Thứ Bảy, 23/11/2024
Xã hội
Thứ Ba, 19/3/2019 9:59'(GMT+7)

Tái cơ cấu hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần quy hoạch mạng lưới có hệ thống

Toàn cảnh buổi làm việc (ảnh T.Bình)

Toàn cảnh buổi làm việc (ảnh T.Bình)

Ngày 27/11/2014, Luật Giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8 và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015. Đây là một đạo luật đã thể chế hóa mạnh mẽ chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nói chung, giáo dục nghề nghiệp nói riêng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI, giải quyết nhiều bất cập trong thực tiễn, tạo nên một diện mạo mới của hệ thống GDNN ở Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân, khi Luật GDNN được Quốc hội thông qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tích cực, chủ động, phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng, ban hành và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Luật. Tính đến ngày 1/3/2019, đã có 63 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật GDNN được ban hành (6 nghị định, 7 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 46 thông tư và 4 thông tư liên tịch).

Nhìn chung, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành kịp thời đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ để các cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN tổ chức hoạt động đào tạo (tuyển sinh đào tạo; tiêu chuẩn, chế độ đối với nhà giáo; cơ sở vật chất, thiết bị; xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; thi, kiểm tra, cấp văn bằng, chứng chỉ; kiểm định chất lượng...); để Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cơ quan quản lý các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước (hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về GDNN...).

Văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật GDNN đã cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính trong lĩnh vực này; hướng tới việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình cho người đứng đầu cơ sở GDNN; nâng cao trách nhiệm của cơ sở và người đứng đầu cơ sở; tạo cơ chế đánh giá độc lập, sự kiểm soát của nhà nước, giám sát của xã hội; tạo điều kiện để thu hút nguồn lực của xã hội vào lĩnh vực GDNN.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị các bộ, ngành địa phương tổ chức triển khai và chỉ đạo các cơ sở GDNN thuộc phạm vi quản lý thực hiện rà soát, sắp xếp và tổ chức quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thuộc phạm vi quản lý theo hướng dẫn của Bộ và tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đào tạo của các cơ sở GDNN để đảm bảo chất lượng; chủ động chỉ đạo việc thực hiện phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS và THPT tham gia đào tạo nghề nghiệp.

Tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành có liên quan cũng tham gia báo cáo về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về GDNN. Trong đó, việc quy hoạch cơ sở GDNN được đại diện các bộ, ngành và chuyên gia tập trung bàn thảo. Nhiều ý kiến cho rằng, mạng lưới GDNN cần được làm sớm, nhưng có lộ trình cụ thể, để tránh lãng phí; cần có cơ chế để sắp xếp, không phải theo cơ học, sáp nhập các trường cùng địa bàn với nhau, mà gắn với thị trường, nhu cầu tổng thể của nền kinh tế...

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, trong giai đoạn chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp hóa đất nước, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành với thị trường lao động dịch chuyển tự do, và sự thay đổi của công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ, có thể thấy, dù đã có Luật GDNN, nhưng cũng rất cần có dự báo về thị trường lao động đang biến đổi ra sao để có hướng đào tạo phù hợp, đồng thời dần tính đến chuẩn nghề nghiệp.

Việc xây dựng mạng lưới cũng không đơn giản là chuyện của từng bộ, ngành mà Chính phủ phải có Ủy ban để sắp xếp mạng lưới GDNN trên cả nước. Trách nhiệm quản lý nhà nước về GDNN của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cần được làm rõ, từ đó phân quyền, phối hợp giữa Bộ với các địa phương, bộ, ngành ra sao, các trường tự chủ như thế nào. Việc tăng cường giám sát chất lượng cũng cần được đặt ra để bảo đảm chất lượng GDNN...

Theo đó, từ nay đến tháng 9, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội sẽ tiếp tục làm việc với cơ sở GDNN, các bộ, ngành, địa phương về việc triển khai chính sách pháp luật trong lĩnh vực GDNN./.

Nguyễn Phương

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất