Thứ Hai, 30/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 16/12/2013 17:3'(GMT+7)

Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và tham tán thương mại

Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2013 là cơ hội để các doanh nghiệp tìm hiểu về thị trường nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu. (Ảnh minh họa).

Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2013 là cơ hội để các doanh nghiệp tìm hiểu về thị trường nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu. (Ảnh minh họa).

Ngày 16/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức buổi gặp mặt các Tham tán Công sứ, Tham tán thương mại phụ trách các Thương vụ và chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chủ trì buổi gặp mặt.

Tại chương trình, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã thông báo những nét khái quát về kết quả hoạt động của ngành Công Thương năm 2013, định hướng phát triển ngành năm 2014 và trao đổi, quán triệt nhiệm vụ đối với các đồng chí Tham tán Công sứ, Tham tán thương mại phụ trách các Thương vụ và chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.

Thời gian qua, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, quán triệt sâu sắc các nghị quyết Đảng, Quốc hội và Chính phủ về các giải pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế, Bộ Công Thương đã tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành, đồng thời chủ động tham mưu kịp thời với Chính phủ nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội cũng như phát triển ngành. Nhờ đó, ngành công thương đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại

Hàng hóa xuất khẩu của ta đã có mặt trên thị trường của gần 200 nước và vùng lãnh thổ. Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, các nước ASEAN thì xuất khẩu của nước ta sang thị trường mới như Châu Phi, Trung Đông, Mỹ La-tinh đã có bước phát triển.

Hoạt động điều hành nhập khẩu trong thời gian vừa qua đã đảm bảo cho nhu cầu sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, hạn chế các tác động tiêu cực của biến động giá cả thế giới tới sản xuất trong nước, đồng thời tập trung kiểm soát nhập khẩu những mặt hàng không thiết yếu, góp phần từng bước giảm nhập siêu với tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá cả năm ước đạt khoảng 132,5 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm 2012, nhập siêu cả năm ước khoảng 500 triệu, bằng 0,38% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn mục tiêu của Quốc hội giao (là 8%), có nghĩa là cán cân thương mại năm 2013 về cơ bản là cân bằng.

Về hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ Công Thương đã chủ động tham mưu đề xuất với Chính phủ để Việt Nam đàm phán, ký kết nhiều Hiệp định kinh tế, thương mại với các đối tác thương mại lớn, quan trọng trên thế giới; tham gia vào các FTA song phương và khu vực; đang đàm phán TPP và chủ động trong bảo vệ lợi ích của Việt Nam trong các diễn đàn của WTO, tích cực tham gia vận động nhiều nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường; chủ động chủ trì và tham gia xử lý có hiệu quả các rào cản kỹ thuật của các đối tác thương mại, chủ động khởi kiện đối với hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu vi phạm pháp luật, phòng vệ thương mại và vận hành tốt hệ thống cảnh báo sớm nguy cơ hàng xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra áp dụng các biện pháp chống bán phá giá. Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào các hoạt động hội nhập quốc tế, ngày càng có tiếng nói quan trọng với ý thức trách nhiệm cao trong các diễn đàn khu vực và thế giới, do đó đã góp phần mở rộng thị trường và tạo ra cơ hội lớn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Xuất nhập khẩu của nước ta thời gian qua đã có bước phát triển đáng kể, quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá đều đạt và vượt các chỉ tiêu đặt ra. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá cả năm ước đạt khoảng 132 tỷ USD, tăng 15,3% so với năm 2012, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch của Quốc hội đề ra (là 126,1 tỷ USD, tăng 10%). Mặc dù trong năm, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn như giá xuất khẩu một số mặt hàng giảm, thị trường xuất khẩu tại một số địa bàn bị thu hẹp..., song nhờ thích ứng tốt, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã đạt kim ngạch xuất khẩu cao, vượt mục tiêu đề ra, như: dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện.... Điều này đã phản ánh năng lực sản xuất hàng xuất khẩu của nền kinh tế ngày càng được mở rộng, cơ cấu hàng xuất khẩu từng bước đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng các sản phẩm qua chế  biến.

Sản xuất công nghiệp đang trên đà phục hồi, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Năm 2013, chỉ số sản xuất công nghiệp dự kiến cả năm tăng 5,6% so với cùng kỳ, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái (năm 2012 tăng 4,8% so với năm 2011), thể hiện được sự cố gắng của toàn ngành, nhất là của đội ngũ các doanh nhân Việt Nam. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong lĩnh vực công nghiệp đã tập trung phát triển các ngành có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng; sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông-lâm-thuỷ sản được quan tâm hỗ trợ phát triển. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 60,2% năm 2010 lên khoảng 78% năm 2013. Tình hình hàng tồn kho, hàng ứ đọng trong doanh nghiệp nhìn chung đã có chuyển biến tích cực, chỉ số tồn kho trong lĩnh vực chế biến, chế tạo đã giảm dần.

Bình ổn được thị trường trong nước với hàng Việt. Cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, đáp ứng đủ các nhu cầu về sản xuất và tiêu dùng của mọi tầng lớp dân cư, không để xảy ra tình trạng sốt giá do thiếu, khan hiếm hàng hóa. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trong nước được triển khai tích cực cùng với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã từng bước góp phần tạo nên sự thay đổi trong nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt Nam. Quy mô thị trường trong nước không ngừng nâng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 14% so với năm 2012.

Trong năm 2014, để thúc đẩy xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng trên 10%, ngành Công Thương xác định:

Thứ nhất, phát triển xuất khẩu các mặt hàng mới là các mặt hàng chế tạo có công nghệ trung bình và công nghệ cao, phù hợp với xu hướng tiêu thụ của thị trường thế giới và định hướng chiến lược xuất khẩu với lợi thế của Việt Nam, đây được coi là khâu đột phá;

Thứ hai, tiếp tục tập trung phát triển xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động sẵn có như thuỷ sản, nông sản, dệt may, điện tử, các sản phẩm chế tác công nghệ trung bình... trong đó, cần tăng dần tỷ trọng các mặt hàng công nghiệp mới có giá trị gia tăng cao, trên cơ sở thu hút mạnh đầu tư trong nước và nước ngoài vào lĩnh vực này;

Thứ ba, không khuyến khích và có lộ trình phù hợp hạn chế đầu tư sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp hoặc lĩnh vực sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Chú trọng phát triển các mặt hàng xuất khẩu thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên thiên nhiên;

Thứ tư, tập trung phát triển thị trường cho các sản phẩm có sức cạnh tranh lớn, có giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch lớn. Trong đó sẽ tập trung khai thác cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Ấn Độ... đồng thời khai thác các thị trường tiềm năng như Nga, Đông Âu, Châu Phi, Trung Đông và Mỹ La tinh./.

Duy Hưng



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất