Thứ Tư, 2/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 23/10/2008 19:52'(GMT+7)

Xuất bản Việt Nam chưa sẵn sàng hội nhập

Cục trưởng Cục Xuất bản Nguyễn Kiểm

Cục trưởng Cục Xuất bản Nguyễn Kiểm

Được biết sắp tới Bộ TT-TT sẽ có đợt rà soát, chấn chỉnh lại hoạt động của các NXB trên phạm vi toàn quốc, và Cục Xuất Bản chịu trách nhiệm lên kế hoạch cho chiến dịch này. Xin ông cho biết cụ thể?

- Từ 1/11-30/12/2008, Bộ TT-TT đóng vai trò chủ chốt là cơ quan quản lý nhà nước chủ động làm việc với các NXB, trong đó bắt buộc sự có mặt của lãnh đạo NXB và cơ quan chủ quản. Bộ TT-TT sẽ có kế hoạch thông báo đến từng NXB.

Đợt rà soát này có phải một phần do sự cố liên quan đến việc một số NXB cho ra thị trường một số bộ truyện tranh phản giáo dục, tạo nên những dư luận xã hội không tốt trong thời gian qua?

- Đó là một phần chứ không phải là nguyên nhân chính. Việc tiến hành rà soát lại năng lực của các NXB nằm trong chương trình công tác bình thường để đánh giá lại cơ chế quản lý, phương thức hoạt động của các NXB, đáng lẽ phải làm từ tháng 6-7 nhưng vì công việc dồn dập nên đến thời điểm này mới thực hiện được.

Việc rà soát này không chỉ nhằm chấn chỉnh các hoạt động xuất bản mà còn xác định, đánh giá, đối chiếu lại những quy định của pháp luật đối với NXB về năng lực toàn diện, trong đó có các tiêu chí: nguồn nhân lực, năng lực tài chính, các điều kiện vật chất khác và đặc biệt là chức năng, nhiệm vụ của các NXB.

Tất cả đều nằm trong kế hoạch công tác đã được chuẩn bị trước. Tất nhiên, vì phát sinh việc một số NXB cho ra những xuất bản phẩm có tác dụng tiêu cực trong đó nổi bật là truyện tranh nên đợt rà soát này phải thêm một nhiệm vụ nữa là chấn chỉnh hoạt động các NXB.

Chấn chỉnh lại hoạt động các NXB, nghĩa là các NXB hiện nay đang có nhiều vấn đề. Vấn đề lớn nhất các NXB đang mắc phải là gì, thưa ông?

- Đương nhiên khi tiến hành rà soát một ngành hay một đơn vị nào đó thì có nghĩa có những khó khăn hay biểu hiện nào đó cần phải chấn chỉnh. Hoạt động này không phải đến bây giờ mới đặt ra mà nằm trong kế hoạch chuẩn bị xây dựng cơ chế chính sách đồng bộ thực hiện Luật Xuất Bản vừa sửa đổi bổ sung và xa hơn nữa là chuẩn bị cho ngành xuất bản VN thích ứng với cam kết khi gia nhập WTO trong lĩnh vực phát hành từ ngày 1/1/2009.

Sự có mặt của văn phòng đại diện các cơ sở phát hành nước ngoài ở VN chính thức có hiệu lực từ 1/1/2009. Do vậy đây là đợt rà soát toàn diện nhằm rất nhiều mục tiêu khác nhau, mà mục tiêu lớn nhất là làm thế nào để các NXB VN mạnh lên, đi đúng hướng, giới thiệu những cuốn sách tốt và góp phần đưa hình ảnh VN đang đổi mới và hội nhập ra thế giới.

Từ 1/1/2009, sự cạnh tranh giữa các NXB sẽ khốc liệt hơn, các NXB của VN không chỉ cạnh tranh ở phạm vi trong nước nữa. Theo ông, những thách thức ngành xuất bản VN sẽ phải đối mặt tới đây là gì?

- Với sự có mặt của các doanh nghiệp phát hành sách của nước ngoài, việc họ đưa sách của nước ngoài vào VN dù có phải thông qua một nhà phát hành của VN thì cũng có tác động đến thị trường sách VN. Có khả năng sẽ có thêm nhiều gương mặt mới mà chủ yếu ở đây là sách ngoại văn. Như vậy, các NXB làm sách ngoại văn và các công ty xuất nhập khẩu sách ngoại văn sẽ là những đơn vị phải cạnh tranh đầu tiên.

Ở góc độ nào đó tôi lại nhìn thấy nhiều điểm tích cực. Các NXB không cần phải ra nước ngoài nhiều cũng có khả năng mua bản quyền một số sách tốt, trong khi năng lực giao dịch với các đối tác nước ngoài chưa tốt lắm. Nếu nói các NXB VN sẽ phải đối đầu với các NXB nước ngoài một cách trực tiếp thì chưa phải, vì chúng ta không có cam kết cho các NXB nước ngoài hoạt động tại VN.

Nếu chúng ta chủ động tiếp nhận sự hiện diện của các NXB nước ngoài, chấp nhận cạnh tranh, có một chiến lược rõ ràng và nhìn nhận cuốn nào nên mua bản quyền, nên dịch ra tiếng Việt thì cũng không phải ngại sự có mặt của các nhà sách nước ngoài tại VN.

Không chỉ trông chờ vào thị trường trong nước

Nói về sự hội nhập của ngành xuất bản VN, vừa tham dự Frankfurt International Book Fair 60, hội chợ sách quốc tế lớn nhất thế giới, ông nhìn nhận sách VN đang đứng ở đâu trong sự phát triển mạnh mẽ của ngành xuất bản sách thế giới?

- Bắt đầu từ năm 2007, VN mới tham gia Hội chợ sách quốc tế Frankfurt (Đức) với tư cách quốc gia. Năm nay, lần đầu tiên trong cuộc họp báo giới thiệu sách VN có sự tham dự của bà trưởng bộ phận phụ trách châu Mỹ, châu Á và các nước Ả rập của Hội chợ sách quốc tế Frankfurt. Điều này cho thấy họ nhìn nhận VN đang thực sự tiến gần đến hoạt động chung của thế giới về lĩnh vực xuất bản.

Tất nhiên, so với nhiều quốc gia khác thì vị trí của chúng ta còn rất khiêm tốn, nhưng cũng đã đến lúc phải có chiến lược với những bước đi thích hợp để đến lúc VN sẽ là khách mời danh dự của Hội chợ sách quốc tế Frankfurt. Muốn làm được điều đó thì phải có một nền xuất bản mạnh, phải có cái gì trong tay để giới thiệu với thế giới. Trước mắt sách VN phải có mã số sách chuẩn quốc tế ISBN. Nhiều nước họ không thể hình dung sách bán ra thế giới lại không có mã số ISBN vì họ cho đó là sách in không có bản quyền.

Qua Hội chợ sách quốc tế Frankfurt lần này tôi thấy sự cần thiết của việc giới thiệu nền xuất bản VN ra thế giới bằng các thứ tiếng quốc tế, đặc biệt là tiếng Anh. Mỗi cuốn sách cần có một lý lịch, bản tóm tắt nội dung và tờ rơi quảng cáo nhất định với thông tin cần thiết nhưng hầu hết sách của VN chưa làm được điều này. Nếu chỉ trông chờ vào thị trường trong nước mà không vươn ra quốc tế thì ngành xuất bản VN sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi.

Tôi nghĩ, trong thời đại bùng nổ thông tin, cả xã hội phải lao vào học tập và cạnh tranh bằng trí tuệ thì sách là công cụ bằng trí tuệ, có tác động cộng hưởng xã hội.

Sách có thể coi là công cụ rất tốt để tiếp thị hình ảnh VN ra với thế giới, nhưng các NXB VN hiện nay chưa có những bước chuẩn bị để sẵn sàng hội nhập?

- Đúng vậy, chúng ta chưa chuẩn bị sẵn sàng cho sự hội nhập này. Trước đây Dễ mèn phiêu lưu ký đã đi đến hàng chục quốc gia trên thế giới, thì ngày nay tại sao chúng ta lại không làm được như thế. Tôi cho rằng chúng ta còn phải học tập các đồng nghiệp trong ngành xuất bản trên thế giới rất nhiều. Qua Hội chợ sách quốc tế vừa rồi tôi thấy chúng ta có nhiều cuốn sách khá đẹp, in không kém gì thế giới. Nhưng đó là nói về những sản phẩm cụ thể. Còn nếu nói về cả ngành xuất bản bao gồm rất nhiều yếu tố thì chúng ta đang còn một khoảng cách xa.

Tức là so với nhiều lĩnh vực khác, sự hội nhập của ngành xuất bản VN còn quá chậm, thưa ông?

- Đáng lẽ ngành xuất bản phải là một trong những ngành hội nhập nhanh nhất vì đó là công cụ trí tuệ. Những người làm xuất bản hơn ai hết phải nâng cao tính chuyên nghiệp của mình./.

(Theo VietNamNet)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất