Thông
tin từ Đài châu Á tự do (RFA) cho rằng, đây là “một công trình nghiên
cứu của ông John Coughlan” (nhân viên, đặc trách nghiên cứu về Việt Nam)
được thực hiện bằng "phỏng vấn qua điện thoại, email". Trong
báo cáo này ông John Coughlan viết: Các “tù nhân lương tâm” tại Việt
Nam luôn “bị tra tấn và ngược đãi” với những chứng cứ như: “Bị cách ly”
khi giam giữ hoặc bị “cưỡng bức mất tích”. “Quyền về sức khỏe” của họ
luôn bị “từ chối”, một số trường hợp các “tù nhân lương tâm chỉ nhận
được thuốc kém phẩm chất”...
Phần cuối bản báo
cáo, ông John Coughlan (được AXQT đồng ý) “kiến nghị”: “Chấm dứt việc
bắt bớ và lập tức trả tự do cho các tù nhân lương tâm”; “Chấm dứt việc
tra tấn và đối xử tàn bạo tại các đồn công an, trại giam”; “Sửa đổi các
bộ luật hình sự, luật tố tụng hình sự và luật về thi hành tạm giữ và tạm
giam”...
Trước hết, như mọi
người đều biết, quyền tự quyết của các dân tộc đã được ghi trong Hiến
chương Liên hợp quốc, 1945 và Tuyên ngôn thế giới về quyền con người,
1948. Quyền này bao gồm quyền lựa chọn chế độ chính trị, thiết lập thể
chế quốc gia, trong đó bao hàm pháp luật nhằm bảo vệ quyền công dân,
quyền con người. Đây là quyền của mọi quốc gia, dân tộc mà không có ai
có quyền can thiệp, kể cả Liên hợp quốc. Hiến pháp và pháp luật Việt Nam
do nhân dân Việt Nam quyết định. Hơn nữa các quy định trong Hiến pháp
và pháp luật của Việt Nam cho đến nay đã tương thích với luật pháp quốc
tế, trong đó có quyền con người. Thế nhưng, dưới danh nghĩa “bảo vệ nhân
quyền”, AXQT đưa ra báo cáo với những nội dung sai trái và “kiến nghị”
không thể chấp nhận được. Có thể nói, những chứng cứ và “kiến nghị” của
AXQT thực chất là can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Chẳng hạn
AXQT bao che, bảo vệ cho các hành vi vi phạm “Tội xâm phạm an ninh quốc
gia” (như “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (Điều 79-Bộ
luật Hình sự, 1999; “Tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”
hoặc vi phạm “Tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính” (chẳng hạn như
“Tội lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước,
quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” (Điều 258-Bộ luật Hình sự
1999).
Những cáo buộc
trong báo cáo của AXQT nêu trên, chẳng những sai sự thật, mà còn thể
hiện những quan điểm chính trị, nhân quyền trái với các nguyên tắc của
luật pháp quốc tế. Đó là chưa nói đến báo cáo của AXQT được soạn thảo
một cách phiến diện, cẩu thả, vô căn cứ. Chẳng hạn báo cáo chỉ “bảo vệ”
quyền cho các “tù nhân lương tâm” (đây là khái niệm mơ hồ, không có
trong ngôn ngữ pháp luật Việt Nam cũng như ngôn ngữ pháp luật của các
quốc gia khác). Tư liệu của báo cáo dựa trên các cuộc “phỏng vấn qua
điện thoại, email”. Trong khi báo cáo lại đưa ra những chứng cứ như: Tù
nhân “Bị tra tấn đánh đập dã man”, “bị cách ly” hoặc bị “cưỡng bức mất
tích”… Tại sao AXQT không nghĩ rằng, những kẻ kỳ thị, chống phá chế độ
xã hội Việt Nam có thể cung cấp cho ông John Coughlan những thông tin
giả tạo? Tại sao ông John Coughlan và AXQT không lấy thông tin từ những
chính sách, pháp luật hiện hành của Việt Nam, qua những cán bộ công chức
của nhà nước, là những người có trách nhiệm pháp lý đối với việc thực
hiện pháp luật quốc gia? Điều này chỉ có thể giải thích, vì AXQT là một
tổ chức có cùng quan điểm với những kẻ kỳ thị, chống phá chế độ xã hội
Việt Nam!
Xin được bình luận
thêm về việc biên tập báo cáo rằng, AXQT đã thông qua báo cáo này một
cách cẩu thả. Chẳng hạn, trong văn bản nói trên họ còn nói đến hành vi
phạm tội của chính những “tù nhân lương tâm”. Báo cáo có đoạn viết: “Tù
nhân lương tâm còn bị đánh đập bởi các tù nhân khác dưới sự xúi giục
hoặc với sự đồng thuận của quản giáo nhà tù”...(!) Thiết nghĩ nếu là một
tổ chức nhân quyền thật sự, có trách nhiệm với mình và với các đối tác,
thì AXQT không thể lấy báo cáo “điều tra”của cá nhân ông John Coughlan
phỏng vấn “qua điện thoại, email” làm chứng cứ cho báo cáo chính thức
của AXQT.
Như mọi người đã
biết, tổ chức AXQT, cũng như tổ chức theo dõi nhân quyền-Human Right
Watch (HRW) là những tổ chức sân sau cho các “Báo cáo tình hình nhân
quyền” và “Báo cáo về tình hình tôn giáo thế giới” hằng năm của Bộ Ngoại
giao Mỹ. Những tổ chức này là công cụ của lực lượng cực hữu Hoa Kỳ
trong việc khuyến khích các hoạt động chống phá chế độ, chống phá Nhà
nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Cái gọi là báo cáo thường niên của họ đã bị
các quốc gia trên thế giới bác bỏ.
Vậy chính sách,
pháp luật và thực tế việc bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam như thế nào? Quy
định pháp luật của Việt Nam về trại giam và đối với những người đang
chấp hành hình phạt tù như thế nào?
Cương lĩnh, đường
lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta luôn lấy dân giàu,
nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là phương hướng, mục tiêu phấn
đấu. Cương lĩnh (năm 2011) của Đảng Cộng sản Việt Nam ghi: “Con người là
trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển.
Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và
lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”. Thực hiện
các cương lĩnh, văn kiện của Đảng, cho đến nay Nhà nước Việt Nam đã gia
nhập, ký kết hầu hết các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người.
Ngay trong thời
kỳ đất nước ta còn bị chia cắt, năm 1957 Việt Nam đã gia nhập 4 công ước
(Geneve) về Luật Nhân đạo “bảo hộ nạn nhân chiến tranh, đối xử nhân đạo
với tù nhân chiến tranh”. Trước khi trở thành thành viên của Liên hợp
quốc, trong thế bị bao vây, cấm vận của Mỹ, Việt Nam đã gia nhập “Công
ước quốc tế về xóa bỏ các hình thức phân biệt chủng tộc” (năm 1981); ký
kết “Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ
nữ” và gia nhập hai công ước quốc tế cơ bản về quyền con người: “Công
ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội” và “Công ước quốc
tế về các quyền dân sự chính trị” (năm 1982). Năm 1990, Việt Nam ký Công
ước về quyền trẻ em.
Thực hiện Chương
II, Hiến pháp 2013 về “quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân”,
đồng thời nội luật hóa các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt
Nam đã phê chuẩn, năm 2014 Việt Nam đã phê chuẩn hai công ước nhân quyền
nhạy cảm, đòi hỏi Nhà nước phải đầu tư nguồn lực lớn (như để cải tạo
các trại giam, nâng cao tiêu chuẩn ăn ở cho các phạm nhân, mở lớp đào
tạo cho người khuyết tật…) đó là “Công ước chống tra tấn và các hình
thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người”
(gọi tắt là Công ước chống tra tấn) và “Công ước về quyền của người
khuyết tật”.
Đối với việc bảo đảm quyền con người của các phạm nhân, Chính phủ Việt Nam đã ra Nghị định số 60-CP (16-9-1993) “Ban hành quy chế trại giam” và Nghị định số 98/2002/NĐ-CP ngày 27 -11-2002
về “Sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế về tạm giam, tạm giữ năm
1988 của Chính phủ”. Nghị định trên đã bảo đảm các nguyên tắc pháp quyền
đối với người đang chấp hành hình phạt giam giữ. Chẳng hạn về chế độ
quản lý phạm nhân, Nghị định quy định: “Trại giam phải tổ chức giam phạm
nhân theo từng loại riêng... Phạm nhân là nữ hoặc là người chưa thành
niên phải được giam ở khu vực riêng trong từng trại (Điều 7), “Trừ những
phạm nhân bị phạt giam ở buồng kỷ luật, còn các phạm nhân khác được ở
theo buồng tập thể” (Điều 15); “Trại giam phải được bảo vệ nghiêm ngặt…
có đủ ánh sáng, bảo đảm vệ sinh, môi trường” (Điều 10); “Phạm nhân được
hoạt động thể dục thể thao, văn hóa, văn nghệ”…; “được đọc sách, nghe
Đài Tiếng nói Việt Nam, xem truyền hình” (Điều 18); “Trong thời gian ở trại, phạm nhân được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một năm một lần” (Điều 19).
Khác với quan điểm
của một số quốc gia, Việt Nam cho rằng, phạm nhân phải lao động. Đây
vừa là nghĩa vụ, vừa là một hình thức cơ bản, quan trọng để phạm nhân
cải tạo trở thành công dân tốt. Điều 21 quy định: “Phạm nhân lao động
ngày 8 giờ”, “Nữ phạm nhân có thai được nghỉ trước và sau khi đẻ theo
quy định chung của Nhà nước”. Điều 23, quy định: “Kết quả lao động do
phạm nhân dùng để đầu tư trở lại mở rộng sản xuất, xây dựng cơ sở vật
chất của trại, thưởng cho cán bộ, chiến sĩ của trại có thành tích trong
việc tổ chức và quản lý sản xuất; thưởng cho phạm nhân vượt chỉ tiêu”,
nếu không đủ, “Nhà nước sẽ cấp bổ sung số kinh phí còn thiếu”.
Về việc bảo đảm
sức khỏe và nhân phẩm của phạm nhân, Bộ luật Hình sự năm 1999 đã quy
định: “Người nào trong khi thi hành công vụ mà làm chết người do dùng vũ
lực…” thì bị phạt tù “từ 2 năm đến 7 năm” (Điều 97); “Tội cố ý gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” có hình phạt
lên đến 7 năm tù (Điều 104)… Bởi vậy những điều mà AXQT nêu ra trong
“Báo cáo” nói trên là không có cơ sở pháp lý. Nếu có chỉ là những trường
hợp cá biệt nào đó của quản giáo chưa được phát hiện và xử lý mà thôi.
Nói cách khác, Báo cáo của AXQT là sai trái, xuyên tạc đường lối, chính
sách, pháp luật Việt Nam.
Nhân đây cũng cần
nói đến chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt
Nam, được thể hiện trong chính sách và Luật Đặc xá. Chính sách đặc xá
hằng năm của xã hội ta tuân thủ nguyên tắc bảo đảm công khai, minh bạch,
dân chủ trong việc lựa chọn người được đặc xá. Trước mỗi đợt đặc xá
phạm nhân được bình bầu dân chủ, chọn ra những người cải tạo tốt, chấp
hành nội quy trại giam tốt sẽ được đặc xá trước. Nếu như các “tù nhân
lương tâm” (theo cách gọi của AXQT) cải tạo tốt, chắc chắn họ sẽ được
trả tự do sớm như những phạm nhân khác. Trong trường hợp họ “dũng cảm,
kiên cường” bảo vệ quan điểm của mình, đối đầu với chế độ, với Nhà nước
Việt Nam, không thừa nhận những sai phạm của mình thì họ phải chờ đến
hết thời hạn trong tù theo quyết định của bản án đã tuyên.
Theo báo cáo của
Chính phủ, từ năm 2009 đến 2015, triển khai Luật Đặc xá, Chủ tịch nước
đã quyết định thực hiện 5 đợt đặc xá tha tù trước thời hạn cho 63.499
phạm nhân và 678 người. Trong những năm gần đây cùng với việc thi hành
Luật Đặc xá, Nhà nước ta đã thực hiện nhiều chính sách cho người đang
thi hành án, trong đó có chính sách dạy nghề. Phần lớn những người được
đặc xá năm 2015 đã có trong tay những nghề đơn giản để hội nhập cộng
đồng.
Thiết nghĩ AXQT có
thể hiểu rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam
không có lợi ích gì khi đưa những người “bất đồng chính kiến”, những “tù
nhân lương tâm” vào tù vì điều này không chỉ tổn hại về tiền bạc, công
sức mà còn mang tiếng không tốt đối với cộng đồng quốc tế.
Như vậy có thể
nói, xét về chính trị, pháp lý cũng như thực tế, Báo cáo của AXQT là
hoàn toàn sai trái, là can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Cho
dù AXQT có vu cáo, xuyên tạc tình hình chính trị, xã hội Việt Nam nói
chung, tình trạng nhà tù Việt Nam nói riêng đến đâu cũng không thể phủ
nhận được chính sách, pháp luật và thành quả của Nhà nước Việt Nam trên
lĩnh vực quyền con người.
BẮC HÀ/QĐND