Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ GIA TĂNG Ở ĐÔ THỊ
Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ đi liền việc
gia tăng các phương tiện cơ giới cá nhân, sự phát triển cơ sở hạ tầng đã
trở thành những áp lực vô cùng lớn cho bầu không khí trong lành. Bên
cạnh đó, các hoạt động khai thác khoáng sản, sản xuất công nghiệp, nông
nghiệp và làng nghề thiếu bền vững… đang là những mối đe dọa đối với môi
trường nói chung và môi trường không khí nói riêng.
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch
Mạng lưới không khí sạch Việt Nam chỉ rõ: Các nguồn chính gây ô nhiễm
môi trường không khí đến từ các hoạt động giao thông vận tải; sản xuất công nghiệp; xây
dựng và dân sinh; nông nghiệp và làng nghề… Ðáng lo ngại, hầu hết các đô thị
lớn ở nước ta luôn phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ngày một gia tăng.
Môi trường không khí chủ yếu bị ô nhiễm các loại khí thải như: Sun-fua Ði-ô-xít (SO2),
Ni-tơ Ði-ô-xít (NO2), Các-bon-đi-ô-xít (CO2), bụi…
Số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
cho thấy: Có đến 70% lượng khói bụi gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội là do hoạt động
giao thông. Với hơn năm triệu phương tiện giao thông, hoạt động giao
thông tại Hà Nội thải ra tới 85% lượng khí CO2 và 95% lượng các hợp chất
hữu cơ dễ bay hơi mà mắt thường không quan sát được. Ô nhiễm bụi tại
khu vực này được phản ánh thông qua bụi lơ lửng tổng số (TSP), bụi PM10
(bụi có đường kính khí động học nhỏ hơn, hoặc bằng 10 mi-crô-mét) và bụi
PM2,5 (bụi có đường kính khí động học nhỏ hơn, hoặc bằng 2,5
mi-crô-mét)...
Theo số liệu quan trắc do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện giai đoạn
2012 - 2016, tại khu vực nội thành của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, số
ngày trong năm có nồng độ bụi PM10, PM2,5 vượt ngưỡng cho phép của QCVN
05: 2013/BTNMT chiếm tỷ lệ hơn 20% tổng số ngày trong năm…
Tại các khu sản xuất công nghiệp, tình trạng ô nhiễm bụi vẫn là chủ
yếu. Kết quả đo đạc cho thấy nồng độ TSP ở rất nhiều điểm quan trắc
chung quanh các khu công nghiệp đều vượt giới hạn quy định, thậm chí
vượt nhiều lần giới hạn cho phép đối với trung bình 24 giờ và trung bình
năm. Nguồn phát sinh bụi chủ yếu đến từ các nhà máy xi-măng, các lò
nung gạch, ngói, xí nghiệp sản xuất đồ gốm, các nhà máy nhiệt điện đốt
than, đốt dầu FO; các nhà máy đúc đồng, luyện thép, phân hóa học…
Ðáng
lo ngại, thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí ở các làng nghề không những
không giảm, mà còn có xu hướng gia tăng do các hoạt động tái chế kim
loại, nhựa, vật liệu xây dựng… lượng bụi và khí CO, CO2, SO2 và NO2 thải
ra trong quá trình sản xuất khá cao, nhất là nồng độ bụi tại khu vực
sản xuất vật liệu xây dựng thường vượt QCVN 05:2013/BTNMT về chất lượng
không khí chung quanh từ ba đến tám lần; hàm lượng SO2 có nơi vượt đến
6,5 lần…
Ngoài ra, việc đốt rơm, rạ sau thu hoạch tại nhiều tỉnh, thành
phố thuộc đồng bằng sông Hồng không chỉ gây lãng phí năng lượng, ảnh
hưởng đến giao thông, mà còn gây ô nhiễm không khí bởi các khí CO2, CO, bụi PM2,5,
bụi PM10…
Môi trường không khí bị ô nhiễm đã có những tác động tiêu cực đến sức khỏe của con
người, nhất là các bệnh liên quan đến hô hấp và có thể còn gây ung thư
phổi. Các chuyên gia lĩnh vực môi trường và sức khỏe cho rằng, mức độ
ảnh hưởng đối với từng người tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, nồng độ,
loại chất ô nhiễm và thời gian tiếp xúc với môi trường ô nhiễm không khí.
Riêng số
liệu thống kê của ngành y tế cho thấy một thực tế đáng lo ngại: Trong
những năm gần đây bệnh đường hô hấp như các bệnh về phổi, viêm họng,
viêm phế quản và viêm tiểu phế quản... thường đứng vị trí cao nhất so
với các loại bệnh khác. Nguyên nhân được xác định là do môi trường không khí bị ô nhiễm.
Tại các đô thị có tỷ lệ ô nhiễm bụi cao, số người mắc bệnh đường hô hấp
thường cao gấp nhiều lần so với các đô thị khác. Như tỷ lệ người mắc
bệnh lao được phát hiện tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Ðồng Nai,
Bắc Giang thường cao gấp từ 10 lần đến 15 lần so với các tỉnh, thành
phố có ít hoạt động công nghiệp như Bắc Cạn, Ðiện Biên…
CẦN NHỮNG GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ
Với số dân khoảng tám triệu người, TP. Hà Nội đang phải đối mặt tình
trạng ô nhiễm môi trường không khí khá nghiêm trọng. Ô nhiễm không khí ở TP. Hà Nội hiện nay chủ yếu
là ô nhiễm bụi do hoạt động giao thông, xây dựng... gây ra. Nhiều thời
điểm nồng độ bụi PM2,5 trung bình 24 giờ đã vượt giới hạn cho phép của
QCVN 05:2013/BTNMT. Tại một số khu vực vẫn xảy ra tình trạng ô nhiễm
NO2, hoặc SO2, nhưng chỉ mang tính chất cục bộ vào một số thời điểm nhất
định trong năm...
Trước thực trạng nêu trên, những năm qua, TP. Hà Nội đã triển khai
nhiều hoạt động nhằm từng bước giảm bớt ô nhiễm môi trường nói chung và
ô nhiễm không khí nói riêng. Ðến nay, toàn thành phố đã hoàn thành chương trình trồng
một triệu cây xanh trong giai đoạn 2016 - 2020 và từ nay đến hết năm
2020 thành phố sẽ phấn đấu trồng thêm 600 nghìn cây xanh.
Thành phố cũng
đang tích cực đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng và hệ thống giao thông
công cộng để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng; vận
động người dân hạn chế sử dụng bếp than tổ ong, đốt rơm, rạ, rác thải;
tuyên truyền, vận động người dân sử dụng năng lượng thân thiện với môi
trường...
Từ năm 2017, UBND thành phố Hà Nội đã đầu tư xây dựng 10 trạm
quan trắc môi trường không khí. Hằng ngày, các thông số về môi trường không khí liên tục được cập nhật,
hiển thị trên những màn hình lớn treo tại Trung tâm Ðiều hành và Quản lý
dữ liệu quan trắc môi trường (Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội). Bảng
quy đổi chỉ số chất lượng không khí (AQI) được thể hiện qua các mầu:
xanh, vàng, cam… Trên cơ sở dữ liệu quan trắc từ 10 trạm tự động truyền
về liên tục 24 giờ trong ngày, hệ thống máy móc đặt tại trung tâm sẽ tự
tính toán chỉ số AQI của thành phố.
Từ các dữ liệu phân tích, Chi cục
Bảo vệ môi trường Hà Nội sẽ tiến hành kiểm tra, xác định được nguồn gây
ô nhiễm không khí tại các điểm ô nhiễm và đề xuất giải pháp khắc phục. Ngoài ra,
thông tin chất lượng môi trường không khí sẽ được cập nhật trên các phương tiện thông
tin đại chúng, để người dân Thủ đô theo dõi chất lượng không khí hằng
ngày.
Với những thành quả bước đầu, dự kiến từ nay đến năm 2020, TP. Hà
Nội sẽ lắp đặt thêm 33 trạm quan trắc trên toàn thành phố. Kết quả đánh
giá AQI những tháng đầu năm 2019 cho thấy, ngày có chất lượng không khí ở
mức trung bình chung quanh các trạm quan trắc dao động từ 50% đến 60%;
tại nhiều khu vực ngoại vi, hoặc nơi có không gian thoáng, nhiều cây
xanh số lượng ngày có không khí chất lượng tốt chiếm tỷ lệ tương đối
cao…
Ðánh giá về vấn đề này, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Thế Chinh cho rằng: Tình trạng ô nhiễm môi
trường, nhất là tại các đô thị lớn sẽ tiếp tục gia tăng nếu Việt Nam
không kịp thời triển khai các giải pháp mang tính đột phá như tập trung
rà soát, hoàn thiện, bổ sung và ban hành sớm các quy chuẩn khí thải cho
từng ngành đặc thù, trong đó có việc kiểm soát ô nhiễm không khí do giao thông, xây
dựng…
Ðáng chú ý, UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các cơ quan chức
năng trên địa bàn triển khai các giải pháp kiểm soát bụi trong quá trình
thi công, vận chuyển vật liệu, chất thải tại các công trường xây dựng;
tăng cường kiểm soát khí phát sinh từ các khu xử lý chất thải rắn nông
thôn, làng nghề, cụm công nghiệp. Thực hiện việc đầu tư, lắp đặt và vận
hành hệ thống truyền số liệu quan trắc khí thải tự động liên tục từ các
cơ sở sản xuất có nguồn thải lớn về Sở Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường để kiểm
tra, giám sát thường xuyên; thiết lập các điểm quan trắc môi trường không khí theo Quy
hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia và hoàn thiện hệ
thống cơ sở dữ liệu về chất lượng môi trường không khí tại các đô thị lớn trên cả nước.
Ðể giảm bớt ô nhiễm không khí, theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, các bộ,
ngành, địa phương cần thực hiện tốt Kế hoạch hành động quốc gia về quản
lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt với các mục tiêu cụ thể: Kiểm soát tốt các
nguồn khí thải, tập trung vào nguồn khí thải công nghiệp, năng lượng
lớn, giao thông… Ðến năm 2020 bảo đảm 80% các cơ sở sản xuất thép, hóa
chất và phân bón hóa học xử lý bụi và các khí thải SO2, NO2, CO đạt Quy
chuẩn kỹ thuật môi trường; 90% số cơ sở sản xuất điện, 80% số cơ sở sản
xuất xi-măng và 70% số cơ sở sản xuất thép, hóa chất, phân bón hóa học
được đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động liên tục với các
thông số theo Quy chuẩn kỹ thuật môi trường và kiểm kê khí thải.
Triển
khai các biện pháp giảm ô nhiễm bụi PM10 và PM2,5 tại các nguồn thải
chính là công nghiệp, năng lượng, giao thông và xây dựng, nhất là tại
các thành phố lớn…
Ngoài ra, các đơn vị, doanh nghiệp cần đẩy nhanh tiến
độ đầu tư đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, thiết bị sản xuất nhằm
hạn chế phát sinh khí thải; đồng thời xây dựng, lắp đặt, vận hành các
hệ thống xử lý khí thải phát sinh từ các cơ sở công nghiệp, bảo đảm
không gây ô nhiễm môi trường không khí.
Huy động sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng trong
việc giám sát khí thải phát sinh từ các cơ sở sản xuất công nghiệp,
giao thông, xây dựng và các nguồn khí thải khác. Mỗi người dân cần hạn
chế đốt rơm rạ, rác thải, hạn chế sử dụng bếp than tổ ong…
Ðây là những
hành động thiết thực để hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6), có chủ
đề "ô nhiễm không khí và hành động của chúng ta" và Tháng hành động vì
môi trường năm 2019, đang được triển khai trên phạm vi cả nước…/.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc: Khoảng 92% số dân trên toàn thế
giới không được hít thở không khí sạch; mỗi năm trên toàn thế giới, có
khoảng bảy triệu người chết sớm do ÔNKK, trong đó khu vực châu Á - Thái
Bình Dương có gần bốn triệu người. Ô nhiễm không khí gây thiệt hại cho nền kinh tế
toàn cầu khoảng 5.000 tỷ đô-la mỗi năm. Không chỉ ảnh hưởng đến sức
khỏe, kinh tế, ô nhiễm không khí còn có tác động rất lớn tới chất lượng các công
trình và độ bền vật liệu; ảnh hưởng tới hệ sinh thái và biến đổi khí
hậu… |
Trung Tuyến (nhandan.com.vn)