Thứ Hai, 23/12/2024
Ủy ban an toàn giao thông
Thứ Tư, 10/5/2017 16:25'(GMT+7)

Tăng cường an toàn giao thông đường sắt

Một vụ tai nạn đường sắt. (Nguồn: TTXVN)

Một vụ tai nạn đường sắt. (Nguồn: TTXVN)

Trước đó, ngày 24/4, tại Km 1102+100 - đoạn giao nhau giữa đường sắt với đường ngang hợp pháp thuộc địa phận thôn Cảnh An 2, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, một vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra giữa ôtô với tàu hỏa làm 4 người chết, 2 người bị thương.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định được yêu cầu chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ trách nhiệm (nếu có) của cơ quan, đơn vị phụ trách quản lý vị trí đường ngang để xảy ra tai nạn, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương thực hiện nghiêm Thông báo số 166/TB-VPCP ngày 29/3/2017 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quý 1/2017; tăng cường công tác bảo đảm hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền nguy cơ hiểm họa tai nạn giao thông đường sắt; kiến thức, kỹ năng vượt qua đường sắt an toàn cho người tham gia giao thông đặc biệt là người điều khiển xe ôtô, xe môtô; bố trí người trực cảnh giới tại các đường ngang có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao, thường xuyên xảy ra tai nạn, đường ngang không có người gác có nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua đẩy mạnh thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; tăng cường công tác bảo đảm hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Bộ Công an được yêu cầu chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ phối hợp với Công an tỉnh chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương có đường sắt đi qua tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đặc biệt là hành vi mở đường ngang trái phép qua đường sắt.

Phó Thủ tướng giao Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải kiểm tra tình hình thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc xử lý tình trạng mất an toàn giao thông tại điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt của vụ tai nạn nêu trên (lưu ý làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, đề xuất biện pháp xử lý), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2017.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án bảo đảm an toàn giao thông cho các hoạt động du lịch và khi tổ chức các hoạt động văn hóa, xã hội trên vùng nước thủy nội địa, tuyến luồng hàng hải...

Các bộ, ngành liên quan và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Xây dựng văn hóa giao thông gắn với bình yên sông nước giai đoạn 2016-2020” theo Kế hoạch của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam chủ động hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án bảo đảm an toàn giao thông cho các hoạt động du lịch và khi tổ chức các hoạt động văn hóa, xã hội trên vùng nước thủy nội địa, tuyến luồng hàng hải; khẩn trương tiến hành tổng điều tra phương tiện thủy và cảng, bến thủy nội địa; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh và hướng dẫn Sở Giao thông vận tải các địa phương trong việc thực hiện các quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt là trong quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện và cảng, bến thủy nội địa.

Bộ Quốc phòng quan tâm đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phương tiện và tổ chức huấn luyện, diễn tập về tuần tra, kiểm soát và cứu hộ, cứu nạn trên đường thủy nội địa đối với Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng liên quan của Bộ.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an quan tâm đầu tư, mua sắm trang thiết bị, tăng cường lực lượng, huấn luyện, diễn tập về cứu hộ, cứu nạn và khắc phục tai nạn giao thông, sự cố trên đường thủy nội địa cho lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy; chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương xác định các vụ tai nạn đối với phương tiện khai thác hải sản, phương tiện dân sinh xảy ra khi hoạt động trên tuyến, luồng đường thủy nội địa là tai nạn giao thông đường thủy để thống kê, báo cáo và xử lý theo quy định.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan của ngành giao thông vận tải tổng kiểm kê đối với tàu cá, cảng cá trên địa bàn cả nước; phối hợp Ủy ban Nhân dân các tỉnh ven biển, cửa sông, cửa biển, quy hoạch và sắp xếp việc neo đậu phương tiện, làng nghề, làng chài, đảm bảo trật tự, an toàn; nghiên cứu, đánh giá nhu cầu thực tiễn về việc sử dụng tàu cá để chở người trong các hoạt động văn hóa, xã hội (ngoài hoạt động khai thác hải sản) như trường hợp Lễ hội Nghinh Ông để sửa đổi, bổ sung các quy định đối với sử dụng tàu cá cho phù hợp với thực tế xã hội.

Về vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa trên sông Gành Hào ngày 6/4/2017 tại Lễ hội Nghinh Ông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5/7/2016; trong đó chú trọng phân tích, đánh giá về công tác tổ chức và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông Lễ hội Nghinh Ông năm 2017.

Phó Thủ tướng yêu cầu xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng của tỉnh, Ủy ban Nhân dân huyện Đông Hải và cá nhân người đứng đầu có liên quan đến việc để xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng của tàu cá chở người trên tuyến luồng đường thủy nội địa; rút ra bài học kinh nghiệm để không lặp lại vụ việc tương tự trong các lễ hội khác.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu phải rà soát, đánh giá kế hoạch tổ chức các hoạt động lễ hội diễn ra trên vùng nước đường thủy nội địa, hàng hải, có phương án bảo đảm an toàn giao thông và phương án cứu hộ, cứu nạn; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa; đồng thời chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm soát và yêu cầu tất cả người dân khi đi trên phương tiện để tham dự Lễ hội phải mang áo phao hoặc dụng cụ nổi cứu sinh.../.

TG

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất