Trong thư gửi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc công an khu XII, đầu xuân năm 1948 theo sáu nội dung, vừa mang tính khái quát vừa mang tính cụ thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính; Đối với đồng sự phải thân ái, giúp đỡ; Đối với chính phủ, phải tuyệt đối trung thành; Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép; Đối với công việc phải tận tuỵ; Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo”.
Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác, những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc công an Thành phố Hà Nội luôn quan tâm đến công tác bồi dưỡng, giáo dục đạo đức cách mạng nói chung và đạo đức người công an cách mạng nói riêng cho đảng viên, cán bộ, chiến sĩ, coi đây là nội dung cốt lõi, xuyên suốt trong quá trình xây dựng lực lượng Công an Thành phố Hà Nội tiến lên chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.
Chính vì vậy, công tác giáo dục, bồi dưỡng đạo đức người công an cách mạng tại công an Thành phố Hà Nội đã có sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, tư tưởng và hành động của mỗi đảng viên, cán bộ, chiến sĩ, nhất là tinh thần trách nhiệm trong công tác, chiến đấu, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần thái độ phục vụ nhân dân. Ở bất kỳ lĩnh vực công tác nào, cán bộ, chiến sĩ cũng ra sức phấn đấu, phát huy hết năng lực và trình độ, tận tụy với nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác bồi dưỡng, giáo dục đạo đức người công an cách mạng cho đảng viên, cán bộ chiến sĩ trong lực lượng Công an nhân dân nói chung và ở công an Thành phố Hà Nội nói riêng thời gian qua vẫn còn bộc lộ những mặt hạn chế, khiếm khuyết cần khắc phục. Vẫn còn đó những cán bộ, chiến sĩ sai phạm về phẩm chất đạo đức, dễ bị sa ngã bởi những cám dỗ tầm thường, hoặc gây phiên hà, nhũng nhiễu nhân dân, vi phạm quy định, quy chế của ngành, thậm chí vi phạm pháp luật. Điều đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của lực lượng Công an nhân dân, làm xói mòn bản chất cách mạng của đội ngũ cán bộ, làm suy giảm uy tín của Đảng, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với chế độ.
Đây là những hành động, việc làm mà các đơn vị, cán bộ, chiến sĩ công an phải kiên quyết đấu tranh, khắc phục để xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, ngày càng được nhân dân tin yêu, quý trọng, xứng đáng là lực lượng vũ trang tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Thời gian tới, bối cảnh tình hình, thế giới, khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, đặt ra cho công tác giáo dục đạo đức người công an cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng nói chung và cán bộ, chiến sĩ công an Thành phố Hà Nội là hết sức nặng nề
Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng về “Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, chiến sĩ công an Thành phố Hà Nội, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức và sự quan tâm của cấp ủy đảng, ban giám đốc trong các đơn vị trong toàn công an Thành phố.
Các cấp ủy đảng, lãnh đạo, cán bộ làm công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong công an Thành phố Hà Nội cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác giáo dục đạo đức người công an cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ. Chỉ khi nào lãnh đạo nhận thức sâu sắc, đầy đủ về bản chất, vai trò của đạo đức người công an cách mạng, của công tác giáo dục đạo đức người công an cách mạng thì mới khắc phục được quan niệm giản đơn, cứng nhắc trong tư tưởng và trong chỉ đạo, từ đó có sự quyết tâm trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác này một cách đúng đắn, khoa học tạo ra sự nhận thức thống nhất và thực hiện đồng bộ từ Thành phố xuống quận, huyện, phường…. Cần đưa nội dung công tác giáo dục đạo đức người công an cách mạng vào trong các sinh hoạt hàng tháng, hàng quý, hàng năm của đơn vị. Không ngừng đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt Đảng trong các cuộc họp chi bộ để phù hợp với tình hình mới hiện nay.
Việc rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trong điều kiện, hoàn cảnh mới chịu nhiều sự tác động từ mặt trái kinh tế thị trường; sự phân hóa giàu nghèo; sự biến động của thang, bậc giá trị xã hội nói chung và đạo đức xã hội nói riêng... Do đó, việc tăng cường giáo dục đạo đức người công an cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị mình nhằm nâng cao đạo đức người công an cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, chặn đà suy thoái về đạo đức, lối sống là vô cùng quan trọng. Vì thế, các chủ thể cần có nhận thức đúng đắn về vị trí, tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức người công an cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ.
Hai là, đổi mới nội dung, lựa chọn hình thức, phương pháp giáo dục đạo đức đạo đức người công an cách mạng phù hợp đối với cán bộ, chiến sĩ.
Tích cực đổi mới nội dung giáo dục đạo đức người công an cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ theo hướng thiết thực, hiệu quả, sát với điều kiện thực tiễn đang đặt ra trên địa bàn Thành phố và của mỗi đơn vị. Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ cần có ý thức tự giáo dục, rèn luyện, có bản lĩnh, có ý chí, đứng vững không dao động trước những mặt trái của cơ chế thị trường và miễn dịch trước sự tấn công, chống phá của các thế lực thù địch, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.
Trước hết, đổi mới nội dung giáo dục đạo đức phải được thực hiện trên cơ sở nắm vững và vận dụng sáng tạo các quan điểm, nguyên lý, nguyên tắc của chủ nghĩa Mác - Lênin về đạo đức cộng sản, tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng; quán triệt sâu sắc tính Đảng, tính khoa học và tính thực tiễn trong đổi mới.
Ngoài ra, cần tăng cường giáo dục bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là cơ sở phương pháp luận chủ yếu quyết định sự hình thành và phát triển thế giới quan cộng sản, lý tưởng cách mạng và đạo đức cách mạng; hình thành tình cảm - niềm tin và thái độ, hành vi đạo đức phù hợp với chuẩn mực của người công an cách mạng. Chính vì vậy mà giáo dục đạo đức người công an cách mạng phải bắt đầu và gắn liền với giáo dục chính trị tư tưởng, giác ngộ ý thức cách mạng, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng.
Tăng cường giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng và học tập tấm gương đạo đức cách mạng của Người.
Bên cạnh đó, nội dung giáo dục đạo đức người công an cách mạng cho CBCS Công an Thành phố Hà Nội cần đổi mới theo hướng kết hợp tập trung trọng tâm vào các giá trị đạo đức cách mạng, như: tinh thần lao động tự giác, sáng tạo, lòng yêu nước, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, của con người Hà Thành như: đoàn kết, thương người, cần cù, chịu khó, cương trực, chân thành…, đồng thời cần bổ sung những giá trị đạo đức mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ, chiến sĩ trẻ công an Thành phố Hà Nội có ý nghĩa hết sức quan trọng, nghề Công an là một nghề đặc biệt, cần phải giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ tinh thần tự giác, tự nguyện có trách nhiệm cao, cần cù tận tụy, thật thà, dũng cảm trong công tác, chiến đấu; sẵn sàng hy sinh, cống hiến mọi sức lực và trí tuệ cho nhân dân, cho Tổ quốc, coi đây là phẩm giá, là danh dự, là hạnh phúc của người chiến sĩ công an cách mạng.
Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, phương pháp giáo dục đạo đức người công an cách mạng cho CBCS sao cho phù hợp với sự biến đổi mạnh mẽ về kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội của nước ta, của Thành phố và của chính bản thân nhu cầu của mỗi CBCS. Trong điều kiện hiện nay, khi cuộc sống vật chất và tinh thần của con người ngày càng được nâng cao, khi mỗi CBCS có thể nhanh chóng tiếp cận với nhiều luồng thông tin… thì việc sử dụng các hình thức, phương pháp giáo dục theo đường mòn, một chiều, lặp đi lặp lại sẽ khó đạt hiệu quả tích cực.
Đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức người công an cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ Công an Thành phố Hà Nội cần phải kết hợp giáo dục đạo đức với hoạt động thực tiễn của cán bộ, chiến sĩ; kết hợp “xây” và “chống”, nâng cao hoạt động phê bình và tự phê bình trong giáo dục đạo đức người công an cách mạng để mỗi CBCS hoàn thiện mình hơn; tăng cường sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa giáo dục đạo đức với giáo dục các hình thái ý thức xã hội khác. Giáo dục đạo đức gắn liền với giáo dục lý luận chính trị, vì người có lập trường chính trị, có tri thức về lý luận chính trị sẽ có bản lĩnh vượt qua những cám dỗ, mặt trái của cơ chế thị trường hiện nay, từ đó có đạo đức người công an cách mạng. Ngược lại, khi cán bộ, chiến sĩ thiếu bản lĩnh chính trị, đạo đức người công an cách mạng bị vẩn đục, sẽ dẫn đến sai lệch về quan điểm chính trị, suy thoái về đạo đức, lối sống.
Ba là, xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn công an Thành phố
Trước hết, điển hình cần được nhân rộng phải thực sự tiêu biểu, có sức lan tỏa, tác động tích cực đối với đơn vị và đời sống xã hội. Đồng thời bản thân các điển hình tiên tiến phải tiếp tục nêu gương, nỗ lực, tự giác phấn đấu, tiên phong gương mẫu trong công tác và các hoạt xã hội khác.
Tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ rõ, nêu gương là một nguyên tắc trong thực hành đạo đức. Bác đã dạy: “Muốn người ta theo, mình thì phải làm gương trước”. Vì thế, trong mỗi việc làm, hành động, lời nói của những tấm gương điển hình phải thể hiện là “kiểu mẫu”, có sức thuyết phục, được mọi người thừa nhận, học tập. Bên cạnh đó, cấp ủy, cán bộ, đảng viên trong đơn vị cần tạo môi trường thuận lợi để các điển hình thực hiện và thể hiện vai trò của mình; coi trọng và quan tâm thường xuyên đến việc nuôi dưỡng, nhân rộng điển hình.
Ngoài ra việc nhân rộng điển hình phải gắn liền với việc phát hiện những nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt.
Bốn là, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tinh giản biên chế đối với những cán bộ, chiến sĩ vi phạm chuẩn mực về chính trị, tư tưởng và đạo đức, lối sống
Chú trọng tới công tác kiểm tra, giám sát ở những mặt sau: Đó là kiểm tra, đánh giá việc tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt các Nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của Đảng ủy Công an Trung ương và của Thành ủy Hà Nội về công tác xây dựng Đảng, về công tác giáo dục đạo đức người công an cách mạng cho CBCS. Đặc biệt quan tâm tới việc kiểm tra đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ gắn liền với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của Đảng.
Chú trọng tới công tác kiểm tra đánh giá việc thực hiện các quan điểm, nguyên tắc, các bước, nội dung và quy trình thực hiện công tác giáo dục đạo đức người công an cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ nhằm nâng cao chất lượng công tác này theo hướng thiết thực, hiệu quả. Mặt khác, chú trọng việc kiểm tra trong việc tổ chức sơ kết, tổng kết về công tác giáo dục đạo đức người công an cách mạng cho CBCS. Đây là việc làm quan trọng, bởi thông qua hoạt động này sẽ nắm được tình hình, đánh giá được chất lượng thật sự của công tác giáo dục đạo đức người công an cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ. Từ đó có thể nhân rộng, phát huy những mặt đã làm được, đồng thời hạn chế những mặt còn khuyết điểm trong hoạt động giáo dục đạo đức người công an cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ trong thời gian tới.
Ngoài ra, cũng cần thực hiện nghiêm túc chủ trương tinh giản biên chế, đưa ra khỏi lực lượng những cán bộ, chiến sĩ, những người vi phạm đạo đức nghề nghiệp, tư cách người công an cách mạng, chưa chuẩn mực về chính trị, tư tưởng và đạo đức để xây dựng môi trường trong sạch, lành mạnh.
Năm là, nâng cao tính tự giác giáo dục, rèn luyện đạo đức người công an cách mạng của cán bộ, chiến sĩ
Việc xây dựng đạo đức người công an cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ là một quá trình thống nhất hữu cơ giữa giáo dục và tự giáo dục rèn luyện của bản thân mỗi cán bộ, chiến sĩ. Do đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ khai thác, phát huy sức mạnh, động lực tinh thần từ nhận thức; từ những phẩm chất đạo đức đã được rèn luyện tiến tới tự rèn luyện trong thực tiễn hoạt động, hành vi ứng xử trong quan hệ với mình, với khuyết điểm của đồng đội và đối với những hiện tượng vi phạm pháp luật. Tôi luyện trong thực tiễn là khâu cuối cùng đánh giá trình độ rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân hiện nay.
Phan Thị Dung
(Tổng cục 5 - Bộ Công an)