Tổng kết lý luận phát triển kinh tế nói chung, phát triển kinh tế tư
nhân nói riêng thời kỳ trước đổi mới, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, từ
Đại hội VI, Đảng ta đã có những bước phát triển lý luận đúng đắn về phát
triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Đây là một trong những đóng góp lý
luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở những nước có điều kiện kinh tế, văn
hóa, xã hội như Việt Nam.
Xuất phát từ thực tiễn Việt Nam “không thể đưa tất cả những người làm
ăn cá thể vào các tổ chức kinh tế tập thể trong một thời gian ngắn. Có
những ngành, nghề đưa vào làm ăn tập thể chưa bảo đảm hiệu quả. Trong
khi nguồn vốn của Nhà nước và tập thể còn eo hẹp thì nguồn vốn còn dư
trong nhân dân hầu như chỉ đưa vào tiêu dùng hoặc cất trữ và mua hàng
tích trữ”(1). Đồng thời, vận dụng quan điểm của V.I.Lênin “coi nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ”(2),
Đại hội VI của Đảng đã có chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn
Việt Nam, đó là “Phải có chính sách mở đường cho người lao động tự tạo
ra việc làm, kích thích mọi người đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh, tiết
kiệm tiêu dùng để tích lũy tái sản xuất trên quy mô toàn xã hội”(3), “cần có chính sách sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế khác”(4).
Trên tinh thần đó, Đại hội VI chỉ rõ: “Không nên có thành kiến, phân
biệt đối xử, gây khó khăn cho những người lao động cá thể chưa muốn tham
gia các tổ chức kinh tế tập thể hoặc xin rút ra khỏi các tổ chức đó”(5).
Đại hội VI khẳng định: “Nhưng không thể xóa bỏ thương nghiệp nhỏ tự do
theo ý muốn chủ quan bằng mệnh lệnh hành chính, mà chỉ có thể thu hẹp nó
bằng sự thay thế tốt hơn của thương nghiệp xã hội chủ nghĩa và biết sử
dụng nó trong những lĩnh vực mà thương nghiệp xã hội chủ nghĩa chưa thể
kinh doanh tốt hoặc chưa cần kinh doanh”(6). Đây là những quan điểm đúng đắn về phát triển kinh tế nói chung, phát triển kinh tế tư nhân nói riêng.
Tổng kết việc thực hiện nghị quyết Đại hội VI và nhằm thực hiện mục
tiêu ổn định và phát triển kinh tế, bước đầu có tích lũy từ nội bộ nền
kinh tế, Đại hội VII tiếp tục khẳng định phải “Phát huy thế mạnh của các
thành phần kinh tế, vừa cạnh tranh, vừa hợp tác, bổ sung cho nhau trong
nền kinh tế quốc dân thống nhất”(7). Trên cơ sở đó, Đại hội VII “khuyến khích mọi người tăng thu nhập và làm giàu dựa vào kết quả lao động và hiệu quả kinh tế”(8), “Mọi người được tự do kinh doanh theo pháp luật, được bảo vệ quyền sở hữu và thu nhập hợp pháp”(9). Kinh tế cá thể “được phát triển trong các ngành nghề ở cả thành thị và nông thôn, không hạn chế việc mở rộng kinh doanh,..”(10). Như vậy, quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân được tiếp tục củng cố ở Đại hội VII.
Đại hội VIII tổng kết 10 năm đổi mới và tổng kết việc thực hiện chính
sách phát triển kinh tế tư nhân đã thẳng thắn nhận thấy còn hạn chế, đó
là “Chưa giải quyết tốt một số chính sách để khuyến khích kinh tế tư
nhân phát huy tiềm năng, đồng thời chưa quản lý tốt thành phần kinh tế
này”(11), mặc dù kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng đáng kể trong
nền kinh tế. Tiếp tục tinh thần đổi mới, Đại hội VIII khẳng định
“khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế và hình thức tổ chức
kinh doanh”(12). Đại hội VIII cũng khẳng định, kinh tế cá
thể, tiểu chủ có vị trí quan trọng lâu dài, do vậy Nhà nước phải giúp đỡ
kinh tế cá thể, tiểu chủ giải quyết các khó khăn về vốn, về khoa học,
công nghệ, về thị trường tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích tư bản tư nhân
đầu tư vào sản xuất, yên tâm làm ăn lâu dài; bảo hộ quyền sở hữu và lợi
ích hợp pháp của kinh tế tư bản tư nhân(13),v.v.. Trên cơ sở
đó, Đại hội VIII đề ra nhiệm vụ nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý kinh
tế của Nhà nước. Đối với kinh tế tư nhân, Nhà nước cần “thiết lập khuôn
khổ luật pháp, có hệ thống chính sách nhất quán để tạo môi trường ổn
định và thuận lợi cho giới kinh doanh làm ăn phát đạt”(14).
Để thực hiện mục tiêu này, quan điểm của Đảng tại Đại hội VIII là khuyến
khích mọi thành phần kinh tế, mọi công dân, mọi nhà đầu tư mở mang
ngành nghề, tạo nhiều việc làm, mọi công dân tự do hành nghề, thuê mướn
nhân công theo pháp luật(15),v.v.. Nhờ những tư tưởng quan
trọng này mà kinh tế cá thể, tiểu chủ đã phát triển nhanh trong lĩnh vực
nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ, góp
phần quan trọng vào các thành tựu kinh tế - xã hội của đất nước. Kinh
tế tư bản tư nhân bước đầu được phát triển, mặc dù mới tập trung nhiều ở
lĩnh vực thương mại, dịch vụ và kinh doanh bất động sản với quy mô vừa
và nhỏ là chủ yếu(16). Đại hội VIII cũng chỉ rõ, các thành phần kinh tế
ngoài nhà nước vừa chưa được phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, vừa chưa
bảo đảm hoạt động có trật tự, kỷ cương theo pháp luật. Mặc dù vậy cần mở
rộng các hình thức liên doanh, liên kết giữa kinh tế nhà nước với kinh
tế tư nhân trong và ngoài nước(17).
Đại hội IX của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí quan trọng lâu
dài của kinh tế cá thể, tiểu chủ ở thành thị và nông thôn. Do vậy, Nhà
nước tạo điều kiện và giúp đỡ để phát triển. Đảng, Nhà nước cũng khuyến
khích phát triển kinh tế tư bản tư nhân phát triển rộng rãi trong những
ngành nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm. Tạo môi trường
kinh doanh thuận lợi về chính sách, pháp lý để kinh tế tư bản tư nhân
phát triển trên những hướng ưu tiên của Nhà nước, kể cả đầu tư ra nước
ngoài(18). Đại hội IX tiếp tục khẳng định: “Thực hiện nhất
quán chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Các thành phần
kinh tế kinh doanh theo pháp luật đều là bộ phận cấu thành quan trọng
của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng phát triển
lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh; trong đó kinh tế nhà nước giữ
vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở
thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”(19).
Đại hội IX có bước tiến lớn về nhận thức khi đề ra nhiệm vụ “Sửa đổi,
bổ sung hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội cho mọi
tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế. Xóa bỏ mọi hình thức phân
biệt đối xử, bảo đảm cơ hội và khả năng lựa chọn bình đẳng của các
thành phần kinh tế trong tiếp cận về vốn, đất đai, lao động, công nghệ
trong sản xuất, kinh doanh và xuất, nhập khẩu... tiến tới xây dựng một
luật áp dụng thống nhất cho các loại hình doanh nghiệp khác nhau thuộc
các thành phần kinh tế”(20). Đây là bước phát triển về lý
luận của Đảng ta đối với kinh tế tư nhân. Bởi lẽ, chủ trương phát triển
kinh tế tư nhân, chủ trương bình đẳng giữa các thành phần kinh tế được
Đảng đề ra từ khi bắt đầu đổi mới (1986), tuy nhiên đây là lần đầu tiên
Đảng ta yêu cầu hiện thực hóa chủ trương bình đẳng về cơ hội trong tiếp
cận về vốn, đất đai, lao động, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và
xuất, nhập khẩu. Bởi lẽ, bình đẳng về cơ hội tiếp cận các nguồn vốn đầu
tư là một trong những bất cập mà các thành phần kinh tế ngoài kinh tế
nhà nước ở nước ta chưa được thụ hưởng. Trên tinh thần ấy, nghị quyết
Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến
khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân (ngày 18-3-2002) ra
đời. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) đã đánh giá cao vai trò của kinh
tế tư nhân gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân ở nước
ta. Nghị quyết cũng thẳng thắn thừa nhận quan điểm của Đảng trên một số
vấn đề cụ thể về phát triển kinh tế tư nhân chưa được làm rõ để tạo sự
thống nhất cao. Trên tinh thần đó, Nghị quyết thống nhất các quan điểm
chỉ đạo phát triển kinh tế tư nhân: Một là, kinh tế tư nhân là bộ phận
cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tư
nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển nền kinh tế nhiều
thành phần định hướng XHCN. Hai là, Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền
tự do kinh doanh theo pháp luật, bảo hộ quyền sở hữu tài sản hợp pháp
của công dân; khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và định
hướng, quản lý sự phát triển của kinh tế tư nhân theo pháp luật, bình
đẳng giữa các thành phần kinh tế. Ba là, Nhà nước bảo vệ lợi ích hợp
pháp, chính đáng của cả người lao động và người sử dụng lao động. Chăm
lo bồi dưỡng, giáo dục các chủ doanh nghiệp nâng cao lòng yêu nước, tự
hào dân tộc, gắn bó với lợi ích của đất nước và sự nghiệp xây dựng CNXH.
Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của các tổ
chức chính trị - xã hội và các hiệp hội doanh nghiệp đối với kinh tế tư
nhân. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) cũng khẳng định, Đảng, Nhà nước
tạo môi trường thuận lợi về thể chế và tâm lý xã hội cho sự phát triển
của kinh tế tư nhân; sửa đổi, bổ sung một số chính sách về đất đai, tài
chính, tín dụng, lao động - tiền lương; khoa học và công nghệ để thúc
đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện Nghị
quyết này trên thực tế còn chậm và chưa hiệu quả.
Đại hội X tổng kết việc thực hiện nghị quyết Đại hội IX về kinh tế tư
nhân, xác định: “Kinh tế tư nhân chưa được tạo đủ điều kiện thuận lợi để
phát triển, quy mô còn nhỏ, sức cạnh tranh còn yếu và chưa được quản lý
tốt”(21). Trên cơ sở rút kinh nghiệm việc thực hiện nghị
quyết Đại hội IX, nhất là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX), Đại hội X
tiếp tục coi kinh tế tư nhân bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bản tư
nhân và tiếp tục tinh thần bình đẳng cùng các thành phần kinh tế khác
trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành
mạnh. Đặc biệt, từ tổng kết thực tiễn, lần đầu tiên tại Đại hội X, Đảng
ta đánh giá: “Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những
động lực của nền kinh tế”(22). Đây là bước đột phá trong nhận
thức lý luận của Đảng ta về vai trò kinh tế tư nhân trong nền kinh tế
nhiều thành phần ở nước ta. Đại hội X tiếp tục khẳng định: “Xóa bỏ mọi
sự phân biệt đối xử theo hình thức sở hữu”(23). Cũng tại Đại
hội X, Đảng ta đã đề ra một kế hoạch phát triển các loại hình doanh
nghiệp tư nhân: “Mọi công dân có quyền tham gia các hoạt động đầu tư,
kinh doanh với quyền sở hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh được pháp
luật bảo hộ; có quyền bình đẳng trong đầu tư, kinh doanh, tiếp cận các
cơ hội, nguồn lực kinh doanh, thông tin và nhận thông tin.
Xóa bỏ mọi rào cản, tạo tâm lý xã hội và môi trường kinh doanh thuận
lợi cho các loại hình doanh nghiệp của tư nhân phát triển không hạn chế
quy mô trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, kể cả các lĩnh vực sản xuất kinh
doanh quan trọng của nền kinh tế mà pháp luật không cấm”(24).
Như vậy, có thể nói tại Đại hội X, Đảng ta đã có bước phát triển vượt
bậc lý luận về kinh tế tư nhân. Điều này thể hiện ở chỗ: Một là, khẳng
định vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân với tư cách là một trong
những động lực của nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta. Hai là, tiếp
tục khẳng định quyền bình đẳng của kinh tế tư nhân trong đầu tư, kinh
doanh, tiếp cận cơ hội, nguồn lực kinh doanh. Ba là, cho phép kinh tế tư
nhân phát triển không hạn chế quy mô trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, kể
cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh quan trọng của nền kinh tế mà pháp
luật không cấm. Chính những quan điểm lý luận này đã thúc đẩy, tạo cơ
hội cho kinh tế tư nhân phát huy sức mạnh nội tại và có cơ hội phát
triển ở nước ta. Bởi vậy, một trong năm bài học kinh nghiệm mà Đại hội X
rút ra từ việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội mà Đại
hội IX đề ra là “Bài học về huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn
lực, nhất là nội lực”(25). Trong bài học kinh nghiệm này,
Đảng ta chỉ rõ “Điều có ý nghĩa quyết định là phải có chính sách phù hợp
để phát huy tối đa khả năng về vật chất, trí tuệ và tinh thần của mọi
người dân, của các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân - một
nguồn lực giàu tiềm năng của dân tộc ta - để góp phần quan trọng giải
quyết việc làm, đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã
hội”(26). Trên cơ sở này, Đại hội X đề ra các chính sách và giải pháp:
Một là, tiếp tục phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp tư nhân, không hạn chế quy mô, ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn.
Hai là, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử, bảo đảm thực sự
bình đẳng, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh
nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận các nguồn vốn tại các tổ chức tín dụng
của Nhà nước, kể cả quỹ hỗ trợ phát triển; được đáp ứng thuận lợi nhu
cầu sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất, kinh doanh.
Ba là, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp lớn của tư
nhân, các tập đoàn kinh tế tư nhân có nhiều chủ sở hữu với hình thức
công ty cổ phần.
Bốn là, khuyến khích tư nhân mua cổ phần của các doanh nghiệp
nhà nước, tham gia đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh quan
trọng của nền kinh tế. Khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân lớn bán cổ
phần cho người lao động.
Năm là, bảo vệ tài sản hợp pháp của công dân và doanh nghiệp.
Loại bỏ các quy định pháp luật không phù hợp về việc khám xét nơi ở và
làm việc, tịch thu hoặc tạm giữ tài sản của công dân và doanh nghiệp(27).
Như vậy, có thể nói đến Đại hội X, lý luận về phát triển kinh tế tư
nhân của Đảng ta đã được hoàn thiện, bổ sung khá đầy đủ, toàn diện về cơ
sở lý luận, thực tiễn, cơ sở pháp lý cho kinh tế tư nhân ở nước ta hình
thành và phát triển. Đây là bước phát triển vượt bậc lý luận về kinh tế
tư nhân của Đảng ta.
Đại hội XI của Đảng tiếp tục tinh thần của các Đại hội trước, khẳng
định các thành phần kinh tế ở nước ta đều bình đẳng trước pháp luật, đều
là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, tồn tại lâu dài, hợp tác và cạnh
tranh lành mạnh, kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền
kinh tế, “Khuyến khích phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân”(28).
Đại hội XI cũng đề ra nhiệm vụ “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát
triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền
kinh tế”(29); “thúc đẩy hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân, khuyến khích tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước”(30);
“Phát triển mạnh các loại hình kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành, các
lĩnh vực kinh tế theo quy hoạch và quy định của pháp luật”(31). Có thể nói, Đại hội XI đã tiếp tục thực hiện và hiện thực hóa các luận điểm về kinh tế tư nhân mà Đại hội X đã đề ra.
Đại hội XII tổng kết việc phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần
nghị quyết Đại hội XI, đã chỉ rõ hạn chế: “Hầu hết doanh nghiệp tư nhân
quy mô còn nhỏ, thiếu liên kết, khả năng ứng phó với các rủi ro yếu,
nhiều doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngừng hoạt động”(32).
Một trong những nguyên nhân của hạn chế này theo Đại hội XII của Đảng là
do “Chưa thật sự phát huy đầy đủ quyền tự do kinh doanh của người dân
theo quy định của Hiến pháp, pháp luật”(33).
Đại hội XII của Đảng có một bước tiến mới trong đánh giá vai trò của
kinh tế tư nhân ở nước ta: “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng
của nền kinh tế”(34). So với Đại hội X, XI, Đại hội XII đã bổ
sung thêm tính từ “quan trọng” vào vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân.
Mặc dù, chỉ là câu, chữ nhưng rõ ràng xuất phát từ thực tiễn phát triển
kinh tế tư nhân mà Đảng ta đã đánh giá như vậy. Điều quan trọng nữa là,
để bảo đảm bình đẳng giữa các doanh nghiệp trên thực tế, Đại hội XII
đòi hỏi “Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều phải hoạt
động theo cơ chế thị trường, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”(35);
“Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển
mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành
một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ
doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Khuyến khích hình
thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các
tập đoàn kinh tế nhà nước”(36).
Để hiện thực hóa chủ trương Đại hội XII về phát triển kinh tế tư nhân,
Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) đã ra nghị quyết số 10 về phát triển
kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết Trung ương 5 đã chỉ rõ,
kinh tế tư nhân ở nước ta kể từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 5
(khóa IX) về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích tạo điều
kiện phát triển kinh tế tư nhân, liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng
khá, chiếm tỷ trọng 39-40% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động
của nền kinh tế, tuy nhiên phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta còn
nhiều hạn chế. Từ tổng kết thực tiễn, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII)
khẳng định: Một là, phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế
thị trường là một yêu cầu khách quan; là một biện pháp để giải phóng sức
sản xuất, huy động, phân bổ nguồn lực phát triển. Hai là, kinh tế tư
nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Ba là, phải xóa
bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư
nhân phát triển lành mạnh, đúng định hướng. Bốn là, kinh tế tư nhân được
phát triển ở tất cả các ngành, các lĩnh vực mà luật pháp không cấm. Năm
là, khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia góp vốn, mua cổ phần doanh
nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa hoặc Nhà nước thoái vốn. Sáu là, chăm lo
giáo dục, bồi dưỡng phát triển, phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam
trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh(37).
Như vậy, có ba bước đột phá trong phát triển lý luận của Đảng về phát
triển kinh tế tư nhân: 1) Đại hội VI với những nhận thức mới về vai trò,
vị trí lâu dài của kinh tế tư nhân; 2) Đại hội X với những nhận thức
mới về kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế với
những quan điểm cụ thể hơn về phát triển kinh tế tư nhân bao gồm kinh tế
cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân; 3) Đại hội XII với quan
điểm kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế với các
quan điểm cụ thể được triển khai ở Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển
kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là kết quả tổng kết thực tiễn,
nghiên cứu lý luận, học hỏi kinh nghiệm quốc tế của Đảng ta về phát
triển kinh tế tư nhân.
(1), (2), (3), (4), (5), (6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ VI, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1986, tr.55, 56, 56, 55- 56, 56, 60,
69.
(7), (8), (9), (10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1991, tr.66, 73, 116, 117.
(11), (12) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.65-66, 92.
(14) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.103-104.
(13), (15), (16), (17) Xem ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.96, 114, 158,
164- 169.
(18) Xem ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.31.
(19), (20) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.95-96, 320- 321.
(21), (22), (23), (24), (25), (26) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.165, 83,
84, 86, 179, 179 -180.
(27) Xem ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.236-237.
(28), (29), (30), (31) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.36, 101, 110 -111, 209.
(32), (33), (34), (35), (36) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.99, 101, 25 và
103, 105, 108.
(37) Xem ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương
khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2017, tr.94-97.
GS, TS Trần Văn Phòng
Viện Triết học,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị