Chủ Nhật, 8/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 18/3/2022 21:40'(GMT+7)

Kinh nghiệm Quốc tế về phát triển Hợp tác xã và Luật Hợp tác xã của một số quốc gia trên thế giới

Quang cảnh Hội thảo (ảnh DP)

Quang cảnh Hội thảo (ảnh DP)

Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, có sự tham dự của ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam; ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng các tổ chức quốc tế UNDP, ILO, Liên đoàn quốc gia HTX các nước Đức, Nhật Bản, Trung Quốc… và một số đại sứ quán tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết: Sau 10 năm thi hành Luật HTX, khu vực kinh tế tập thể, HTX có chuyển biến tích cực về chất và lượng; cơ bản khắc phục tình trạng yếu kém, tận dụng và khai thác được dư địa, tiềm năng, không gian phát triển, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của một trong những thành phần kinh tế nền tảng trong nền kinh tế quốc dân.


Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tập thể còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu. Phần lớn tổ chức kinh tế tập thể, HTX có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.  Thêm vào đó, trong thời gian thực hiện Luật HTX năm 2012 đã có một số vấn đề nảy sinh cần phải được nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình phát triển của HTX trong bối cảnh mới.

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định sự ra đời của Luật HTX năm 2012 chính là cơ sở pháp lý, nền tảng để khu vực kinh tế tập thể phát triển, trong đó nòng cốt là các hợp tác xã. Một trong các quan điểm lớn của sửa đổi Luật HTX lần này là phải giữ vững các nguyên tắc cơ bản của HTX do Liên minh HTX quốc tế đưa ra trong thế kỷ 21 và tiếp thu có chọn lọc các kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam, phù hợp với bối cảnh mới của khu vực và trên thế giới.

Chính vì vậy, những kinh nghiệm quý từ quá trình hoàn thiện khung pháp lý cũng như thực tiễn phát triển khu vực HTX của các nước, các tổ chức quốc tế sẽ giúp ích cho quá trình xây dựng Luật HTX (sửa đổi) của Việt Nam với mục tiêu thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, HTX ở Việt Nam hoạt động hiệu quả và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội nhưng cũng có không ít thách thức. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế theo các hiệp định tự do thế hệ mới song phương và đa phương mở ra cơ hội hợp tác đầu tư, kinh tế, thương mại với các thị trường rộng lớn; song yêu cầu về mẫu mã, chất lượng, tiêu chuẩn tham gia các thị trường này và của thế giới nói chung ngày càng khắt khe nên việc duy trì sản xuất theo mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, hàng hóa phi tiêu chuẩn không thể cạnh tranh và tồn tại được. Vì vậy, hợp tác để cùng chia sẻ kinh nghiệm tham gia thị trường, công nghệ, kỹ năng quản lý và nguồn lực là con đường tất yếu để cùng phát triển.


Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại hội thảo.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, để tiếp tục cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hiện nay Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện khung pháp lý cho khu vực kinh tế tập thể, trong đó trọng tâm là sửa đổi Luật HTX năm 2012. Một trong các quan điểm lớn của sửa đổi Luật HTX lần này là phải giữ vững các nguyên tắc cơ bản của HTX do Liên minh HTX quốc tế đưa ra trong thế kỷ 21 và tiếp thu có chọn lọc các kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam, phù hợp với bối cảnh mới của khu vực và trên thế giới.

Thống kê cho thấy sau 10 năm thực hiện Luật HTX năm 2012, khu vực kinh tế tập thể, HTX đã có chuyển biến tích cực. Cụ thể, tính đến năm 2021, cả nước có 27.445 HTX, tăng khoảng 41% so với năm 2013; số lao động thường xuyên duy trì từ 1,1-1,2 triệu lao động/năm.

Cùng với đó, doanh thu, lợi nhuận của các HTX cũng tăng dần qua các năm. Đơn cử như năm 2020, doanh thu bình quân đạt 4,3 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân đạt 314 triệu đồng/HTX, tương ứng tăng 61% và 88% so với năm 2013.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Luật HTX năm 2012 trong 10 năm qua đã cho thấy không ít các hạn chế, bất cập đến từ các quy định của các văn bản pháp luật và quá trình tổ chức triển khai thi hành. Điều này thể hiện khá rõ qua việc đóng góp vào tổng sản phẩm nội địa (GDP) của khu vực này giảm dần qua các năm.

Nếu như năm 2013, khu vực này đóng góp vào GDP 4,03% thì đến năm 2021, con số này giảm xuống còn 3,62%. Số lượng thành viên cũng giảm tương ứng từ 8 triệu thành viên xuống còn 5 triệu thành viên. Thu nhập của người lao động trong TX tuy đã tăng nhưng chỉ bằng 50% so với doanh nghiệp.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng tất cả những điều này xuất phát từ chính sách quản lý kinh tế tập thể, HTX còn dàn trải, cồng kềnh. Sau khi Luật HTX năm 2012 ban hành, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng được sửa đổi, bổ sung như Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Đất đai năm 2013, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa... tạo áp lực không nhỏ cho các hợp tác xã khi áp dụng vào thực tiễn.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng chỉ rõ, trên thế giới, quy định về kiểm toán HTX đã có từ lâu đời, thậm chí xuất hiện trước cả kiểm toán doanh nghiệp, phổ biến trong luật ở các nước. Đây là công cụ rất quan trọng để bảo đảm tính minh bạch, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, tăng cường khả năng huy động vốn cho các HTX, giúp cho việc hỗ trợ và quản lý của Nhà nước hiệu quả. Dù vậy, Luật HTX năm, 2012 lại chưa có quy định về kiểm toán, chưa tạo sự minh bạch trong phát triển HTX.

Cùng với đó, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho khu vực kinh tế tập thể chưa hiệu quả do thực hiện phân tán, thiếu nguồn lực cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu của HTX. Do đó, chính sách hỗ trợ chưa tập trung nâng cao những nội dung thuộc về bản chất HTX như phát triển thành viên, tài sản không chia, dịch vụ nội bộ cho thành viên.


Sản xuất bánh đa nem tại HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp và cơ khí Xuân Tiến (Nam Định).

Đáng chú ý, các đại biểu đến từ các tổ chức, Liên đoàn HTX quốc tế cũng đã thẳng thắn chia sẻ các quan điểm và khuyến nghị hoàn thiện Luật HTX; các tác động trong sửa đổi luật HTX. Chia sẻ thành công trong phát triển HTX, ông Weenrt Boerner, Phó Đại sứ Công hòa Liên bang Đức tại Việt Nam, nhấn mạnh việc thúc đẩy HTX phát triển là yếu tố then chốt giúp người dân và thành viên tiếp cận sản phẩm an toàn, dịch vụ hiệu quả, công nghệ thông tin và chính sách pháp luật. Thế nhưng để cải thiện hiệu quả sản xuất của HTX, cần giảm tác động đến môi trường nhằm hướng đến mục tiêu bền vững. Đây cũng là yêu cầu đặt ra của tất cả các nước trên thế giới.

Theo ông Weenrt Boerner, mặc dù các HTX tại Việt Nam góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế nhưng có tới 60% hợp tác xã ở quy mô vừa, nhỏ kèm theo điều kiện tiếp cận các nguồn lực còn khó khăn. Do đó, thời gian tới, cần tạo nền tảng, nâng cao khả năng, trách nhiệm của hợp tác xã trên nền tảng chính sách pháp luật hoàn chỉnh.

Hơn nữa, cần tái cơ cấu lại HTX để có thể tiếp cận công nghệ chế biến, nâng cao năng lực sản xuất để thích ứng thị trường. Đặc biệt, các hợp tác xã cần được hỗ trợ ngay từ cơ sở để ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành nòng cốt xây dựng kinh tế tập thể phát triển toàn diện.

Qua hội thảo ngày hôm nay, sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý từ quá trình hoàn thiện khung pháp lý cũng như thực tiễn phát triển khu vực HTX của các nước, các tổ chức quốc tế để tham khảo cho quá trình xây dựng Luật HTX (sửa đổi) của Việt Nam; với mục tiêu thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, HTX ở Việt Nam hoạt động hiệu quả và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới./.

Thanh Xuân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất