Càng ngày, hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên thế giới càng có ảnh hưởng lớn. Một trong những sự đóng góp vào việc quảng bá hình ảnh Việt Nam trên thế giới là văn học.
Sứ mệnh của các nhà văn Việt Nam chân chính là bằng
tác phẩm hóa giải thù hận, biến thành sự chia sẻ, hiểu biết và yêu
thương giữa con người với con người. Đấy là tầm vóc lớn lao của một nền
văn học. Đấy cũng là tinh thần cốt lõi của văn hóa truyền thống Việt
Nam.
Thế giới đã bước sang một
chương mới vô cùng đặc biệt trong lịch sử nhân loại. Con người đã và
đang sống trong một thế giới phẳng. Sự phát triển vượt bậc của khoa
học-công nghệ đã từng ngày xóa đi nhiều khoảng cách và ranh giới và hòa
trộn rất nhiều sự khác biệt của các quốc gia vào một khối thống nhất.
Điều đó tạo cho con người sự hiểu biết sâu sắc hơn, mối quan hệ rộng lớn
hơn và sự công bằng hơn cho xã hội loài người. Nhưng nó lại chứa ẩn một
nguy cơ mà con người bắt đầu cảm thấy lo sợ. Đó là nguy cơ biên giới
của các nền văn hóa sẽ bị xóa nhòa.
Ngay từ đầu thế kỷ 20, thế giới đã dự báo xu thế về
một thế giới phẳng và cảnh báo sự đe dọa nguy hiểm đối với bản sắc văn
hóa của các quốc gia. Mỗi một con người cá nhân và mỗi một dân tộc chỉ
có ý nghĩa khi xác lập được căn cước văn hóa của mình. Căn cước văn hóa
trong mỗi cá nhân và trong mỗi quốc gia là những yếu tố cơ bản, hay có
thể nói là sự sống còn để xác lập sự tồn tại độc lập của cá nhân và quốc
gia đó, làm nên những vẻ đẹp cho nhân loại. Chính vậy mà đối với mọi
quốc gia ở bất cứ hình thái xã hội nào, thể chế chính trị nào thì văn
hóa phải là nền tảng hệ trọng nhất cho sự phát triển, hay nói cách khác là cho ý nghĩa sống đích thực của cá nhân đó và quốc gia đó.
Hiện nay, cũng như mọi quốc gia, Việt Nam đang sống
trong một thế giới mà nhiều “biên giới” đã và đang bị xóa nhòa. Thế giới
phẳng và đời sống dân chủ đã mở ra mọi cánh cửa và mọi xu hướng chính
trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa của thế giới có thể hiện diện ở mọi hình
thức trong đời sống xã hội Việt Nam. Bởi thế, bản sắc văn hóa truyền
thống phải trở nên rõ ràng nhất, sâu sắc nhất, khoa học nhất, nhân văn
nhất và phù hợp với một tinh thần sống mới của đất nước thì mới trở
thành năng lượng sống cho một dân tộc và trở thành thành trì bền vững
nhất bảo vệ những giá trị Việt trước xu thế hòa nhập không thể cưỡng lại
của thế giới. Chúng ta ai cũng hiểu rằng: khi một quốc gia đánh mất bản
sắc văn hóa của mình, quốc gia đó sẽ bị các lối sống và tư tưởng khác
xâm lược. Nhưng chúng ta phải thấu hiểu rằng: truyền thống không phải là
sự bất động mà luôn chuyển động để cộng vào những vẻ đẹp mới trong đời
sống, làm cho nó trở nên phong phú và mở rộng chiều kích trí tuệ, tâm
hồn Việt Nam.
Hòa hợp dân tộc chính là một trong những vẻ đẹp đặc
biệt trong lịch sử và văn hóa của người Việt Nam. Ông cha ta đã nói:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng”, đấy chính là minh triết Việt và cũng là một
trong những yếu tố cốt lõi của văn hóa Việt. Chiến tranh đã kết thúc
gần một nửa thế kỷ. Nhiều người Việt Nam rời bỏ đất nước ra đi bây giờ
đã và đang trở về. Nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng vẫn còn những
khoảng cách nhất định giữa người Việt trong nước và người Việt ngoài
nước mà đặc biệt là những nhà văn đang sống ở nước ngoài. Được sự chỉ
đạo của Đảng, mấy năm trước đây Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội nghị
văn học và sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc. Và bây giờ, nhiệm vụ của Hội
Nhà văn là tiếp tục thực thi sứ mệnh quan trọng nhưng vô cùng khó khăn
này một cách cụ thể.
Chủ trương của Hội Nhà văn từng bước giới thiệu các
tác phẩm viết bằng tiếng Việt về những vẻ đẹp trong văn hóa và đời sống
của người Việt, về những khát vọng đẹp đẽ của người Việt của các nhà văn
miền nam trước năm 1975, của các nhà văn đang sinh sống ở nước ngoài và
của cả những nhà văn từng có những bất đồng chính kiến. Trên các ấn
phẩm của Hội Nhà văn như báo Văn nghệ, tạp chí Nhà văn & Đời sống,
tạp chí Thơ, tạp chí Hồn Việt, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, trang web
vanvn.vn trong nhiều năm trở lại đây đã thường xuyên giới thiệu tác phẩm
của những nhà văn ở các tỉnh, thành phố miền nam trước năm 1975, các
nhà văn đang sinh sống ở nước ngoài. Những năm gần đây có nhiều hơn
những nhà văn Việt Nam ở nước ngoài và các nhà văn từng có những bất
đồng chính kiến đã tự nguyện gửi tác phẩm của mình tới hệ thống báo chí
và xuất bản của Hội Nhà văn với mong muốn được xuất hiện. Điều này minh
chứng về sự phát triển và đổi thay của đất nước dưới sự lãnh đạo của
Đảng đã và đang tạo ra những ảnh hưởng vô cùng quan trọng.
Lịch sử đã minh chứng một cách kỳ diệu là dân tộc
Việt Nam đã biến những “kẻ thù không đội trời chung” trong quá khứ thành
những người bạn sống chung trong hòa bình, vì lợi ích của dân tộc mình
và vì một thế giới tốt đẹp hơn. Sứ mệnh của các nhà văn Việt Nam chân
chính là bằng tác phẩm hóa giải thù hận, biến thành sự chia sẻ, hiểu
biết và yêu thương giữa con người với con người. Đấy là tầm vóc lớn lao
của một nền văn học. Đấy là tinh thần cốt lõi của văn hóa truyền thống
Việt Nam. Không có bất cứ một nền văn hóa nào trên thế gian này lại cho
phép hận thù và chia rẽ bước vào vương quốc cái đẹp của mình. Chỉ khi
văn học thấu hiểu được điều đó thì những trang viết mới có thể mang lại
cho con người những cảm xúc tốt đẹp và những ý nghĩa sâu sắc. Một nền
văn học chân chính không bao giờ có chủ trương nhấn chìm những cái khác
mình vào bóng tối mà là tìm cách hóa giải và biến cải.
Để chống lại cái ác thì cái thiện phải trở nên mạnh
mẽ, có tính thuyết phục và có sức lan tỏa lớn. Nếu nền văn học chúng ta
không tràn ngập tình yêu thương, sự cảm thông, chia sẻ, lòng vị tha và
gieo trồng những giấc mơ đẹp đẽ, lớn lao thì nền văn học ấy không còn
nhiều ý nghĩa. Bởi nó sẽ không mở rộng được tâm hồn con người và đánh
thức được lương tri con người. Một hiện thực trong đời sống đương đại
được thể hiện trong thế giới mạng đang thách thức và cảnh báo các nhà
văn. Đó là sự ích kỷ, hạ nhục con người, ngôn ngữ ngập tràn thái độ thù
hận, bóp méo sự thật, vô cảm, độc ác… Chính lúc này, tiếng nói nhà văn
Việt Nam mà quan trọng nhất là tác phẩm của họ phải trở thành tiếng nói
chính thống, bền bỉ và có tính phổ quát với những giá trị nhân văn cao
cả.
Càng ngày, hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên thế
giới càng có ảnh hưởng lớn. Một trong những sự đóng góp vào việc quảng
bá hình ảnh Việt Nam trên thế giới là văn học. Các nhà văn trong hai
cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước đã hoàn
thành xuất sắc sứ mệnh của người cầm bút. Tác phẩm của các nhà văn viết
về hai cuộc kháng chiến vĩ đại ấy đã thay đổi cách nhìn của thế giới về
đất nước, con người và văn hóa Việt Nam một cách ngoạn mục. Phát huy
thành tựu này, các nhà văn Việt Nam đương đại tiếp tục có những sáng tạo
hiện đại mang đậm bản sắc dân tộc và đa dạng. Hội Nhà văn nhận thấy,
việc quảng bá các tác phẩm văn học Việt Nam ra thế giới là một công việc
không thể chậm trễ hơn. Hội Nhà văn Việt Nam đã tiến hành bốn Hội nghị
quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới trong những nhiệm kỳ qua.
Và bây giờ, công việc của Hội Nhà văn Việt Nam là
hiện thực hóa chiến lược quảng bá bằng việc chọn lựa, dịch thuật, in ấn
và quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới trong những năm tới một cách
khoa học nhất. Trong nhiều năm trở lại đây, một số tác phẩm văn học Việt
Nam được dịch và phát hành trên thế giới bằng cách làm của một số cá
nhân là dịch giả nước ngoài hoặc một số nhà văn trong nước. Cách làm này
mang lại một số hiệu quả nhất định nhưng cũng tạo ra cách nhìn chưa đầy
đủ, thiếu hụt, thậm chí méo mó về một nền văn học, về đời sống chính
trị, văn hóa, xã hội Việt Nam. Thực tế đã cho thấy, có những tác phẩm
được dịch và truyền bá trên thế giới trong thời gian qua nhằm bôi nhọ
đời sống chính trị Việt Nam. Vì vậy, chiến lược quảng bá văn học Việt
Nam ra thế giới phải là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng
nhất của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X.
Một số điều cơ bản trình bày ở trên chứa đựng những
vấn đề của đời sống xã hội Việt Nam đương đại và những vấn đề của văn
học Việt Nam. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác lập bản chất
và đường đi của một nền văn hóa mới. Việc vô cùng quan trọng lúc này là
các tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ phải có khả năng hiện thực hóa Nghị
quyết, để tất cả ý nghĩa và tư tưởng của Nghị quyết trở thành hơi thở
đời sống trong mỗi con người, mỗi gia đình và toàn đất nước. Các nhà văn
Việt Nam đã và đang thực thi sứ mệnh của mình với một niềm tin sâu sắc,
một lộ trình rành mạch và một ý chí mạnh mẽ cho dù có không ít khó khăn
và thách thức trên con đường của mình./.
Nguyễn Quang Thiều
(Nguồn: nhandan.vn)