Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 30/10/2008 18:0'(GMT+7)

Suy nghĩ về cách thức tuyên truyền trên báo chí

Hộ nông dân chăn nuôi bò sữa đã bị ảnh  hưởng không nhỏ từ vụ sữa độc Trung Quốc. (Ảnh: vinanet)

Hộ nông dân chăn nuôi bò sữa đã bị ảnh hưởng không nhỏ từ vụ sữa độc Trung Quốc. (Ảnh: vinanet)

Việt Nam là một trong những nước có nhập khẩu sữa và nguyên liệu sữa Trung Quốc, dĩ nhiên, sự ảnh hưởng của những thông tin liên quan đến melamine cũng tác động không nhỏ đến vấn đề sử dụng và tiêu thụ sữa cũng như nguyên liệu sữa ở nước ta.

Chỉ trong vòng hai tuần, kể từ khi chất melamine được phát hiện trong sữa, vấn đề này đã trở thành tâm điểm của báo chí trên tòan thế giới.. Báo chí Việt Nam đã vào cuộc tích cực, liên tục đưa tin về diễn biến của vụ việc cũng như những phản ứng kịp thời của Bộ Y tế cùng các bộ, ban, ngành chức năng khác. Những thông tin nhiều chiều, đa dạng, góc cạnh được đề cập trên hầu hết các kênh truyền thông tạo nên một “ma trận thông tin” về “cơn bão melamine”. Sự tham gia tích cực này của giới báo chí thể hiện “cái tâm” của người cầm bút, bởi nạn nhân của vụ việc là những trẻ thơ vô tội, song nếu như các nhà báo bình tĩnh, có “tầm nhìn” hơn thì giá trị xã hội của thông tin còn lớn hơn nhiều.

Tầm nhìn ở đây được xem xét dưới góc độ khoa học, thông tin đưa ra phải được kiểm chứng, không phải là những thông tin mang tính hù dọa, gây hoang mang trong dư luận. Điểm qua vài tờ báo, ngay từ khi chất melamine trong sữa được phát hiện tại Trung Quốc, lập tức các lời khuyên về sử dụng sữa được đưa ra: Từ việc cảnh giác khi chọn sản phẩm sữa, nên chọn sữa nhập khẩu từ nước ngoài, từ việc làm sao để xác định mã vạch trong các hộp sữa có phải là hàng Trung Quốc hay không, thậm chí việc thay thế lập tức sữa bột bằng sữa đậu nành cũng được đặt ra trên nhiều diễn đàn… Các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, ăn uống, dinh dưỡng trẻ em cũng liên tục xuất hiện để giải thích, đưa ra lời khuyên cho các bậc làm cha mẹ. Vô số những thông tin được đưa ra thậm chí đối lập nhau, đặt đối tượng tiếp nhận thông tin vào thế lúng túng, không biết chọn cách xử sự như thế nào là tốt nhất và hợp lý.

Tuy nhiên, với cách đưa ra những thông tin nguy cơ một cách “quá tả”, thiếu khoa học đã dẫn tới việc khi “cơn bão melamine” lắng xuống và Bộ Y tế chính thức tuyên bố đã kiểm soát được cơ bản tình trạng sữa và nguyên liệu sữa nhiễm melamine tại Việt Nam, thì cũng là lúc, hậu quả của những thông tin bắt đầu xuất hiện: Người tiêu dùng tẩy chay với nhiều sản phẩm sữa. Thậm chí nhiều trường mẫu giáo – lứa tuổi cần thiết sử dụng sữa nhất cũng “nói không” với sữa và mọi sản phẩm từ sữa. Thiệt hại nhãn tiền là những trẻ thơ không được sử dụng sản phẩm sữa sẽ chậm phát triển và thiếu chất dinh dưỡng; sau đó, ngay cả những nhà sản xuất chân chính cũng bị tẩy chay sản phẩm, đánh đồng với sản phẩm độc hại; các hộ chăn nuôi bò sữa điêu đứng khi hàng ngày phải đổ hàng trăm lít sữa do không tiêu thụ được….

Dường như chúng ta nhìn thấy từ vụ đưa tin về melamine trong sữa có nét gì đó hao hao giống như các vụ đưa tin về chất 3 – MCPD, bưởi gây ung thư, hay việc tiêm vắc xin gây phản ứng tử vong… trước đây. Hậu quả để lại của những thông tin này chính là sự hoang mang, lo lắng, sa sút lòng tin của công chúng vào các sản phẩm của các doanh nghiệp chân chính; là tâm lý bất ổn của tòan xã hội đối với vấn đề an toàn môi trường sống. Chưa kể đến những ảnh hưởng lớn đến việc phát triển sản xuất, đời sống của người dân vùng sản xuất, chế biến nguyên liệu; doanh thu của doanh nghiệp; vấn đề xuất và nhập khẩu sản phẩm sữa, nguyên liệu sữa an toàn.

Đưa ra thông tin và góp phần định hướng dư luận xã hội là một trong những chức năng quan trọng của báo chí. Nếu chỉ đơn thuần đưa ra thông tin, mà thiếu sự thẩm định, tham khảo, đưa thông tin quá đà, quá tả hoặc quá hữu, đặc biệt là những thông tin nguy cơ, thiếu một “tầm nhìn” thì hậu quả của thông tin đôi khi lại nguy hiểm hơn chính cái nguy cơ mà thông tin đó đề cập. Như ta thấy qua vụ sữa melamine, cho đến thời điểm này, thiệt hại mà trẻ nhỏ phải gánh chịu, hay những tổn thất về kinh tế của các doanh nghiệp, sự điêu đứng của các hộ chăn nuôi bò sữa còn dường như đã thấy rõ ràng.

Peter Sandman, một nhà nghiên cứu người Mỹ nổi tiếng thế giới về thông tin nguy cơ đã nhấn mạnh: Truyền thông nguy cơ gồm hai mặt nhỏ là “làm công chúng hoảng sợ” và “trấn an công chúng”, truyền thông nguy cơ đúng cách là tạo ra mức độ giận dữ phù hợp với mức độ nguy hiểm”. Ông cũng lưu ý một số sai lầm khi truyền thông nguy cơ, như nói dối, nói một nửa sự thật, trấn an công chúng quá mức, nhằm mục tiêu minh bạch và trung thực hoàn toàn…

Vấn đề tuyên truyền trên báo chí về sữa melamine cùng một số vụ việc trước đây cũng đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này vấn đề: Trong mọi trường hợp, cần sớm nhất đưa ra những thông tin khoa học đã được thẩm định ra công chúng, góp phần giúp họ có thái độ hành động phù hợp. Đồng thời cũng là bài học để mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo cần có cái tâm và cái tầm hơn nữa trong việc đưa thông tin đến với công chúng tiếp nhận./.
 

Hồng Minh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất