Nhà máy Dệt Nam Định, cái nôi của ngành Dệt may Việt Nam có tuổi đời hơn
một trăm năm đang thực hiện từng bước lộ trình chuyển đến địa điểm mới,
nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời kỳ mới.
Yêu cầu của sự phát triển
Nhà máy Liên hiệp Dệt Nam Định, nay là Tổng Công ty cổ phần Dệt may Nam
Định (hay còn gọi là Nhà máy Dệt Nam Định) được hình thành từ những năm
1900, là cái nôi của ngành Dệt may Việt Nam.
Nhà máy dệt cũng chính là nơi đã chứng kiến sự trưởng thành, lớn mạnh
của phong trào công nhân đấu tranh chống lại giới chủ người Pháp giai
đoạn 1919-1930.
Cùng với các địa phương trong cả nước, Nhà máy Dệt Nam Định là nơi ghi
dấu ấn của phong trào yêu nước, thi đua lao động sản xuất, góp sức xây
dựng quê hương đất nước.
Tại đây, đã xuất hiện nhiều cá nhân xuất sắc được phong danh hiệu Anh
hùng Lao động, “đôi bàn tay vàng”. Nhà máy Dệt Nam Định đã 3 lần vinh dự
được đón Bác Hồ về thăm, động viên cán bộ, công nhân ngành dệt.
Với bề dày truyền thống như vậy nên khi một số hạng mục của Nhà máy được
di dời, tháo dỡ, không thể không có một số ý kiến trái chiều. Tuy
nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, người dân Nam Định đều đồng tình
với việc di dời nhà máy để hướng tới sự phát triển bền vững trong tương
lai.
Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Dệt may Nam Định Nguyễn Văn Miêng cho
biết, chỉ có thể lựa chọn một là di dời, hai là đóng cửa nhà máy. Cơ sở
hạ tầng nhà máy qua thời gian đã cũ nát, nhiều hạng mục xuống cấp, không
đảm bảo các điều kiện về phòng, chống cháy nổ, vệ sinh an toàn lao
động.
Việc di dời Nhà máy Dệt Nam Định lẽ ra phải thực hiện từ hơn 10 năm
trước vì theo Quyết định số 64 ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ,
Dệt Nam Định bị xếp vào danh mục cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng song do
nhiều nguyên nhân nên đến nay dự án di dời nhà máy mới được triển khai.
Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định, mục tiêu của dự án di dời là nhằm khắc phục
triệt để vấn đề ô nhiễm, bảo đảm môi trường sinh thái và chỉnh trang đô
thị, tạo điều kiện thuận lợi cho chương trình quy hoạch tổng thể thành
phố Nam Định đến năm 2020 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định; quy hoạch
lại tổng thể sản xuất ngành dệt Nam Định theo mô hình sản xuất công
nghiệp dệt may tập trung, gọn nhẹ, hiện đại; kết hợp di dời nhà máy với
từng bước đầu tư máy móc đồng bộ, phù hợp với yêu cầu phát triển sản
xuất và thị trường.
Trang sử mới cho ngành dệt
Thay thế cho những xưởng sản xuất đã "nhuốm màu thời gian" là Nhà máy
Dệt Nam Định mới đang trong giai đoạn hoàn thiện với quy mô 30 ha tại
Khu Công nghiệp Hòa Xá, xã Mỹ Xá, thành phố Nam Định (Nam Định).
Trong tương lai không xa, khi hoàn thành, đi vào hoạt động, Nhà máy Dệt
Nam Định mới sẽ tạo ra trang sử mới trong sự phát triển của Dệt Nam
Định. Dây chuyền máy móc hiện đại được đầu tư tạo điều kiện mở rộng sản
xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Theo thiết kế, khi hoàn thành nhà máy có công suất trên 9.900 tấn sợi
các loại/năm; vải mộc 20,7 triệu mét/năm; vải in, nhuộm hoàn tất các
loại 25 triệu mét/năm; sợi tẩy trắng, nhuộm mầu các loại 2.000 tấn/năm;
sản phẩm may mặc 3,9 triệu sản phẩm/năm....
Nhà máy được xây dựng theo hình thức cuốn chiếu, hoàn thiện hạ tầng đến
đâu chuyển máy móc ra và tổ chức sản xuất tới đó nhằm hạn chế ảnh hưởng
đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Hiện, với khoảng 150 tỷ đồng đầu tư tại Khu Công nghiệp, Dệt Nam Định đã
xây dựng một nhà máy động lực, một nhà máy nhuộm và nhà máy xử lý nước
thải tập trung. Như vậy, những phần gây ô nhiễm nhất của nhà máy đã được
di chuyển ra cơ sở mới, còn lại vẫn đang duy trì sản xuất tại vị trí
cũ.
Dự kiến vào tháng 10/2016, Tổng Công ty cổ phần Dệt may Nam Định sẽ khởi
công nhà máy sợi và nhà máy dệt để từng bước thu hẹp và chuyển toàn bộ
sản xuất ra địa điểm mới. Các hạng mục sẽ được đầu tư thiết bị công nghệ
hiện đại, phấn đấu đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng/năm, đảm bảo việc làm và
thu nhập ổn định 5 triệu đồng/người/tháng cho trên 5.000 lao động.
Cùng với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, Dệt Nam Định sẽ dần thay thế các
thiết bị lạc hậu để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong
nước và quốc tế.
Để tạo nguồn vốn thực hiện di dời và nâng cấp Nhà máy Dệt Nam Định khi
không dựa vào sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, thực hiện Quyết định số
86, ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế tài
chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải
di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị, tháng 12/2014, Ủy ban Nhân
dân tỉnh Nam Định quyết định chấp thuận đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng
khu đô thị Dệt may Nam Định với diện tích hơn 24,8 ha trên nền đất cũ
của Nhà máy Dệt Nam Định (đường Trần Phú, thành phố Nam Định).
Dự án này do Công ty cổ phần phát triển đô thị Dệt may Nam Định làm chủ
đầu tư, với kinh phí dự kiến 412 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn, thực
hiện từ năm 2015 - 2020.
Giai đoạn 1 (khoảng 2 năm), di dời xưởng nhuộm, đầu tư xây dựng hạ tầng
kỹ thuật, khu công viên, bãi đỗ xe đồng bộ, hiện đại. Giai đoạn 2 (hoàn
thành vào cuối năm 2018), di dời xưởng dệt, dệt khăn, triển khai xây
dựng hạ tầng kỹ thuật nhà văn hóa, trường học. Giai đoạn 3, di dời xong
toàn bộ phần còn lại gồm xưởng may 4, cơ sở sản xuất sợi, chỉ khâu, văn
phòng Tổng Công ty cổ phần Dệt may Nam Định, xây dựng các hạng mục như
công viên, công trình cấp nước sinh hoạt...
Theo Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển đô thị Dệt may Nam Định
Nguyễn Hải Hà, dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo quỹ đất sạch có hạ tầng
đồng bộ, hoàn chỉnh theo quy hoạch, là điều kiện cần để chuyển quyền sử
dụng đất nhằm tạo nguồn tài chính đáp ứng vốn cho dự án di dời, ổn định
sản xuất và đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị hiện đại giúp
tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống người lao động.
Công ty cổ phần phát triển đô thị Dệt may Nam Định chủ trương không tối
ưu hóa diện tích đất để xây dựng nhà ở, biệt thự cao tầng. Trong toàn bộ
khu đất, đơn vị chủ trương dành khoảng 9ha (tương đương 30% diện tích)
làm nhà ở thấp tầng. Không có chuyện xây chung cư, khách sạn. Những diện
tích còn lại để làm bệnh viện, vườn hoa, trường học và hạ tầng liên
quan.
Toàn bộ các di tích văn hóa như: khuôn viên cây bàng - nơi diễn ra phong
trào đấu tranh của công nhân nhà máy, các khu biệt thự cổ cũng được giữ
gìn, tôn tạo; khu nhà truyền thống nơi Bác Hồ 3 lần về thăm đã được Tập
đoàn Dệt may đầu tư hơn 50 tỷ đồng nâng cấp thành Bảo tàng Dệt may.
Phần khuôn viên cũng được doanh nghiệp mở rộng, tiến tới xây dựng nhà
lưu niệm lưu giữ những máy móc thiết bị cũ, những hình ảnh lao động,
chiến đấu của cán bộ công nhân nhà máy và nhân dân Nam Định để phục vụ
du khách thăm quan./.
Vũ Văn Đạt (TTXVN)