Thứ Bảy, 23/11/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 28/3/2019 16:14'(GMT+7)

Tận dụng cơ hội xuất khẩu nông sản chính ngạch vào Trung Quốc

Chế biến thủy sản xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Chế biến thủy sản xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo "Xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc: Những điều doanh nghiệp cần biết" do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28/3.

DUNG LƯỢNG THỊ TRƯỜNG LỚN

Ông Cao Lâm Viên, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ có quy mô và sức mua lớn nhờ kinh tế phát triển nhanh, thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao.

Năm 2018, thu nhập bình quân của Trung Quốc đã đạt gần 10.000USD/người/năm. Tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thiên Tân… mức thu nhập bình quân lên tới 20.000 USD/người/năm.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trung Quốc cho thấy, năm 2018, nước này nhập khẩu nông sản lên tới hơn 137 tỷ USD. Những mặt hàng nhập khẩu số lượng lớn như gạo hơn 3 triệu tấn, sắn lát gần 5 triệu tấn, thịt lợn 1,2 triệu tấn, thịt bò một triệu tấn; thủy sản 14,8 tỷ USD, quả tươi 8,4  tỷ USD, rau các loại hơn 830 triệu USD.

Các con số này cho thấy, dung lượng thị trường và nhu cầu tiêu dùng đối với nhóm hàng nông thủy sản của Trung Quốc rất lớn. Điều này đã tạo ra lực hút và sự quan tâm của những quốc gia có thế mạnh sản xuất nông thủy sản trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Riêng mặt hàng thủy sản, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, từ năm 2015 đến nay, Trung Quốc nổi lên  thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn trên thế giới, nhu cầu đa dạng và yêu cầu chất lượng ngày càng cao.

Trong 5 năm trở lại đây, giá trị nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc đã tăng thêm 14%, khối lượng nhập khẩu đạt từ 2,8 -3 triệu tấn/năm. Điều này xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng thủy sản của tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc gia tăng vì lo ngại về an toàn thực phẩm. Tầng lớp này ưa chuộng sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm đánh bắt tự nhiên.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc từ 1,2-1,3 tỷ USD thủy sản và là nguồn cung lớn thứ ba của Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ tư của Việt Nam và có mức tăng trưởng ổn định trong nhiều năm trở lại đây.

Một tín hiệu tốt nữa đối với thủy sản Việt Nam là thương mại điện tử đang phát triển mạnh ở Trung Quốc và mặt hàng này ngày càng xuất hiện nhiều trên các trang bán hàng online.

Thêm vào đó, Trung Quốc hiện đang giảm sản lượng nuôi trồng thủy sản do vấn đề môi trường, thuế nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam đang được điều chỉnh theo hướng tích cực cho xuất khẩu chính ngạch.

TĂNG XUẤT KHẨU CHÍNH NGẠCH

Ông Cao Lâm Viên thông tin, trao đổi thương mại giữa Việt Nam-Trung Quốc hơn 30 năm qua chủ yếu thực hiện qua đường tiểu ngạch, biên mậu không chính thức qua các cửa khẩu trên đất liền. Hình thức thương mại này mang lại nhiều rủi ro về mặt thanh toán cũng như khó kiểm soát về chất lượng, số lượng hàng hóa.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản của Việt Nam còn chưa chú trọng xây dựng, đăng ký thương hiệu tại thị trường Trung Quốc để có thể tham gia vào hệ thống phân phối chính thức của nước ngày.

Thời gian gần đây, Trung Quốc có chính sách siết chặt an toàn thực phẩm và cương quyết yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu chính ngạch. Mặt khác, các sản phẩm nông sản của Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng, giá cả, thương hiệu, hình thức phân phối từ các nước khác có sản phẩm nông sản cùng loại để tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc.

Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần thay đổi phương thức sản xuất và xuất khẩu. Cụ thể, để thâm nhập vào thị trường ngày càng khó tính này, doanh nghiệp cần lưu ý các yêu cầu mới về chất lượng, truy xuất nguồn gốc cũng như các quy định, tiêu chuẩn của Trung Quốc về bao bì đóng, ghi nhãn hàng hóa và mã vạch vùng miền để xuất khẩu bền vững cũng như nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Song song đó, các doanh nghiệp cũng nên tích cực tham gia các hội chợ triển lãm có uy tín tại Trung Quốc như Hội chợ SIAL tại Thượng Hải, Hội chợ Trung Quốc-ASEAN tại Quảng Tây và các hội chợ chuyên ngành nông sản tại các địa phương khác để tiếp cận các đối tác, khách hàng lớn. Hơn nữa, cần tận dụng tốt thương mại điện tử để đa dạng kênh xuất khẩu, phân phối sản phẩm cho nông sản tại thị trường Trung Quốc.

Ông Trương Đình Hòe cho rằng, Trung Quốc đang siết chặt kiểm tra an toàn thực phẩm và thương mại tiểu ngạch là thách thức nhưng cũng là cơ hội để nông sản, thủy sản Việt Nam nâng cao chất lượng và đẩy mạnh xuất khẩu theo đường chính ngạch từ đó giữ vững uy tín và hình ảnh trên thị trường.

Hiện xuất khẩu bằng đường biển từ Việt Nam, đặc biệt là từ các tỉnh, thành phía Nam Việt Nam đi Trung Quốc ngày càng thuận lợi hơn với chi phí rẻ hơn trước. Do đó, năm nay sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển vào các thành phố lớn của Trung Quốc.

Theo ông Trương Đình Hòe, mặc dù cơ hội gia tăng thị phần ở Trung Quốc là rất lớn nhưng để đẩy mạnh xuất khẩu theo đường chính ngạch nhằm giảm rủi ro về thanh toán và tiết kiệm chi phí thì các cơ quan quản lý của Việt Nam cần thực hiện quản lý chất lượng thông qua việc cấp và kiểm tra Chứng thư chất lượng đối với hàng xuất khẩu đi Trung Quốc.

Bởi thực tế, hiện có tới 80% thủy sản Việt Nam đang xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, biên mậu, không cần xin chứng thư chất lượng dễ tạo ra những hệ lụy về chất lượng sản phẩm cũng như hình ảnh của thủy sản Việt Nam.

Thêm vào đó, với việc thay đổi chính sách nhập khẩu, an toàn thực phẩm liên tục từ phía Trung Quốc, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần có giải pháp cập nhật và thông báo kịp thời cho doanh nghiệp, tránh trường hợp hàng tới cửa khẩu, không đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn mới, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Những doanh nghiệp xuất khẩu lâu năm vào Trung Quốc cũng chia sẻ, dư địa thị trường còn rộng mở và tiềm năng xuất khẩu nông sản, thủy sản của Việt Nam cũng rất lớn nhưng đến lúc phải thay đổi suy nghĩ đây là thị trường dễ tính, mình có gì bán nấy.

Thay vào đó, doanh nghiệp phải xác định ngay từ đầu, mỗi thị trường đều có những tiêu chuẩn riêng để chủ động sản xuất theo tiêu chuẩn mà thị trường yêu cầu.

Khi doanh nghiệp đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của một thị trường, không chỉ duy trì được quan hệ hợp tác lâu dài với thị trường hợp đó mà còn tạo tiền đề để tiếp cận các thị trường tiềm năng khác./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất