GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992. Đặc biệt, tháng 12/2022, hai bên ra Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Trong hơn 30 năm qua, hợp tác giữa hai nước phát triển nhanh chóng và hiệu quả trong các lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, an ninh quốc phòng, đến kinh tế, văn hóa..., trên cả bình diện song phương và đa phương. Sự tin cậy chính trị, hiểu biết lẫn nhau được tăng cường, tạo nền tảng vững chắc cho các lĩnh vực hợp tác phát triển sâu rộng và bền vững. Hoạt động trao đổi, tiếp xúc cấp cao được duy trì thường xuyên; các cơ chế đối thoại, hợp tác được vận hành ổn định. Trong các nội dung hợp tác, Việt Nam dành ưu tiên thúc đẩy thương mại, khoa học, đầu tư, đặc biệt ưu tiên chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, trí tuệ nhân tạo và công nghệ bán dẫn.
Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ: Trong lĩnh vực bán dẫn, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến thu hút sự quan tâm, hiện diện của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới của Mỹ và Hàn Quốc như Intel, Samsung...; bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực này, đồng thời mở rộng hợp tác hơn nữa trong chuỗi cung ứng công nghiệp, phát triển công nghiệp bán dẫn, trung hòa carbon và tạo thuận lợi thương mại thông qua giảm khí thải nhà kính, năng lượng sạch, mở rộng quy tắc xuất xứ cũng như khoáng sản cốt lõi.
Giám đốc Học viện Ngoại giao Hàn Quốc Park Cheolhee mong muốn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tăng cường hợp tác, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn cho các cán bộ viên chức, giảng viên và tổ chức các khóa bồi dưỡng kiến thức cho học viên; mong muốn hợp tác tổ chức Diễn đàn chất bán dẫn. Hai bên đã trao đổi và thống nhất hợp tác về ứng phó với biến đổi khí hậu; đặc biệt là hợp tác về an ninh hàng hải trong khu vực.
Tại Tọa đàm "Hợp tác an ninh hàng hải trong khu vực và hợp tác vùng Mekong mở rộng" giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Ngoại giao Hàn Quốc diễn ra sau đó, hai bên đã thống nhất đề xuất giải pháp quan trọng để tạo ra môi trường biển và hàng hải an toàn là ý chí chính trị của các quốc gia trong việc phối hợp hành động.
Hai bên cho rằng, cần sự chung tay đối phó của nhiều tổ chức hoặc quốc gia chứ không thể giải quyết đơn phương, riêng lẻ; đồng thời, phát huy việc thực thi các khuôn khổ, cơ chế hiện có, xây dựng lòng tin thông qua việc công bố sách trắng.
Ngoài ra, những biện pháp hợp tác về các lĩnh vực như bảo tồn các nguồn tài nguyên sinh vật biển, bảo vệ môi trường biển, xây dựng năng lực cho các lực lượng thực thi pháp luật trên biển... cũng là những lĩnh vực cần được đẩy mạnh hợp tác và xây dựng thỏa thuận ở cấp độ khu vực.