Thứ Ba, 17/12/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 14/12/2013 22:41'(GMT+7)

Tăng thu hút các dự án ODA, NGO vào vùng Tây Bắc

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

14/12, tại Phú Thọ, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tỉnh Phú Thọ đã phối hợp tổ chức Hội nghị chuyên đề "Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút các dự án ODA, NGO vào vùng Tây Bắc".

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ kinh tế Việt Nam đã vượt qua nhiều thử thách và đang dần phục hồi. Năm 2013, tăng trưởng GDP đạt 5,4%, thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 2.000 USD.

Nhiều mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đặt ra đến 2015 đã đạt được, nhất là mục tiêu xóa đói giảm nghèo, bình quân giảm trên 2%/năm và tỷ lệ hộ nghèo năm 2013 còn khoảng 7,8%. Thành tích này có sự đóng góp quan trọng từ các nguồn lực ODA, NGO mà quốc tế đã dành cho Việt Nam, trong đó có vùng Tây Bắc.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Đảng và Nhà nước đã dành cho vùng Tây Bắc sự quan tâm sâu sắc với nhiều chính sách ưu tiên về phát triển kinh tế-xã hội, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, Tây Bắc hiện nay vẫn là vùng còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Chất lượng điều hành kinh tế địa phương cũng còn nhiều bất cập. Công tác quản lý nhà nước, quảng bá và thu hút đầu tư còn hạn chế, môi trường kinh doanh chưa thuận lợi.

Trong bối cảnh đó, Hội nghị chuyên đề “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút các dự án ODA, NGO vào vùng Tây Bắc” là sự kiện quan trọng có ý nghĩa thiết thực.

Để khai thác tiềm năng, thế mạnh và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Bắc bền chặt, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ, ngành liên quan, các tỉnh trong vùng cần tiếp tục cải tiến công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch, tổ chức thực hiện các cơ chế chính sách của Nhà nước để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút nhà đầu tư vào vùng Tây Bắc.

Các Bộ, ngành liên quan tích cực đổi mới công tác quản lý, tổ chức thực hiện các giải pháp đồng bộ đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các dự án ODA, NGO phát triển vùng Tây Bắc, nhất là giải quyết các vấn đề về quyền sử dụng đất đai, quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản, xúc tiến thương mại, du lịch...

Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương cần tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội cho phù hợp với yêu cầu thực tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo yêu cầu đơn giản, tiện lợi, đảm bảo sự bình đẳng, công khai, minh bạch trong quá trình vận động, thu hút đầu tư.

Tại Hội nghị, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp, chính quyền địa phương... đã báo cáo, tham luận, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các dự án ODA, NGO vào vùng Tây Bắc; mô hình thích hợp để thiết lập quan hệ hợp tác, liên kết hiệu quả, bền chặt trong vùng Tây Bắc; khắc phục các mặt hạn chế và khai thác tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc...

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Bắc và các bộ, ngành, Tây Bắc có diện tích đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước với trên 8 triệu hécta, có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái và có điều kiện để phát triển lâm nghiệp hàng hóa.

Diện tích mặt nước hồ trong vùng trên 95 nghìn hécta và hệ thống sông, suối dày đặc đã tạo nên một tiềm năng về thủy điện lớn nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, với lợi thế về địa hình, khí hậu, vùng Tây Bắc có thể phát triển trang trại nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao như: cá hồi, cá tầm, cá tiểu bạc...

Tây Bắc là vùng có nhiều loại kháng sản, với trữ lượng lớn nhất cả nước phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và cả nước. Vùng Tây Bắc có nhiều điểm du lịch sinh thái, du lịch lịch sử nổi tiếng gắn với lễ hội, phong cảnh đẹp như Điện Biên Phủ (Điện Biên), Đền Hùng (Phú Thọ), Tân Trào (Tuyên Quang), Pắc Bó (Cao Bằng), khu nghỉ mát Sa Pa (Lào Cai), công viên địa chất toàn cầu - cao nguyên đá Hà Giang...

Từ năm 2008 đến ngày 18/11/2013, tổng vốn ODA được ký kết đạt khoảng trên 2 tỷ USD, góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội và xóa đói giảm nghèo của vùng Tây Bắc. Cả vùng hiện có khoảng 15.000 doanh nghiệp đang hoạt động.

Bộ Ngoại giao đã hỗ trợ các tỉnh Tây Bắc mở rộng thu hút về nguồn vốn đầu tư dưới các hình thức như quảng bá hình ảnh, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh từng vùng, đồng thời kêu gọi các nước viện trợ cho những dự án phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội thông qua mạng lưới cơ quan đại diện; đồng thời giúp thẩm định các đối tác trong địa bàn mà các địa phương quan tâm hợp tác, liên doanh.../.

Nguyễn Cường (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất