Thứ Năm, 19/9/2024
Bảo hiểm xã hội
Thứ Năm, 28/12/2017 21:48'(GMT+7)

Tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Cán bộ Bảo hiểm xã hội thành phố Lào Cai hướng dẫn người dân làm thủ tục tham gia bảo hiểm y tế.

Cán bộ Bảo hiểm xã hội thành phố Lào Cai hướng dẫn người dân làm thủ tục tham gia bảo hiểm y tế.

Xác định rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của chính sách bảo hiểm trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, những năm qua, Đảng bộ tỉnh Lào Cai luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ công tác bảo hiểm và đã thu được những kết quả quan trọng. 

Đặc biệt, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giai đoạn 2012 - 2020” trên địa bàn tỉnh Lào Cai thu được một số kết quả đáng ghi nhận: Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia BHXH, BHYT, BHTN trong hệ thống an sinh xã hội được nâng lên. 

Số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN có sự gia tăng hằng năm, trong đó: Số người tham gia BHXH bắt buộc năm 2012 là 50.268 người, năm 2016 là 59.177 người, tăng 8.909 người (17,7%). Số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2012 là 610 người, năm 2016 là 1.099 người, tăng 489 người (8%). Số người tham gia BHTN năm 2012 là 38.538 người, đến hết năm 2016 là 49.698 người, tăng 11.160 người (28,9%). Số người tham gia BHYT năm 2012 là 610.708 người, năm 2016 là 692.807 người, tăng 82.099 người (13,4%); tính đến hết năm 2016, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn tỉnh là 98,5%, đạt chỉ tiêu theo Quyết định số 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giao.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được việc thực hiện các chính sách về BHXH, BHTY, BHTN trên địa bàn tỉnh còn có một số vấn đề cần quan tâm: Công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách về BHXH, BHYT, BHTN chưa sâu sắc, toàn diện chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đối tượng tham gia BHXH có tăng nhưng tỷ lệ bao phủ còn thấp, tốc độ tăng chậm, năm 2012 tỷ lệ toàn tỉnh mới đạt 13% và đến hết năm 2016 đạt 14,5%, thấp hơn tỷ lệ bình quân toàn quốc (23%). Đối tượng tham gia BHTN tăng nhanh nhưng tỷ lệ bao phủ còn thấp, tính đến hết năm 2016 tỷ lệ bao phủ toàn tỉnh mới đạt 12%, thấp hơn tỷ lệ bình quân toàn quốc (20%). Mặc dù tỷ lệ bao phủ BHYT đã đạt chỉ giao, tuy nhiên trên 80% người tham gia là đối tượng được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng BHYT; tỷ lệ tham gia BHYT theo hộ gia đình có tăng nhưng số lượng tham gia còn thấp, năm 2016 là 32.644 người chiếm 4,7% tổng số người tham gia BHYT toàn tỉnh... 

Để đạt được mục tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT đến năm 2020 tối thiểu là 98,8% và 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BHTN, trong thời gian tới, đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ và giải pháp đó là: 
Thứ nhất, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kiên trì thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội nói chung và các chính sách về bảo hiểm nói riêng; trước mắt, tiến hành rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và đề xuất giải pháp để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giai đoạn 2012 - 2020” và Chương trình hành động số 119-CTr/TU, ngày 07/6/2013 của Tỉnh ủy Lào Cai về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020 trên địa bàn tỉnh. 

Thứ hai, nghiên cứu đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, vận động phù hợp với đối tượng, vùng miền. Kết hợp đồng bộ 4 loại hình tuyên truyền (tuyên truyền miệng, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực quan và tuyên truyền bằng văn hóa văn nghệ); đặc biệt, sử dụng hiệu quả phương pháp tuyên truyền miệng, tăng cường đối thoại, giải thích làm rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của người tham gia bảo hiểm và các vấn đề mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm. Phát huy vai trò nòng cốt của các cơ quan báo chí, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, ban tuyên vận xã, tổ tuyên vận thôn, bản, đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng để tuyên truyền, vận động. Chú trọng tuyên truyền tại các xã vùng cao, vùng nông thôn, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh; tập trung vào các đối tượng nông dân, hộ gia đình cận nghèo, học sinh, sinh viên, chủ sử dụng lao động, nâng cao nhận thức người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT, BHTN để phát triển số người tham gia bền vững. 

Thứ ba, tăng cường công tác quản lý nhà nước về thực hiện các chính sách BHXH, BHYT, BHTN; hạn chế tình trạng nợ đọng để bảo vệ quyền lợi của người lao động; duy trì các giải pháp kiểm soát nguồn quỹ, hạn chế tình trạng bội chi quỹ BHYT. Nghiên cứu đề xuất giải pháp kiểm soát và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm chính sách về bảo hiểm, đặc biệt là kiểm soát mối quan hệ bất hợp pháp giữa thầy thuốc, người tham gia bảo hiểm và nhân viên bảo hiểm y tế để chuộc lợi từ quỹ BHYT; đồng thời, thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng, biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện các chính sách về bảo hiểm nói chung.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức ngành BHXH, Y tế giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, thân thiện, có khả năng tuyên truyền, tư vấn chế độ, chính sách cho người thụ hưởng và đơn vị sử dụng lao động. Ngành Y tế cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh của BHYT.

Thứ năm, thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí, đơn vị quản lý người lao động và các cơ quan liên quan, chủ động, tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách về bảo hiểm trong cộng đồng, đồng thời vận động các đối tượng tham gia bảo đảm mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Tin tưởng rằng, với quyết tâm cao của hệ thống chính, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, các chính sách BHXH, BHYT, BHTN tiếp tục được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn./.

Đoàn Ngọc Tuyến
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất