Thứ Năm, 10/10/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 8/10/2010 10:7'(GMT+7)

Tăng cường các giải pháp để bình ổn thị trường cuối năm

 

Nhiều mặt hàng đã tăng giá

Theo Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, vào ngày 1-10 đã có khoảng 300 mặt hàng tăng giá trong đó nhóm hàng sữa giá tăng từ 8 đến 10%, bánh kẹo sản xuất trong nước, dầu ăn có mức tăng 2-3%, đường tăng khoảng 10%, bánh kẹo nhập khẩu tăng 5-7%... Chưa kể trước đó, giá sữa của một số hãng sữa lớn cũng đã kịp có điều chỉnh, tăng từ 10 đến 15%.

Tại TP.HCM, đại diện siêu thị Citimart cho biết: “Đầu tháng 10 này có đến hơn 100 mặt hàng tăng giá, mức tăng từ 5 - 10%. Các nhóm hàng tăng giá đợt này là mỹ phẩm, thực phẩm, bánh kẹo, dầu ăn, sữa...”.

Tại hệ thống Big C, thực phẩm đông lạnh của Nutifood, Cadovimex, Nestlé, Hương Sơn, Sao Việt... tăng khoảng 5%. Tại hệ thống Co.op mart, ba nhóm hàng nhập khẩu là rượu, nước giải khát, đồ hộp với khoảng 50 mặt hàng tăng giá từ 5 - 10%.

Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam (VPPA) cho biết, giá các sản phẩm giấy dự báo sẽ tăng thêm ít nhất 10% từ nay đến cuối năm do giá nguyên liệu bột giấy nhập khẩu vẫn ở mức cao. Theo ông Cao Tiến Vị - TGĐ Công ty giấy Sài Gòn - công ty đang xem xét và nhiều khả năng sẽ có một đợt điều chỉnh tăng giá bán ra với mức tăng trung bình khoảng 5%.

Giá gas cũng đã tăng thêm 14.000 - 15.000 đồng/bình 12 kg từ ngày 1.10 vừa qua. Các công ty gas giải thích là do giá gas thế giới tháng 10 tăng thêm khoảng 52,5 USD/tấn so với tháng 9.

Giải pháp để bình ổn thị trường

Thực tế, trong 9 tháng qua, một số biến động gây ảnh hưởng xấu trên thị trường đã được các ngành, địa phương xử lý kịp thời. Đơn cử như hiện tượng sốt giá thép hồi tháng 4, nhờ việc thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc bảo đảm nguồn cung trên thị trường, đồng thời triển khai kiểm tra giá gắt gao, hiện tượng đầu cơ, găm hàng thép xây dựng đã được giải quyết.

Ngày 6/10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn thị trường với 22 địa phương, bộ, ngành và 5 Tổng công ty chuyên phân phối các mặt hàng thiết yếu trong nước. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô mà Quốc hội đã đề ra, việc bình ổn thị trường cần được các bộ, ngành, địa phương cũng như các doanh nghiệp xác định là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Cũng tại Hội nghị, ý kiến từ các địa phương, bộ, ngành, đơn vị liên quan đều thống nhất giải pháp hữu hiệu và tiên quyết để bình ổn thị trường thời gian qua là ổn định, chuẩn bị tốt nguồn cung hàng hóa.

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh Lê Ngọc Đào cho biết, sự ổn định thị trường địa phương chính là nhờ cung ứng đủ hàng hóa với giá thấp hơn thị trường, bảo đảm chất lượng hàng hóa và khả năng tiếp cận của người dân đối với các hàng hóa thiết yếu.

Để bình ổn giá trong thời gian tới, tại Hội nghị đã tổng kết và đưa ra 5 nhóm giải pháp sau: Thứ nhất, khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước để đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Thứ hai, thường xuyên rà soát, đánh giá cung cầu các mặt hàng phục vụ sản xuất và đời sống, trước hết là các mặt hàng thiết yếu, kịp thời ban hành, điều chỉnh các cơ chế, chính sách điều chỉnh, ổn định khi có biến động giá cả. Thứ ba, tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại nội địa, phối hợp với các đơn vị phân phối hơn để tiêu thụ, đáp ứng phân phối hàng hóa đều khắp các địa bàn. Thứ tư, tăng cường kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, niêm yết giá và bán không theo giá niêm yết, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa và VSATTP. Thứ năm, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách, điều hành cũng như thông tin chính xác về diên biến thị trường, tránh hiện tượng thông tin thất thiệt để trục lợi./.

PV(tổng hợp)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất