Chủ Nhật, 24/11/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Ba, 30/1/2018 21:28'(GMT+7)

Sức sống của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản trong sự nghiệp đổi mới

Nhân dịp kỷ niệm 170 năm ngày ra đời tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” hướng tới kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, sáng 30/1, tại Hà Nội, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo khoa học “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản - Giá trị và sức sống trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam.”

Tham dự Hội thảo có Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; đại diện Hội đồng Lý luận Trung ương; đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng; các nhà nghiên cứu khoa học, chuyên gia thuộc các viện, học viện, nhà trường. 

Hội thảo được tổ chức nhằm tiếp tục làm rõ những nguyên lý, quan điểm cơ bản, cốt lõi, khẳng định giá trị khoa học, cách mạng, sức sống trường tồn của Tuyên ngôn trong thời đại ngày nay cũng như trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam; góp phần phát triển, sáng tạo, đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ tư tưởng của "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" trong tình hình hiện nay. 

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, đại tá, ​phó ​giáo sư, ​tiến sỹ Nguyễn Hùng Oanh, Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng khẳng định​ năm 1848, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” ​- tác phẩm lý luận bất hủ, cương lĩnh chính trị của toàn bộ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, có giá trị lịch sử vĩ đại, tràn đầy sức sống trong thực tiễn, do Karl Marx và Friedrich Engels soạn thảo đã được xuất bản tại nước Anh. 

"Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" ra đời, như sự hội tụ của những giá trị tinh túy nhất về triết học, chủ nghĩa xã hội khoa học, kinh tế chính trị học. 

Những nguyên lý cơ bản trong Tuyên ngôn là ngọn cờ tư tưởng, kim chỉ nam hành động của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. 

Giá trị cách mạng, khoa học, sức sống trường tồn của tác phẩm tiếp tục được khẳng định trong bối cảnh mới của lịch sử hiện nay. 

Tại Hội thảo, các tham luận đã tập trung nhấn mạnh sức sống của bản Tuyên ngôn; khẳng định giá trị của Tuyên ngôn không chỉ ở những luận điểm, nguyên lý lý luận chung mà còn được biểu hiện sinh động trong thực tiễn phong trào cách mạng của giai cấp công nhân; ở việc không ngừng bổ sung, phát triển, vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể. 

Giáo sư, ​tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng​ một trong những giá trị nổi bật, xuyên suốt trong "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" là giá trị nhân văn chủ nghĩa vượt qua chủ nghĩa nhân văn tư sản với ý thức hệ tư sản, xác lập chủ nghĩa nhân đạo hiện thực và chủ nghĩa nhân văn cộng sản trên nền tảng một ý thức hệ tiên tiến nhất, mang bản chất giai cấp công nhân hiện đại. 

Nhờ có phẩm chất nhân văn chủ nghĩa mà Karl Marx và Friedrich Engels đã nhận ra yêu cầu của thời đại mới: phải nhân đạo hóa hoàn cảnh, nhân văn hóa các quan hệ xã hội, cách mạng hóa thực tại để thực hiện các tư tưởng, các giá trị nhân văn trong "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản."

Đồng tình với những nhận định về sức sống của “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản,” Trung tướng, ​phó ​giáo sư, ​tiến sỹ Nguyễn Ngọc Hồi, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân nhấn mạnh, xuyên suốt trong tác phẩm là tư tưởng về giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bóc lột, mọi sự tha hóa, hướng tới một xã hội có điều kiện để con người được phát triển tự do, toàn diện. 

Vượt lên trên những hạn chế của trào lưu tư tưởng xã hội chủ nghĩa không tưởng đương thời, tư tưởng giải phóng con người trong Tuyên ngôn không chỉ có tính cách mạng triệt để, mà còn dựa trên sự luận giải một cách khoa học quy luật vận động, phát triển của xã hội loài người. 

Theo Thiếu tướng, ​phó giáo sư, ​tiến sỹ Phùng Văn Thiết, Phó Hiệu trưởng trường Sĩ quan Chính trị, Bộ Quốc phòng, một trong những nhân tố cơ bản làm nên ý nghĩa lịch sử vĩ đại và giá trị trường tồn của Tuyên ngôn là tính tất yếu của nó, với nội dung cốt lõi chứa đựng phép biện chứng duy vật triệt để về lịch sử toàn nhân loại. 

Thực tế lịch sử đã chứng minh, sự ra đời của Tuyên ngôn là một tất yếu với sự ngẫu hợp tuyệt vời giữa những điều kiện khách quan và sự chín muồi của nhân tố chủ quan./. 

TTX

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất