Chủ Nhật, 22/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 10/9/2014 2:12'(GMT+7)

Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu ở Việt Nam

TS. Nguyễn Đức Kiên phát biểu tại tọa đàm

TS. Nguyễn Đức Kiên phát biểu tại tọa đàm

Chiều 9-9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp đã tổ chức tọa đàm Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu quốc hội đã thảo luận, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu.

Tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ đến cuối 7-2014 là 4,17%

Sau hai năm triển khai thực hiện kết luận của Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI) về tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, có thể thấy Việt Nam đã đạt được những thành công bước đầu. Trong quá trình triển khai tái cấu trúc nền kinh tế, thì tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được coi là điểm sáng.

TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, qua nghiên cứu bước đầu, với những kết quả điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian vừa qua bao gồm ổn điịnh giá trị đồng tiền, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, quản lý hiệu quả thị trường vàng, ngoại tệ, giảm mặt bằng lãi suất, nâng cao chất lượng tín dụng đã tạo môi trường tích cực cho việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đang đi đúng hướng với lộ trình phù hợp và đạt kết quả quan trọng là các ngân hàng sau tái cấu trúc đã hoạt động hiệu quả, không gây xáo trộn tâm lý với công chúng.  

 
 TS. Đinh Xuân Thảo phát biểu tại buổi tọa đàm

Sau hơn 2 năm triển khai Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD), số lượng các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm dần, đặc biệt là các TCTD yếu kém. Đến nay, số lượng TCTD giảm đi là 7 tổ chức.

Về kết quả xử lý nợ xấu, nợ xấu đã bước đầu được kiềm chế và xử lý góp phần lành mạnh hóa tài chính và khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế. Cụ thể, năm 2012, nợ xấu được xử lý là 69 ngàn tỷ đồng. Năm 2013, nợ xấu được xử lý là 98 ngàn tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2014, đạt hơn 33,65 ngàn tỷ đồng. Số nợ được cơ cấu lại khoảng 300 ngàn tỷ đồng, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, giảm bớt khó khăn tài chính và tiếp cận vay vốn bình thường. Đến 31-7, VAMC mua được 54 ngàn tỷ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, theo báo cáo của các TCTD, tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ đến cuối 7-2014 là 4,17% và khoảng 8,2% (nếu bao gồm cả nợ xấu được cơ cấu lại).

Việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được thực hiện trên nguyên tắc không sử dụng tiền ngân sách, minh bạch hóa thông tin, lành mạnh và ổn định là một sự cố gắng lớn. Với sự nỗ lực và quyết tâm cải cách hệ thống ngân hàng trong thời gian qua đã góp phần đưa hệ số tín nhiệm của Việt Nam do Moody’s đánh giá được nâng lên một bậc B1 thay vì mức B2 được công bố vào tháng 12-2013 với triển vọng ổn định và  ngành ngân hàng xếp vị trí thứ 2 về chỉ số cải cách thủ tục hành chính năm 2013. Một trong nguyên nhân để đạt được kết quả đó là tính minh bạch và cải cách mạnh mẽ. Điều này có giá trị quan trọng trong việc nâng vị thế quốc gia và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, đặc biệt khi tình hình biển Đông có những diễn biến phức tạp.

 Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt liên quan đến cơ chế vì đây là một hệ thống rất khó liên quan đến tổng thể nền kinh tế, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị,

Theo TS. Trần Du Lịch (Đại biểu quốc hội thành phố Hồ Chí Minh), xử lý nợ xấu đang đứng trước những 5 vấn đề. Thứ nhất, nền kinh tế chưa thoát khỏi tình trạng trì trệ, nên làm suy giảm năng lực tài chính của các nhà đầu tư trong nước. Thứ hai, khuôn khổ pháp lý về dân sự, kinh tế, tài chính, ngân hàng còn nhiều bất cập, thiếu sự minh bạch, rõ ràng, có lúc có nơi còn chưa đảm bảo nghiêm minh. Thứ ba, trong chương trình tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu, về cơ bản Nhà nước không cấp tiền xử lý những tổn thất, rủi ro của hệ thống ngân hàng, song các cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu còn thiếu, chưa đủ hấp dẫn và tạo thuận lợi cho sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân.  Thứ tư, sự phối hợp giữa các ngành để xử lý  tổng thể thị trường trong tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu chưa chặt chẽ và có hiệu quả.  Thứ năm, chức năng và năng lực tài chính của VAMC bị hạn chế, dẫn đến xử lý nợ xấu có xu hướng chậm lại.

Đưa ra kinh nghiệm quốc tế về tái cấu trúc ngân hàng, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nhấn mạnh các bước tiến hành tái cấu trúc hệ thống ngân hàng chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là kiềm chế khủng hoảng và củng cố niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng. Giai đoạn 2 là rà soát khuân khổ pháp lý và phân loại ngân hàng. Giai đoạn 3 là cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới đều cho thấy, để tiến hành tái cấu trúc hệ thống ngân hàng một cách hiệu quả, hầu hết các nước đều lập Quỹ tái cấu trúc ngân hàng. Tùy vào mô hình nền kinh tế của từng quốc gia và quy mô của từng khu vực ngân hàng nói riêng, chi phí cho hệ thống ngân hàng là khác nhau.

 
Toàn cảnh buổi tọa đàm

Cần có những giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng nhận định những vấn đề nổi lên trong quá trình triển khai Đề án tái cơ cấu các TCTD và đề án xử lý nợ xấu là nợ xấu có nguy cơ gia tăng trở lại do môi trường kinh doanh chưa có sự cải thiện và giải pháp hỗ trợ xử lý nợ xấu chưa được triển khai quyết liệt. Việc xử lý những tồn tại, yếu kém về tài chính và hoạt động ở một số TCTD, nhất là các TCTD thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước chưa được triển khai quyết liệt. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong tái cơ cấu và xử lý nợ xấu chưa được chặt chẽ, đặc biệt là các giải pháp tái cơ cấu DNNN và tái cấu trúc đầu tư công gắn với tái cơ cấu TCTD, xử lý nợ xấu.

Có thể thấy, nợ xấu không còn là vấn đề của riêng ngành ngân hàng, mà nó gắn liền với những bài toán kinh tế vĩ mô, khai thông thị trường, phục hồi tổng cầu của nền kinh tế và khuôn khổ pháp lý điều chỉnh toàn bộ quá trình mua bán nợ, xử lý tài sản.

Về xử lý nợ xấu, TS. Trần Du Lịch đề nghị Quốc hội cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh quá trình xử lý nợ xấu. Cần bổ sung năng lực tài chính cho VAMC. Tiếp tục tạo môi trường thông thoáng, đặc biệt là cơ sở pháp lý cho việc xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm tiền vay theo hướng trao quyền chủ động cho VAMC và các TCTD trong việc thu giữ, xử lý bảo đảm tiền vay đi đôi với việc tăng cường tính minh bạch, công khai trong bán, xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm.

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn (Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế - ĐHQG – Hà Nội) cho rằng, đặt tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong bối cảnh tái cơ cấu kinh tế với 2 trụ cột còn lại: tái cơ cấu đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, cần phải làm rõ vai trò của doanh nghiệp nhà nước đưa các doanh nghiệp nhà nước vào môi trường cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế. Những bất ổn trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam trong giai đoạn vừa qua là hệ quả của những yếu kém bắt nguồn từ một trong những nguyên nhân là áp dụng quản trị công ty trong ngân hàng. Mặc dù chỉ là giải pháp bổ trợ trong quá trình tái cơ cấu  ngân hàng, song cần nâng cao nhận thức về việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản về quản trị công ty theo tiêu chuẩn quốc tế của ngân hàng thương mại Việt Nam.

TS.  Nguyễn Văn Thạnh (Chủ tịch Hội đồng quản trị bảo hiểm tiền gửi Việt Nam) đã tổng kết những nhóm biện pháp đã được nhiều nước thực hiện để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu. Đó là các nhóm giải pháp về tăng cường niềm tin; nhóm giải pháp thiết lập cơ sở pháp lý cho việc tham gia của Chính phủ trong xử lý ngân hàng đổ vỡ; nhóm giải pháp thiết lập cơ chế can thiệp vào ngân hàng gặp vấn đề; nhóm giải pháp về thiết lập cơ chế tối đa hóa giá trị thu hồi của các tài sản xấu (làm trong nội bộ ngân hàng hoặc chuyển tài sản xấu sang một cơ quan quản lý tài sản).

Như vậy, có thể thấy, cần sử dụng kết hợp các biện pháp khác nhau trong quá trình tái cấu trúc ngân hàng và xử lý nợ xấu. Dù áp dụng các biện pháp nào thì cũng cần phù hợp đặc điểm kinh tế, chính trị, pháp lý của Việt Nam.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất