Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 31/10/2014 17:14'(GMT+7)

Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Toàn cảnh buổi tọa đàm (Ảnh: TH)

Toàn cảnh buổi tọa đàm (Ảnh: TH)

Ngày 31/10, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với chủ đề "Vì thị trường lành mạnh".

Tham dự tọa đàm có các đại biểu: ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả; ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương; ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam.

Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) cho biết, sau 7 tháng đi vào hoạt động của Ban Chỉ đạo 389, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã có sự chuyển biến tích cực, các lực lượng chức năng đã bắt và xử lý 44.000 vụ với 300 tỷ đồng tiền hàng hóa vi phạm, truy thu thuế 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động buôn lậu vẫn diễn ra với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp, đặc biệt là các hoạt động buôn lậu xăng dầu, ô tô, xuất lậu khoáng sản, thuốc lá điếu...

Ông Vũ Văn Cường cũng cho biết thêm, ở Việt Nam, thuốc lá lậu do trốn thuế nên có thể bán rẻ hơn nhiều so với thuốc lá sản xuất trong nước, cùng chủng loại. Tuy nhiên, thuốc lá lậu cũng rất nguy hại đến sức khỏe cộng đồng do không kiểm soát được chất lượng sản phẩm, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiệp hội thuốc lá cũng kiến nghị với Quốc hội, tạm thời chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Trước mắt, đẩy mạnh công tác chống buôn lậu thuốc lá vào thị trường Việt Nam để tăng thu cho Ngân sách Nhà nước.

Tại buổi tọa đàm, theo ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, nguyên nhân của tình trạng buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng là do phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, hoạt động từ tuyến biên giới đến nội địa; nhân lực thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu còn ít; trang thiết bị thiếu thốn; nhiều địa bàn khó khăn phức tạp. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các ngành chưa chặt chẽ, đôi lúc còn bỏ trống thị trường để các đối tượng lợi dụng lúc thay ca để vi phạm.

Ông Nguyễn Trọng Tín cũng đặc biệt nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân quan trọng là do công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, chưa đến được với người dân ở vùng sâu, vùng xa, dẫn đến người dân dễ tiếp tay, tham gia buôn lậu. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo 389 được thành lập, với các lực lượng được giao nhiệm vụ cụ thể đã có những kết quả khả quan nhưng chưa tương xứng với mong muốn. Hệ thống văn bản pháp luật còn chồng chéo cần sớm được tổ chức sửa đổi cho phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan cũng cho biết: nhân sự của Ban Chỉ đạo 389 của các địa phương, bộ ngành kiện toàn xong, cơ bản đủ "mạnh" để thực hiện công cuộc chống buôn lậu và gian lận thương mại nhưng không thể làm một sớm một chiều. Ông Nguyễn Văn Cẩn cho rằng, việc này đòi hỏi các lực lượng chuyên trách, cấp ủy, chính quyền địa phương và toàn xã hội vào cuộc mới có thể đẩy lùi hàng giả, hàng lậu.

Ông Nguyễn Văn Cẩn cũng nêu rõ: Theo quy định về chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành và phân công chỉ đạo, điều hành về công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại quốc gia, ngoài thực hiện nhiệm vụ, lực lượng hải quan chịu trách nhiệm trong việc chống buôn lậu ở khu vực cửa khẩu, đường bộ, hàng không (cửa khẩu) và cảng biển. Lực lượng biên phòng phụ trách các đường mòn, lực lượng cảnh sát biển chịu trách nhiệm quản lý cảng biển, cảng sông. 

Tổng Cục Hải quan và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ký Công điện chỉ đạo cho các ngành, địa phương tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trong dịp Tết, tập trung vào các nhóm hàng và địa bàn nổi cộm. Theo đó, Tổng Cục Hải quan chỉ đạo lực lượng hải quan các tỉnh thành phố và lực lượng điều tra, đội chuyên trách và thanh tra chuyên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đánh "trúng" và "đúng" vào các đường dây ổ nhóm cũng như có biện pháp ngăn chặn hàng giả, gian lận thương mại. Thủ tướng Chính phủ đã có phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, địa phương, lực lượng tập trung vào các chuyên đề, chuyên án lớn, các đường dây ở các địa bàn trọng điểm, nổi cộm. Các lực lượng Hải quan, lực lượng biên phòng, cảnh sát biển cũng như Tổng cục Cảnh sát, Tổng cục An ninh đang thực hiện các chuyên đề này.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất