Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 28/6/2016 16:29'(GMT+7)

Gia đình - mục tiêu, động lực xây dựng đất nước

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Nhiều dân tộc, quốc gia trên thế giới đã phải đương đầu với những hậu quả xã hội do thất bại trong chiến lược gia đình hoặc do chưa đánh giá hết tầm quan trọng của vai trò, chức năng, vị trí gia đình trong đời sống xã hội. Các giá trị gia đình có sự thay đổi từ sự phát triển công nghệ và đô thị hóa.

Ở Việt Nam, kinh tế thị trường tác động làm thay đổi cả các mối quan hệ gia đình. Kinh tế thị trường kích thích chủ nghĩa cá nhân, làm suy yếu chuẩn mực đạo đức gia đình, làm biến đổi cả chuẩn mực trong quan hệ cha mẹ với con cái. Tính độc lập của con cái trong cuộc sống được mở rộng. Con cái hòa nhập vào đời sống xã hội sớm hơn. Đồng nghĩa với thời gian kiểm soát các hành vi con cái của cha mẹ cũng bị thu ngắn lại. Trong quan hệ vợ chồng, khả năng tự chủ, độc lập kinh tế giữa vợ và chồng cao hơn. Quan hệ vợ chồng lỏng lẻo hơn nhưng xung đột lại nhiều hơn. Vấn đề người cao tuổi trong gia đình Việt Nam cũng đang đặt ra những yêu cầu mới cho xã hội. Việt Nam đã bước vào giai đoạn “già hóa dân số” với số lượng và tỷ lệ người cao tuổi đang ngày càng tăng lên nhanh chóng. Đời sống vật chất của người cao tuổi còn gặp rất nhiều khó khăn. Cả nước có tới 70-80% người cao tuổi phải tự kiếm sống hoặc nhờ vào sự nuôi dưỡng và chăm sóc của con cái. Song song với đó, trong xã hội ta đã xuất hiện các dạng gia đình mới: Gia đình độc thân, gia đình không hoàn thiện, gia đình không có người cha... 

Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong xây dựng đất nước ngày càng hiện đại và mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Ngày 29/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 629/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đây là quyết định hết sức quan trọng, tạo khung chính sách về phát triển gia đình, giúp gia đình phát triển ngày càng no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

Để triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, còn rất nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết, trước xã hội đang phát triển đầy biến động, giữa một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Trong bối cảnh đó, xu hướng phát triển của gia đình Việt Nam không thể không bị cuốn theo bởi những tác động của một thế giới mới, của cơn lốc xoáy thời đại với sự giao thoa mạnh mẽ giữa các nền văn hóa, sự nhào trộn các giá trị, sự xâm lấn các chuẩn mực đạo đức, sự hòa nhập đời sống tinh thần và văn minh các châu lục.

Luật Hôn nhân và Gia đình được sửa đổi, bổ sung với rất nhiều điểm tiến bộ, nhưng liệu có đủ khả năng chế tài để can thiệp vào tất cả các vấn đề nhạy cảm trong lĩnh vực gia đình. Cần xây dựng hệ thống chính sách trực tiếp tác động đến hiệu quả của chiến lược gia đình như thế nào? Chính sách phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi; chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình; chính sách xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội; chính sách phân bổ dân cư; chính sách chăm sóc y tế, giáo dục; chính sách hỗ trợ nguồn lực cho gia đình có mức sống thấp...

Gia đình là nguồn lực đầy tiềm năng, đồng thời có trách nhiệm vô cùng lớn lao trước xã hội! Đầu tư của xã hội cho gia đình chính là sự đầu tư hạt giống cho một thế giới mới; chiến lược phát triển gia đình Việt Nam chính là chiến lược về con người, về nguồn lực thúc đẩy sự phát triển xã hội trong một thế giới đang thay đổi. Tiêu chí xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc” được đặt ra trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 hằng năm chính là tiêu chí nền tảng cho mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

TS. Lê Cảnh Nhạc

(Nguồn: Báo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất