Thứ Hai, 30/9/2024
Môi trường
Thứ Sáu, 22/5/2009 8:48'(GMT+7)

Tái chế rác thải - Cần sự chung tay của cộng đồng


Hiện nay, trung bình mỗi ngày môi trường thành phố tiếp nhận khoảng 6.000 đến 6.500 tấn chất thải rắn đô thị. Nếu việc phân loại rác thải tại nguồn được thực hiện tốt thì có đến 75% lượng rác thải thực phẩm từ các gia đình sẽ được đưa đến nhà máy chế biến và sản xuất phân compost.

Khi đó, chất thải rắn còn lại như chai, lọ, ly, chén, vải vụn, giẻ lau, giày dép, quần áo cũ, văn phòng phẩm các loại, đồ điện tử, điện gia dụng, vỏ hộp nước giải khát, hộp đựng thức ăn các loại... thường được các đơn vị thu mua ve chai tận dụng để bán cho các đơn vị tái sinh, tái chế. Riêng các sản phẩm tiêu dùng chứa các hóa chất độc hại (pin, ắc quy, dầu mỡ bôi trơn...) sẽ được xử lý bằng các biện pháp đặc biệt để tránh gây hại cho môi trường.

Tuy nhiên, với thực trạng rác thải hiện nay của TPHCM chưa được phân loại tại nguồn, còn lẫn quá nhiều tạp chất, rất khó để các nhà máy tái chế thành phân compost, nếu không muốn nói là không thể thực hiện được.

Trước đây, Sở TN-MT TPHCM đã triển khai chương trình phân loại rác thải tại nguồn. Theo đó, sở đã thực hiện thí điểm tại các quận huyện như 1, 3, 6, 7, 8, 9, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận nhưng hiệu quả thu được rất thấp, do chưa nhận được sự tham gia tích cực từ phía cộng đồng. Nhiều người dân sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn phân loại chất thải sinh hoạt ra thành rác thải thực phẩm và rác thải còn lại nhưng vẫn không thực hiện.

Mặt khác, những người thu gom rác cũng chưa thực hiện nghiêm túc việc thu gom phân loại chất thải mà thường thu gom chung tất cả các loại rác thải với nhau. Không dừng lại đó, nhiều doanh nghiệp cố tình trộn lẫn chất thải nguy hại vào chất thải rắn công nghiệp để giảm chi phí xử lý chất thải.

Không tái chế được chất thải thì biện pháp còn lại là xử lý bằng cách chôn lấp. Điều đáng nói, biện pháp này đã và đang phát sinh nhiều nhược điểm như tiêu tốn quá nhiều diện tích đất; tạo ra nước rỉ rác có nồng độ ô nhiễm cao thấm vào nguồn nước ngầm đe dọa sức khỏe người dân; khí thải phát sinh từ bãi chôn lấp rất độc hại cho môi trường, gây ra hiệu ứng nhà kính…

Thành phố đã quy hoạch tổng thể hệ thống xử lý chất thải rắn đô thị. Theo đó, đến năm 2020, khối lượng rác thải phải tái chế thành phân compost chiếm 50%, đốt điện 30%, 10% tái chế và 10% chôn lấp. Ấy thế nhưng nếu việc thực hiện phân loại rác thải cũng chưa thực sự trở thành thói quen của cộng đồng thì không chỉ quy hoạch trên bị phá vỡ mà còn kéo theo sự phá sản của nhiều dự án tái chế rác thải thành phân compost. 

SSGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất