Tác động nhiều mặt
Ngày 6-7, Mỹ nổ “phát súng” mở màn cuộc chiến thương mại (CCTM) với Trung Quốc bằng việc chính thức áp thuế suất 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ nước này. Đáp lại động thái này, Trung Quốc ngay lập tức áp thuế tương ứng lên 34 tỷ USD hàng nhập từ Mỹ. Căng thẳng càng dâng cao khi ngày 11-7, Mỹ tiếp tục công bố kế hoạch áp thuế nhập khẩu 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc, thậm chí đe dọa sẽ xem xét áp thuế bổ sung lên tới 500 tỷ USD hàng hóa.
Có thể thấy, xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ngày càng gia tăng và chưa biết khi nào mới dừng lại, chắc chắn sẽ dẫn đến những bất ổn tới thị trường quốc tế, qua đó tạo các cú “sốc” với các nền kinh tế. Hệ quả bước đầu đã thể hiện rõ trên các thị trường chứng khoán lớn của châu Á - Thái Bình Dương như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Xin-ga-po, Hồng Công (Trung Quốc),… và nhất là các sàn giao dịch chứng khoán của Trung Quốc liên tục mất điểm nhiều ngày liền. Riêng đối với những nước hội nhập sâu, có độ mở của nền kinh tế lớn như Việt Nam, hệ lụy chắc chắc sẽ không chỉ là thị trường chứng khoán bị tác động. Mặt khác, Việt Nam còn có mối quan hệ thương mại chặt chẽ với hai cường quốc này. Cụ thể, với thị trường Trung Quốc, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2017, thương mại song phương đã đạt 93,69 tỷ USD, hứa hẹn chạm mốc 100 tỷ USD trong năm 2018. Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn luôn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam khi chỉ trong sáu tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu từ nước này đã đạt 31,1 tỷ USD, tương đương gần 28% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong khi đó, Mỹ lại là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch xuất khẩu sáu tháng đầu năm đã đạt 21,5 tỷ USD, tương đương gần 19% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo các chuyên gia, nếu những căng thẳng do chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như giữa Mỹ với nhiều nước khác tiếp tục kéo dài và leo thang, sẽ khiến các hoạt động đầu tư, sản xuất bị trì hoãn, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái. Nếu như vậy, xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Thậm chí, PGS, TS Phạm Tất Thắng (Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công thương, Bộ Công thương) còn cho rằng, do Việt Nam nằm ngay sát Trung Quốc, lại có mối quan hệ thương mại và đầu tư lớn với cả Trung Quốc và Mỹ nên độ ảnh hưởng còn trực tiếp, nhanh chóng và rõ ràng hơn. Thứ nhất, hàng hóa của Trung Quốc bị hạn chế khi vào Mỹ do thuế đánh cao và sẽ phải tìm cách “tràn” sang các thị trường khác, trong đó dễ dàng nhất là những nước có chung biên giới như Việt Nam bằng cả đường chính ngạch và tiểu ngạch, gây áp lực cạnh tranh lớn lên hàng hóa trong nước. Thứ hai, sản xuất của Trung Quốc bị đình trệ cũng ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu của nước này từ Việt Nam. Cùng với đó, không thể loại trừ khả năng một lượng doanh nghiệp Trung Quốc sẽ bị phá sản, khiến một bộ phận lao động mất việc làm và tỏa đi kiếm sống ở các vùng biên giới, đặt ra cho chúng ta những vấn đề cần lưu tâm về an ninh, xã hội.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cảnh báo việc hàng Trung Quốc có thể “đội lốt” hàng Việt Nam để xuất qua Mỹ. Thực tế điều này đã diễn ra khi thép Trung Quốc hiện do đang bị Mỹ đánh thuế rất cao, cho nên Trung Quốc đã xuất sang Việt Nam để “đội lốt” hàng Việt và tiếp tục xuất sang Mỹ. Cuối tháng 5 vừa qua, Mỹ đã tiến hành điều tra và áp thuế đối với một số trường hợp thuộc dạng này và đây là điều Việt Nam phải cẩn trọng.
Chủ động ứng phó
Tác động tiêu cực là rất rõ nét, nhưng các chuyên gia cũng nhìn thấy một số cơ hội cho Việt Nam từ CCTM Mỹ - Trung. Đó là khi hàng Trung Quốc bị hạn chế vào thị trường Mỹ, sẽ là cơ hội cho tất cả các hàng hóa không bị đánh thuế vào thị trường này, trong đó có hàng hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, cuộc chiến này còn thúc đẩy chuyển dịch nhanh hơn dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc sang các nước trong khu vực và Việt Nam cũng là một điểm đến lý tưởng trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Mặc dù vậy, từ một góc nhìn thận trọng hơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Phan Văn Chinh cho rằng, CCTM Mỹ - Trung bây giờ mới bắt đầu và không biết khi nào kết thúc, cũng như rất khó lường trước những biến động sẽ xảy đến. Do đó, việc Việt Nam cần làm trước mắt là phải nhanh chóng xây dựng một chiến lược ứng phó với nhiều kịch bản theo các cấp độ ảnh hưởng tới Việt Nam. Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực kiến nghị: Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách cần giữ vai trò chủ động, theo sát mọi diễn biến của CCTM Mỹ - Trung; đồng thời, phải cùng nhau phân tích, dự báo một cách chi tiết, cụ thể những tác động trực tiếp cũng như gián tiếp đến Việt Nam. Từ đó, đưa ra các giải pháp cho từng kịch bản như điều chỉnh lãi suất như thế nào, hạ giá đồng tiền ra sao, thuế nhập khẩu áp bao nhiêu,… Mặt khác, nếu chúng ta thật sự tìm thấy những cơ hội từ CCTM Mỹ - Trung thì quan trọng là làm sao nắm bắt được. Muốn thế, Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục tập trung cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí và tạo môi trường hoạt động thuận lợi, thông thoáng hơn cho doanh nghiệp. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm bằng đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và tích lũy đủ sức lực để ứng phó các tình huống xấu có thể xảy đến cũng như chớp được thời cơ nếu có.
Nguồn: Thái Linh/Nhân Dân điện tử