Cứ mỗi ngày qua đi lại có 23 người chết
và 50 người bị thương kéo theo đó là nỗi đau dai dẳng của hàng trăm gia
đình đi kèm với kinh tế sa sút. Tai nạn giao thông đã gây ra hậu quả rất
lớn, tạo tâm lý bất an, nỗi lo cho xã hội và mỗi người dân. Nguyên nhân
vì sao và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở đâu là vấn đề cần đặt
ra.
Trong những ngày đầu năm 2019, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, nhất là các xe hoạt động kinh doanh vận tải. Đáng chú ý là vụ xe container đâm thẳng vào số người đang đứng chờ đèn đỏ tại tỉnh Long An làm 3 người chết tại chỗ, 17 người bị thương. Hay vụ tai nạn thảm khốc xảy ra vào trên Quốc lộ 5 đoạn qua Hải Dương làm chết 8 người, 7 người bị thương. Cả 2 vụ tai nạn trên tài xế đều dương tính với ma túy. Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, số vụ tai nạn giao thông đã giảm trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và người bị thương. Tuy nhiên, những vụ đặc biệt ngiêm trọng lại diễn biến phức tạp, gây hậu quả lớn về người và tài sản. Tai nạn giao thông đường bộ và đường sắt trong năm 2018 làm 8 nghìn 190 người chết; 14 nghìn 792 người bị thương.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội thì số liệu báo cáo về tai nạn giao thông không chưa thực sự đáng tin cậy: “Cứ nói tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, coi đó là kết quả chỉ đạo điều hành. Xin lỗi, thực tế cái này là ảo. Tôi có hỏi một số người có trách nhiệm, họ nói địa phương giấu số liệu rất nhiều, do sợ bị nói, sợ bị phê bình. Tai nạn giao thông chết ở đường thì thống kê, còn đưa vào viện mới chết lại nói chết vì lý do khác”.
Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân tham gia giao thông còn yếu kém là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông. Nhiều trường hợp cố tình vi phạm nhất là khi không có lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, với các hành vi phổ biến như: không chấp hành tín hiệu giao thông, vi phạm về tốc độ điều khiển phương tiện; điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng ma túy, rượu bia…. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải, quản lý kết cấu hạ tầng, kiểm định phương tiện đường bộ, đường thủy nội địa còn nhiều thiếu sót. Một nguyên nhân quan trọng nữa là một bộ phận cán bộ thực thi công vụ hạn chế về năng lực chuyên môn, chưa làm tròn trách nhiệm, thậm chí có hiện tượng dung túng, tiếp tay cho hành vi vi phạm của chủ xe.
Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục cảnh sát giao thông, Bộ Công an khẳng định: “Ý thức của người tham gia giao thông đã chuyển biến nhưng chưa căn cơ, bền vững, đặc biệt là những người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới hiện nay, khâu đào tạo, cấp giấy phép lái xe và quản lý giấy phép lái xe tôi cho là quản lý rất kém. Tôi cho là những vụ việc quan trọng do kỹ năng tay lái, đạo đức nghề nghiệp cho nên việc bon chen trên đường, không vì mọi người, văn hóa ứng xử không tốt gây tai nạn”.
Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh đến trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra vi phạm quy định thực thi công vụ hoặc tai nạn giao thông trên địa bàn phụ trách... Thế nhưng, đến nay chưa có địa phương nào có báo cáo xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tai nạn giao thông. Địa phương làm mạnh, quyết liệt thì chuyển biến; nơi nào chưa quan tâm, thiếu quyết liệt thì dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý nhà nước cũng như tuần tra, kiểm soát vi phạm trật tự, an toàn giao thông.
Nhiều năm nghiên cứu về luật pháp, ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Tai nạn giao thông nhức nhối như hiện nay phải nói đến trách nhiệm quản lý nhà nước, tất cả các khâu đều không nghiêm: “Quản lý nhà nước từ sát hạch cấp bằng cho đến khám sức khoẻ, rồi cho doanh nghiệp vận tải không đủ điều kiện hoạt động... tất tần tật đều không nghiêm. Vì thế mới có chuyện một xe vi phạm đi từ Lạng Sơn đến Cà Mau qua bao nhiêu chỗ kiểm tra kiểm soát thì đến tận Cà Mau vi phạm mới được phát hiện. Nguyên nhân là bộ máy không nghiêm minh, cứ nói thế nọ thế kia nhưng tất cả đều không nghiêm”.
Nhìn lại các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng cho thấy trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải cần có bộ phận chuyên môn phân tích nguyên nhân đặc thù gắn với từng vụ tai nạn giao thông, từng loại hình phương tiện gây tai nạn, từ đó, đề nghị về chính sách quản lý nhà nước để giảm thiểu nguy cơ tai nạn. Đồng thời có hướng dẫn, cảnh báo đến người dân để nâng cao ý thức và thực hiện các giải pháp an toàn, phòng tránh nguy cơ tai nạn giao thông.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết: quy định hiện hành chưa đảm bảo sức răn đe, trong khi việc xử lý phải căn cứ vào khung hình phạt: “Khi chúng ta điều chỉnh Luật, điều chỉnh Nghị định thì mức xử lý nặng hơn. Chúng ta không chỉ xử lý lái xe mà xử lý cái gốc là doanh nghiệp thuê lái xe phải có trách nhiệm ký hợp đồng và giám sát. Khi lái xe sử dụng ma túy gây tai nạn nghiêm trọng thì phải truy cứu trách nhiệm doanh nghiệp. Nếu có phương tiện khoán trắng cho lái xe. Chúng ta xử lý nghiêm những gì đang có. Nếu chúng ta làm nghiêm ý thức của xã hội chuyển biến để chấp hành luật giao thông”.
Cứ mỗi ngày qua đi lại có 23 người chết và hàng chục người khác bị thương do tai nạn giao thông. Đó là hậu quả rất lớn gây ra tâm lý bất an, nỗi lo cho xã hội và mỗi người dân. Bởi thế, các Bộ ngành, địa phương cần có những giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông căn cơ hơn.
“Nhanh một phút, chậm một đời”, tai nạn giao thông chỉ xảy ra trong chớp mắt, nhưng nỗi đau sau đó là không thể bù đắp. Những khẩu hiệu, lời kêu gọi sẽ không bao giờ là thừa đối với mỗi người trước khi điều khiển phương tiện và cũng là những lời cảnh báo sâu sắc nhất cho mỗi người khi tham gia giao thông./.
Lại Hoa (VOV)