu cầu nhiệm vụ có thể từ nhiệm và khi đủ điều kiện có thể quay trở lại bộ máy nhà nước mà không phải quá nặng nề, khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, để xây dựng và áp dụng mô hình việc làm cần thực hiện tốt công tác thi tuyển, hình thức thi để chọn người phù hợp, đồng thời có tiêu chí đánh giá, các cơ chế giám sát, các biện pháp chế tài đối với hoạt động của công chức trong từng lĩnh vực cụ thể, rõ ràng và hiệu quả.
Từ những ưu điểm trên của việc áp dụng mô hình vị trí việc làm, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần sớm triển khai mô hình này trong thực tế. Điều này vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới, vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước góp phần phục vụ tốt hơn yêu cầu giải quyết công việc của công dân, tổ chức và đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.
Vĩnh Linh