Cơ quan quản lý Nhà nước khuyến nghị các đơn vị, người dân và doanh nghiệp nâng cao hơn nữa trong việc sử dụng tiết kiệm, chống lãng phí xăng, dầu.
Việc giá xăng dầu liên tục “nhảy múa” không chỉ tác động tới hoạt động sản xuất-kinh doanh của nhiều doanh nghiệp mà còn gây áp lực không nhỏ tới việc kiểm soát lạm phát, bình ổn thị trường hàng hóa.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thực tế hiện nay, ngoài việc đảm bảo các biện pháp về nguồn cung xăng dầu, các công cụ thuế, phí để tránh những cú tăng sốc thì rất cần sự chung tay của toàn xã hội trong việc tiết kiệm nguồn nhiên liệu hữu hạn này.
Xăng dầu tăng gây sức ép tới giá cả và lạm phát
Tính đầu năm 2022 đến nay, mặt hàng xăng dầu trong nước đã có 6 kỳ tăng giá liên tiếp. Hiện mỗi lít xăng RON95 đã là mức cao nhất từ trước đến nay với giá bán gần 30.000 đồng mỗi lít.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam vừa là nước xuất khẩu dầu thô nhưng cũng phải nhập khẩu xăng dầu để phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước. Vì vậy, dù nguồn sản xuất trong nước có thể đảm bảo khoảng 70-75% nhu cầu tiêu dùng, song giá trong nước và thế giới như chiếc bình thông nhau, khi thế giới lên thì trong nước cũng phải tăng theo.
Nói về tác động của mặt hàng này, chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho biết việc tăng giá nguyên nhiên liệu sẽ tác động không nhỏ tới chi phí sản xuất của các doanh nghiệp, chưa kể những bất ổn về chính trị và xu hướng bảo hộ thương mại tại một số khu vực sẽ khiến chi phí logistics bị đẩy lên, giao nhận hàng hóa vì thế càng khó khăn hơn…
Còn theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế là 37%.Vì thế, khi giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước.
Ước tính, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Điều này cho thấy xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất.
Đặc biệt, giá xăng dầu tăng có tác động rất mạnh tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như đánh bắt thủy sản, vận tải hàng hoá và hành khách đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không. Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát…
“Dự báo giá xăng dầu còn có thể biến động, do vậy Bộ Công Thương cùng Bộ Tài chính và doanh nghiệp cần bám sát diễn biến thị trường xăng dầu, tình hình chính trị thế giới ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu để có giải pháp ứng phó linh hoạt với giá dầu tăng cao nhằm giảm thiểu tác động xấu đến tăng trưởng và lạm phát trong năm 2022,” chuyên gia Lâm nói.
Nâng ý thức tiêu dùng bền vững
Nhấn mạnh việc sử dụng linh hoạt các công cụ như thuế, phí, quỹ bình ổn… nhằm hạn chế những cú tăng sốc, theo các chuyên gia, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng là một giải pháp căn cơ và mang tính bền vững.
Trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết nhằm giảm sức ép tăng giá xăng dầu thời gian qua,liên bộ Công Thương-Tài Chính đã liên tục chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu (từ 100-1.500 đồng/lít tùy loại) đồng thời điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.
“Việc điều hành giá xăng dầu thông qua sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường ngay từ đầu năm 2022, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh,” ông Diên nói.
Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Thành Phát (chủ nhà xe Sao Việt) cho rằng với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường, trong đó giảm 2.000 đồng/lít xăng, 1.000 đồng/lít dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn từ ngày1/4 cũng đã giảm bớt phần nào “gánh nặng” về chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.
“Ngoài việc cắt giảm chuyến, tuyến, doanh nghiệp vận tải cũng khuyến cáo tài xế cách thức vận hành xe trên đường như tránh tăng tốc đột ngột hoặc lái xe ở tốc độ quá cao và phanh gấp… sẽ giúp tiết giảm, hiệu quả sử dụng nhiên liệu,” ông Bằng nói.
Song song với các giải pháp trên, Bộ Công Thương cũng khuyến nghị các đơn vị, người dân và doanh nghiệp nâng cao hơn nữa việc sử dụng tiết kiệm, chống lãng phí xăng, dầu.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay nhu cầu đi lại phục hồi kinh tế đang ở mức cao, việc quản lý nguồn cung xăng dầu gắn với tuyên truyền khuyến khích tiêu dùng nhiên liệu và hiệu quả là giải pháp được Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm trong thời gian qua.
Theo ông, trong bối cảnh giá xăng dầu vẫn còn biến động, Bộ Công Thương đã và đang liên tục khuyến cáo người dân, doanh nghiệp hướng tới mục tiêu sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tránh tính trạng đầu cơ, tích trữ xăng dầu.
Thời gian qua, Bộ Công Thương và Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai Chương trình dán nhãn năng lượng cho các phương tiện giao thông như xe ôtô con và xe máy. Theo đó, các cơ sở sản xuất, nhập khẩu xe ôtô con, xe máy sẽ in nhãn năng lượng theo mẫu quy định của Bộ Công Thương và dán nhãn năng lượng trên từng xe tại vị trí dễ quan sát trước khi đưa ra thị trường.
Việc dán nhãn năng lượng giúp công khai, minh bạch mức tiêu thụ nhiên liệu của từng loại phương tiện, qua đó đã thúc đẩy các nhà sản xuất tiến hành nâng cấp công nghệ động cơ để giúp xe có mức tiêu hao nhiên liệu thấp nhất và thay đổi nhận thức của người tiêu dùng trong việc lựa chọn các sản phẩm có mức sử dụng xăng dầu hiệu quả nhất, góp phần vào việc chuyển đổi thị trường, giảm và sử dụng hiệu quả mặt hàng xăng dầu.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên tại các đơn vị sử dụng năng lượng nói chung và xăng dầu nói riêng để đảm bảo việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm, tránh lãng phí.
Dù vậy, để tiếp tục nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng mặt hàng này, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cần quan tâm chỉ tiêu tiêu hao xăng, dầu trong quá trình sản xuất, lưu thông vật tư, nguyên liệu và sản phẩm. Ðây cần được coi là một nội dung của việc tổ chức, sắp xếp lại sản xuất.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chú trọng từng sản phẩm cần được xây dựng lại định mức kinh tế-kỹ thuật về chỉ tiêu sử dụng xăng, dầu; tổ chức kiểm tra việc thực hiện giữa các dây chuyền sản xuất, từ đó có biện pháp khắc phục tình trạng sử dụng lãng phí xăng, dầu./.
Theo Vietnam+