Thứ Năm, 3/10/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 30/7/2008 5:59'(GMT+7)

Sớm xây dựng và triển khai áp dụng cơ chế đánh giá Chương trình hành động WTO

Tính đến hết tháng 6 vừa qua, đã có 18/21 Bộ, ngành, 53/64 tỉnh, thành phố xây dựng và chính thức ban hành Chương trình hành động, tập trung vào 12 nhóm nhiệm vụ đặt ra.

Tại Hội thảo báo cáo kết quả tổng hợp chương trình hành động của các Bộ, ngành và địa phương thực hiện Nghị quyết 16/2007/NQ-CP của Chính phủ về "Một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO" do Bộ Công Thương và Chương trình hỗ trợ kỹ thuật hậu WTO tổ chức tại Hà Nội ngày 29/7, các chuyên gia tư vấn nhận định: cơ chế theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá và điều chỉnh các hoạt động trong các Chương trình hành động hầu như không được đặt ra hoặc chỉ được đặt ra ở mức độ rất chung. Đây chắc chắn sẽ là yếu tố ảnh hưởng lớn đến chất lượng và hiệu quả triển khai các nội dung trong Chương trình hành động của các Bộ, ngành, địa phương.

 

Tuy nhiên, đánh giá của Bộ Công Thương và Chương trình hỗ trợ kỹ thuật hậu WTO cho thấy việc triển khai xây dựng Chương trình hành động của các Bộ, ngành, địa phương là khá bài bản và hợp lý. Theo đó, các Chương trình hành động đều được nghiên cứu, xây dựng và thống nhất ý kiến trong các Bộ, ngành, địa phương trước khi ban hành và đưa vào triển khai thực hiện. Nhiều Bộ, ngành, địa phương lớn đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai Chương trình hành động của Chính phủ đã thực hiện khẩn trương công tác xây dựng và sớm ban hành Chương trình hành động của mình, làm cơ sở quan trọng để triển khai các hoạt động thuộc ngành, địa phương quản lý.

 

Tính đến hết tháng 6 vừa qua, đã có 18/21 Bộ, ngành, 53/64 tỉnh, thành phố xây dựng và chính thức ban hành Chương trình hành động, tập trung vào 12 nhóm nhiệm vụ đặt ra. Nhiều Bộ, ngành, địa phương đã có sự chủ động, sáng tạo trong việc cụ thể hoá và triển khai những nhiệm vụ được đặt ra trong Chương trình hành động của Chính phủ. Đáng chú ý, vai trò dẫn dắt, chỉ đạo của Chính phủ trong việc triển khai các nhiệm vụ đề ra trong Chương trình hành động chung là rất rõ rệt, tạo ra sự thống nhất, gắn kết cần thiết trong việc triển khai công việc của các Bộ, ngành, địa phương.

 

Để nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình hành động của các Bộ, ngành, địa phương, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ xây dựng một cơ quan đầu mối và hình thành một hệ thống các tổ chức của nhà nước từ Trung ương tới địa phương, đóng vai trò là những trung tâm chuyên trách thực hiện hoạt động cung cấp thông tin và xử lý các vấn đề có liên quan tới việc thực hiện các cam kết của Việt Nam trong WTO; đồng thời sớm xây dựng và triển khai áp dụng một cơ chế theo dõi, kiểm tra và đánh giá tình hình thực hiện những nội dung công việc trong Chương trình hành động của Chính phủ, của các Bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, xác định rõ ưu tiên về một số lĩnh vực, khu vực lãnh thổ cần được tập trung xử lý trong tổng thể các vấn đề được đặt ra; có một cách nhìn nhận và xử lý chiến lược hơn đối với các vấn đề về môi trường... Cuối cùng, sau một thời gian thực hiện cần có một chương trình tổng kết, đánh giá tổng thể về tác động của việc Việt Nam gia nhập WTO và kết quả thực hiện những nội dung trong Chương trình hành động của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương ở quy mô trên toàn quốc./.

(VOV)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất