Thứ Bảy, 27/7/2024
Y tế - Dân số
Thứ Năm, 26/9/2019 11:21'(GMT+7)

Tăng cường nhận thức của cộng đồng về dự phòng bệnh dại

phòng bệnh bằng vắc xin dại là biện pháp quan trọng

phòng bệnh bằng vắc xin dại là biện pháp quan trọng

Bệnh dại vẫn là thách thức trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Bệnh Dại (Rabies) là bệnh lây truyền chung giữa động vật và người, do vi rút Dại gây ra. Vi rút dại xâm nhập vào cơ thể chủ yếu thông qua vết cắn, được nhân lên và hướng tới hệ thần kinh, phá hủy mô thần kinh, gây nên những kích động điên dại và kết thúc bằng cái chết. Vi rút dại có nhiều trong nước bọt của chó, mèo và động vật mắc bệnh, kể cả khi con vật chưa có dấu hiệu lâm sàng.

Mặc dù đã có nhiều thành công trong nghiên cứu và khống chế bệnh dại nhưng đến nay bệnh dại vẫn là một vấn đề y tế công cộng cần quan tâm trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có 50.000 - 70.000 người tử vong do bệnh dại và trên 10 triệu người phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại. Bệnh dại đã ghi nhận ở hơn 150 quốc gia, lãnh thổ và khu vực. Bệnh gây tử vong khi các triệu chứng biểu hiện trên cả người và động vật.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và khi đã mắc bệnh thì tỷ lệ tử vong gần như 100%. Bệnh dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất và hầu hết các trường hợp tử vong là do không tiêm vắc xin phòng dại sau khi bị động vật cắn. Các trường hợp tử vong do dại thường do thiếu hiểu biết về phòng chống bệnh dại, không đi tiêm phòng vắc xin và gặp chủ yếu ở vùng nông thôn nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vắc xin cho đàn chó. 

Tại Việt Nam, bệnh dại đã lưu hành trong nhiều năm, số ca tử vong do dại luôn giữ vị trí cao nhất và chiếm khoảng 50% các ca tử vong do các bệnh truyền nhiễm gây dịch trên người. Những ca tử vong do dại là một trong những tử vong đau thương nhất vì khiến cho người bệnh đau đớn và tỉnh táo đến lúc chết, ngoài ra còn để lại những tổn thương tâm lý nặng nề cho người thân và cộng đồng. Cùng với con số tử vong đó, hàng năm có trung bình khoảng 500.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại, phí tổn tiền vắc xin ước tính hơn xấp xỉ 1.000 tỷ đồng mỗi năm, ngoài ra còn gây tổn thất đến sức khỏe, tinh thần của người dân.

Thời gian qua, công tác phòng chống bệnh dại tại Việt Nam đã được quan tâm đẩy mạnh và đạt một số kết quả nhất định. Được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã phối hợp xây dựng Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh Dại giai đoạn 2017-2021 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 193-QĐ-TTg ngày 13/02/2017. Tiếp đó ngày 06/7/2017, Chính phủ ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg yêu cầu tất cả các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh Dại trên toàn quốc.

Với những nỗ lực đó, trong những năm 2015, 2016, 2017, số ca tử vong do dại đã giảm liên tiếp. Tuy nhiên, kết quả đạt được trong phòng, chống bệnh dại vẫn chưa được như mong muốn với diễn biến giảm tử vong chưa bền vững và ổn định, bệnh dại vẫn là vấn đề thách thức trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Năm 2018, tình hình bệnh dại đột ngột có diễn biến phức tạp với số người tử vong do dại là 103, tăng hơn so với năm 2017 là 29 ca (39%). Hầu hết các trường hợp tử vong do dại tập trung tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ (chiếm hơn 80%) với nguyên nhân chủ yếu do công tác phòng chống dại còn nhiều khó khăn, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên người và động vật còn thấp.

Năm nay, dịch bệnh xuất hiện và tăng mạnh ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại. Theo Cục Y tế dự phòng và Cục Thú y, hiện nay, ở Việt Nam bệnh dại còn xuất hiện trên nhiều tỉnh, thành phố trong toàn quốc.

Theo chương trình khống chế và loại trừ bệnh dại trên người, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, tính từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 46 người bị chết vì bệnh dại tại 24 tỉnh, thành phố, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 (50 ca). Tuy nhiên, dịch bệnh xuất hiện và tăng mạnh ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại.

Nhận thức và tham gia của cộng đồng là “chìa khóa” then chốt

Để phòng, chống bệnh dại đạt kết quả ổn định và bền vững, tiến tới loại trừ bệnh dại, Việt Nam cần nỗ lực và đầu tư nhiều hơn nữa nhằm cải thiện nhận thức cho cộng đồng, thực hiện các biện pháp phòng, chống nhằm giảm thiểu nguy cơ bệnh dại ở người.

Nhận thức và tham gia của cộng đồng là chìa khóa then chốt cho sự thành công trong công tác phòng chống bệnh dại. Qua điều tra, giám sát của Chương trình khống chế và loại trừ bệnh dại trên người cho thấy nhận thức của cộng đồng về các biện pháp phòng, chống bệnh hiệu quả và sự nguy hiểm của bệnh dại còn thấp. Nhiều trường hợp tử vong vô cùng đáng tiếc do người dân chủ quan không tiêm phòng vắc xin dại khi bị chó, mèo bị bệnh cắn hoặc điều trị bằng các biện pháp chưa được phê duyệt (như thuốc nam).

Vì vậy, đẩy mạnh truyền thông và truyền thông hiệu quả là biện pháp cực kỳ quan trọng với chi phí hợp lý góp phần giảm những ca tử vong đáng tiếc do dại. Tập trung vào công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống bệnh dại và đặc biệtlà ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành. Người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn khi bị chó mèo nghi dại cắn; tuyệt đối không sử dụng thuốc nam.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, phòng bệnh bằng vắc xin dại cho người và động vật là biện pháp quan trọng để ngăn ngừa tử vong do bệnh dại ở người. Ngành y tế, ngành thú ý cần tăng số điểm tiêm vắc xin và tăng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ chăm sóc y tế, nâng cao tỷ lệ tiêm vắc xin dại cho đàn chó.

Phòng, chống và loại trừ bệnh dại cần có sự hợp tác hiệu quả giữa các ngành Y tế và ngành Thú y. Để tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh dại, đòi hỏi không chỉ nỗ lực của riêng ngành y tế hoặc ngành nông nghiệp mà cần có sự cam kết và sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền các cấp cùng với việc phân bổ nguồn lực thích hợp cho công tác phòng, chống dại cũng như sự tham gia của toàn bộ cộng đồng bên cạnh những giải pháp kỹ thuật đặc thù.

Lan Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất