(TG) - Ngày 23/4, tại Hà Nội, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ tám, cho ý kiến thẩm tra về các nội dung liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Ủy ban sẽ được trình tại Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội vào tháng 5/2018.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì Phiên họp.
Ủy ban về các vấn đề xã hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo về tình hình thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2017; tình hình thực hiện Nghị quyết số 1083/2015/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2016-2018, việc ngân sách nhà nước chuyển kinh phí vào quỹ Bảo hiểm xã hội và đề xuất chi phí quản lý Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019-2021.
Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, đến ngày 31.12.2017, tổng số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 13.591.492 người, tăng 5,76% so với năm 2016, đạt kế hoạch đề ra nhưng mới bao phủ được 25,8% lực lượng lao động, tỷ lệ tăng thấp hơn so với năm 2016. Số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng 11,59% so với năm 2016 nhưng mới chỉ đạt 78% kế hoạch. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng 6,46% so với năm 2016, thấp hơn tốc độ tăng của năm 2016. Bộ trưởng đánh giá việc thu chi các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện đúng pháp luật, bảo đảm cân đối quỹ; chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tổ chức bộ máy tuân thủ định mức chi tiêu theo quy định của pháp luật...
Đối với chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2016 – 2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, cải cách hành chính trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội đã đạt được nhiều kết quả đột phá, đã cung cấp được 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4. Theo Bộ trưởng, cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tăng 18 bậc so với năm 2016, vươn lên vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng chung của 25 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công, góp phần tăng thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng mức độ thuận lợi về môi trường kinh doanh.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến đánh giá vẫn còn tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; hiệu quả tuyên truyền chưa đạt kết quả như mong muốn; việc thúc đẩy mở rộng diện bao phủ còn chậm và chưa có giải pháp đột phá để thu hút các đối tượng tham gia, góp phần mở rộng nhanh diện bao phủ bảo hiểm xã hội như mục tiêu. Đặc biệt, việc phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn và phi chính thức chưa được quan tâm đúng mức. Một số chính sách mới được áp dụng từ ngày 1/1/2018 nhưng chưa được hướng dẫn kịp thời dẫn đến lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện. Tình trạng chậm đóng hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội xảy ra ở hầu hết các địa phương... Một số ý kiến cho rằng, việc giao dự toán chi phí quản lý theo tỷ lệ phần trăm tính trên dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và thu bảo hiểm y tế cũng là một trong những yếu tố dẫn đến việc chưa bảo đảm yêu cầu tiết kiệm đối với các khoản chi cho hoạt động quản lý bộ máy, chi cho con người, chưa khuyến khích ưu tiên đầu tư cho công nghệ thông tin, cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, các nội dung về đổi mới, nâng cao hiệu quả cơ chế quản lý, sử dụng chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp, tổ chức bộ máy bảo hiểm xã hội theo vị trí việc làm cũng chưa được Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm đúng mức.
Kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện Luật, đặc biệt là đối với công tác phát triển đối tượng, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động… và công tác chỉ đạo, điều hành ở các địa phương.
Chính phủ bảo đảm thực hiện đúng phương án đã cam kết về lộ trình chuyển kinh phí từ ngân sách nhà nước hàng năm vào quỹ Bảo hiểm xã hội để đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 1/1/1995 theo đúng quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và hoàn thành vào năm 2020 theo Nghị quyết số 1083 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan có liên quan nghiêm túc thực hiện đầy đủ các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về tình hình quản lý, sử dụng quỹ Bảo hiểm xã hội và xử lý thu hồi nợ quá hạn đối với các khoản cho vay đầu tư từ kết dư quỹ; khẩn trương ban hành nghị định hướng dẫn việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.../.
bảo hiểm xã hội; dự án luật