Thứ Bảy, 30/11/2024
Thể thao
Thứ Bảy, 5/5/2012 21:56'(GMT+7)

Sự tẩy chay lạ kỳ

Cảnh sát U-crai-na tăng cường an ninh trước thềm Euro 2012. (Ảnh: AFP)

Cảnh sát U-crai-na tăng cường an ninh trước thềm Euro 2012. (Ảnh: AFP)

Danh sách các nước châu Âu tuyên bố tẩy chay Euro 2012 đang dài ra, cùng với đó là lời khẳng định sẽ không tới U-crai-na chứng kiến sự kiện này của nhiều lãnh đạo cấp cao Liên minh châu Âu (EU). Đây là phản ứng của EU nhằm phản đối chính quyền U-crai-na khi gần đây có các thông tin nữ Cựu thủ tướng nước này Ti-mô-sen-cô bị "đánh đập trong tù và bị từ chối mời bác sĩ chuyên môn tới khám bệnh". Chủ tịch Ủy ban châu Âu Hô-xê Ma-nu-en Ba-rô-xô (Jose Manuel Barroso) và người đứng đầu Ủy ban tư pháp EU Vi-vi-an Rét-đinh (Viviane Reding) trước đó đã thông báo họ sẽ không tham dự giải đấu. Tất cả các cao ủy của EU cũng tuyên bố sẽ tẩy chay Euro 2012. Thủ tướng Đức An-giê-la Méc-ken cũng kêu gọi tẩy chay sự kiện thể thao này và trì hoãn một thỏa thuận thương mại quan trọng với U-crai-na. Lãnh đạo các nước châu Âu khác như Áo, Hà Lan, Bỉ cũng nằm trong danh sách các nước tẩy chay giải bóng đá hấp dẫn hàng đầu thế giới- Euro 2012.

Phản ứng của châu Âu ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích của một số nước, bao gồm Nga, vì đã “chính trị hóa thể thao”. Thủ tướng đồng thời là Tổng thống đắc cử Nga, ông Pu-tin tuyên bố không nên gắn tình hình xung quanh Cựu thủ tướng Ti-mô-sen-cô với việc tiến hành các trận đấu thuộc vòng chung kết Euro 2012. Ông cho rằng, hoàn toàn không nên gắn chính trị với thể thao, mà phải ủng hộ và tuân thủ nguyên tắc do Ủy ban Ô-lim-pích quốc tế đề ra và thực thi, là “Thể thao ngoài chính trị”. Thủ tướng Pu-tin nhấn mạnh, Nga sẵn sàng đón bà Ti-mô-sen-cô đến điều trị tại mọi bệnh viện tốt nhất của Nga vào mọi thời điểm nếu như chính quyền U-crai-na cho phép. Trong khi đó, Tổng thống Ba Lan, nước đồng chủ nhà đăng cai Euro 2012 Brô-ni-xláp Cô-mô-rốp-xki (Bronislaw Komorowski) chỉ trích rằng, giải vô địch bóng đá châu Âu “không phải là tài sản của các chính trị gia”.

U-crai-na cũng kịch liệt phản đối hành động của EU và coi đây là âm mưu phá hoại nhằm chính trị hóa các sự kiện thể thao, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường sự hiểu biết, đoàn kết và hòa hợp giữa các nước từ xưa tới nay. Nước này khẳng định, một mùa giải thành công sẽ không chỉ là chiến thắng cho các chính trị gia, các đảng phái, các hệ tư tưởng mà là dành cho tất cả những người U-crai-na và Ba Lan. Nếu mùa giải thất bại thì đó sẽ là tổn thất cho hàng triệu người.

Tuy nhiên, vụ việc này được cho chỉ là “giọt nước làm tràn ly” những mâu thuẫn gay gắt giữa EU và chính quyền của Tổng thống U-crai-na Y-a-nu-cô-vích (Yanukovych) bấy lâu nay liên quan tới “nữ hoàng cam” Ti-mô-sen-cô. Bà này năm ngoái đã bị kết án 7 năm tù về tội lạm dụng quyền lực trong thời kỳ làm thủ tướng. Trước đây, EU từng gây sức ép với U-crai-na khi gắn triển vọng gia nhập EU của nước này với vụ án hình sự xét xử bà Ti-mô-sen-cô. Năm ngoái, EU đã ra tối hậu thư cho Ki-ép, yêu cầu phải trả tự do cho bà Ti-mô-sen-cô, nếu không EU sẽ ngừng quá trình đàm phán về việc U-crai-na gia nhập EU. Khi xảy ra sự việc này, Nga đã có phản ứng coi việc kết án tù bà Ti-mô-sen-cô là vấn đề nội bộ cần được tôn trọng của U-crai-na.

Không chỉ vậy, U-crai-na còn đối mặt với những thách thức an ninh ngay trước thềm giải đấu. Hôm 27-4 vừa qua, tại thành phố Dnipropetrovsk - quê hương của bà Ti-mô-sen-cô ở miền Đông U-crai-na đã xảy ra hàng loạt vụ nổ được cho là âm mưu khủng bố khiến ít nhất 27 người bị thương. Trước những diễn biến chính trị và an ninh bất ổn này, liệu U-crai-na có bị tước quyền đăng cai Euro 2012? Thực tế, yêu cầu của EU đề nghị chuyển các trận đấu dự kiến diễn ra ở U-crai-na trong khuôn khổ Euro 2012 sang các nước khác đã không được Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) chấp thuận. Phó thủ tướng U-crai-na cho biết, Euro 2012 vẫn đang được tiến hành bình thường và UEFA đã không phàn nàn gì./.

(Theo: Mai Nguyên/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất