Thứ Ba, 3/12/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 22/7/2016 14:32'(GMT+7)

Sử dụng sai kinh phí, 21/50 tỉnh thành bị đòi hơn 1.600 tỷ đồng

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Dùng nguồn cải cách tiền lương bù hụt thu

Theo kết quả kiểm toán năm 2015 về lĩnh vực chi thường xuyên vừa được Kiểm toán Nhà nước cho biết, thực tế có tình trạng một số địa phương hụt thu ngân sách cấp tỉnh hoặc ngân sách cấp huyện nhưng không thực hiện rà soát, cắt giảm nhiệm vụ chi. Đơn cử cho tình trạng này là thành phố Cần Thơ, tỉnh Quảng Nam, Hậu Giang, Đắk Lắk, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Phú Yên.

Đặc biệt, theo đánh giá, tình trạng sử dụng sai nguồn kinh phí xảy ra ở nhiều địa phương được kiểm toán. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị 21/50 tỉnh, thành phố được kiểm toán bố trí hoàn trả nguồn 1.608 tỷ đồng.

Trong số này, một số địa phương phải bố trí nguồn hoàn trả lớn như: Tỉnh An Giang 563 tỷ đồng, Vĩnh Long 297 tỷ đồng, Thanh Hóa 289 tỷ đồng, Hưng Yên 109 tỷ đồng,...

Thậm chí, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra việc trong điều hành ngân sách còn sử dụng 107,8 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, nguồn cải cách tiền lương, nguồn bổ sung có mục tiêu... để bổ sung chi thường xuyên sai quy định hoặc để bù hụt thu không đúng quy định.

Một số địa phương được nhắc tên trong diện này là: Tỉnh Đắk Lắk 13 tỷ đồng; Ninh Thuận 8,4 tỷ đồng; Bình Thuận 4,7 tỷ đồng; Thanh Hóa 2,6 tỷ đồng;...

Đặc biệt, tại tỉnh Quảng Nam, huyện Phước Sơn được Uỷ ban Nhân dân tỉnh cho phép sử dụng 36,5 tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương để bù hụt thu năm 2014; Đắk Lắk sử dụng nguồn cải cách tiền lương để bù hụt thu cân đối 32,4 tỷ đồng; Hậu Giang sử dụng nguồn thu sử dụng đất bù hụt thu 9,2 tỷ đồng.

Báo cáo của ngành kiểm toán cũng nhắc tới việc: Ngân sách Trung ương còn cấp bổ sung có mục tiêu cho một số địa phương nhưng thực tế không có mục tiêu, nội dung chi cụ thể, địa phương đã hòa chung để bổ sung cân đối 715 tỷ đồng.

Những địa phương bị điểm tên là: tỉnh Đắk Lắk 225 tỷ đồng, Gia Lai 148 tỷ đồng, Quảng Nam 139 tỷ đồng, Lai Châu 128 tỷ đồng, Kon Tum 75 tỷ đồng.

Theo đại diện Kiểm toán Nhà nước, hầu hết các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương được kiểm toán đều còn tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức. Phía Kiểm toán Nhà nước qua đó đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách 183 tỷ đồng.

Ứng trước nhiều, thu hồi... hạn chế

Ở hướng khác, đánh giá về sử dụng nguồn dự phòng ngân sách Nhà nước, báo cáo Kiểm toán Nhà nước cho rằng, có 16/50 địa phương được kiểm toán còn sử dụng nguồn dự phòng cho một số nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách như: chi thường xuyên, chi tạm ứng, chi sửa chữa mua sắm tài sản...

Tổng số tiền đã được sử dụng trong diện trên là 613 tỷ đồng. Trong số này, một số địa phương được báo cáo đề cập tới như: thành phố Hà Nội 224 tỷ đồng, Đà Nẵng 150 tỷ đồng, tỉnh Hà Tĩnh 42 tỷ đồng, Sơn La 39 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 35 tỷ đồng, Phú Thọ 23 tỷ đồng,...

Về cho vay và tạm ứng trước dự toán, theo đánh giá, số ứng trước kế hoạch vốn từ ngân sách Trung ương cho các dự án còn lớn, số phải thu hồi đến hết năm 2014 là hơn 81.707 tỷ đồng, tăng gần 14.523 tỷ đồng so với năm 2013.

Kết quả kiểm toán cho thấy, số ứng trước hàng năm nhiều nhưng số thu hồi hạn chế. Năm 2014 ứng trước kế hoạch vốn trên 17.670 tỷ đồng trong khi số thu hồi ứng trước chỉ là xấp xỉ 3.148 tỷ đồng.

Điều này theo đánh giá dẫn đến số ứng trước được chuyển tiếp qua nhiều năm nhưng không được thu hồi. Cụ thể, trong khoảng 81.707 tỷ đồng số dư ứng trước đến hết năm 2014 có số ứng trước năm 2009 là hơn 15.186 tỷ đồng, năm 2010 là 10.760,5 tỷ đồng và tới năm 2013 là trên 12.756 tỷ đồng.

Theo báo cáo, việc cho vay, tạm ứng sai quy định, cho vay, tạm ứng kéo dài nhiều năm, chậm thu hồi đã xảy ra tại một số tỉnh, thành phố được kiểm toán.

Báo cáo của ngành kiểm toán thống kê, các địa phương đã tạm ứng 297 tỷ đồng và cho vay 130,8 tỷ đồng sai quy định. Một số đơn vị tạm ứng sai quy định như: thành phố Đà Nẵng 224 tỷ đồng; tỉnh Hà Tĩnh 25 tỷ đồng, Gia Lai 25 tỷ đồng, Quảng Ngãi 22 tỷ đồng,...

Các địa phương cũng có tình trạng cho vay 764 tỷ đồng , tạm ứng xây dựng cơ bản và tạm ứng khác 3.964 tỷ đồng đã quá hạn nhưng chưa được thu hồi, trong khi hàng năm địa phương vẫn phải đi vay và trả lãi. Một số cái tên được nhắc tới trong nhóm này như: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Thanh Hóa./.

(Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất