Thứ Bảy, 27/7/2024
Y tế - Dân số
Thứ Hai, 23/9/2019 10:16'(GMT+7)

Chủ động tránh thai, trách nhiệm không của riêng ai

Ông Nguyễn Doãn Tú-Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ phát biểu tại Hội thảo (ảnh DP)

Ông Nguyễn Doãn Tú-Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ phát biểu tại Hội thảo (ảnh DP)

Nhân kỷ niệm lần thứ 12, Ngày Tránh thai Thế giới (26/9), sáng ngày 23/9/2019, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ (HLHPN) Việt Nam đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Chủ động tránh thai, trách nhiệm không của riêng ai”.

Dự và chủ trì Hội nghị có ông Nguyễn Doãn Tú-Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ; bà Nguyễn Thị Tuyết-Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; cùng đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương các Chi cục DS - KHHGĐ các tỉnh/thành phố cùng đại diện cán bộ làm công tác dân số.

Cách đây đúng 12 năm, vào ngày 26/9/2007, Ngày Tránh thai Thế giới đã được tổ chức lần đầu tiên tại Châu Âu và tính đến nay phong trào hưởng ứng Ngày Tránh thai Thế giới đã nhận được sự ủng hộ và tham gia của 16 tổ chức phi chính phủ và các hiệp hội khoa học, y khoa quốc tế quan tâm đến sức khỏe sinh sản trên toàn thế giới.

Ngày tránh thai Thế giới có ý nghĩa như một Chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, đồng thời khuyến khích tất cả mọi người đều có thể chủ động hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.

Mục tiêu của Ngày tránh thai Thế giới nhằm cải thiện nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội đặc biệt là giới trẻ, nhóm vị thành niên, thanh niên (VTN/TN), phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ về tất cả các biện pháp tránh thai (BPTT) để giúp họ có sự lựa chọn sáng suốt về sức khỏe giới tính và sức khỏe sinh sản.

Theo báo cáo của Tổng cục DS-KHHGĐ tại Hội thảo cho biết: Xuất phát từ kết quả các cuộc khảo sát đa quốc gia về thăm dò thái độ của giới trẻ trong quan hệ tình dục tại châu Âu vào những năm đầu thế kỷ 21 cho thấy mức độ đáng báo động về quan hệ tình dục không được bảo vệ cũng như kiến thức, hiểu biết về các (BPTT) còn thiếu hụt trong giới trẻ. Bên cạnh đó, các chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản (SKSS), giới tính trong hệ thống nhà trường không đủ để cung cấp thông tin một cách toàn diện về vấn đề này. Điều đó dẫn đến hàng năm có tới 1/3 trong số trên 205 triệu trường hợp mang thai trên thế giới là mang thai ngoài ý muốn, 36% độ tuổi vị thành niên cho biết có quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ, trong khi tỷ lệ bệnh lây truyền qua đường tình dục cao nhất ở độ tuổi dưới 25.

Phát biểu tại Hội thảo ông Nguyễn Doãn Tú-Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết: Hiện nay, dân số Việt Nam hơn 96 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số từ trên 2%/năm 1993 đã giảm xuống còn 1,07% năm 2017. Trong đó số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) là trên 24,2 triệu người. Trung bình mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng gần 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) vẫn sẽ tiếp tục gia tăng và dự báo sẽ đạt cực đại vào năm 2027 – 2028. Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng BPTT năm 2017 là 76,5%, trong đó tỷ lệ sử dụng các BPTT hiện đại là 65,4%.

Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng các PTTT tiếp tục tăng.  Đặc biệt VTN/TN cần được quan tâm hơn. Họ là những đối tượng phải đương đầu với nhiều nguy cơ và thách thức liên quan đến SKSS, sức khỏe tình dục như: Họ thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết để chăm sóc bản thân. Tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở VTN/TN còn cao. Tình trạng phá thai lặp lại còn khá phổ biến; tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng, dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ còn một số hạn chế.

Ông Trần Doãn Tú-Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ khẳng định: Để giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về KHHGĐ và để mang lại hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất phòng tránh thai mang lại rất nhiều lợi ích như:

Lợi ích đầu tiên và dễ nhận thấy nhất là chủ động trong việc sinh con. Lợi ích của việc phòng tránh thai sẽ giúp phụ nữ chủ động trong việc sinh đẻ của mình như chủ động trong thời gian sinh đẻ, khoảng cách sinh và số lượng con sinh ra.

Tránh được những tai biến sản khoa và không bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nhờ việc không sinh con sớm, quá dày, quá nhiều hay quá muộn, đặc biệt khi người phụ nữ chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn sinh lý nên sẽ hạn chế được các tai biến cho bà mẹ và thai nhi. Đẻ quá muộn thì làm tăng tỉ lệ dị tật thai. Đẻ quá nhiều và dày khiến cho phụ nữ hao mòn, dễ bị tai biến khi sinh đẻ, thậm chí là chết lưu và suy dinh dưỡng.

Phòng tránh thai giúp nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Lợi ích của việc phòng tránh thai giúp mỗi gia đình có đủ 2 con, không sinh quá nhiều. Từ đó, có điều kiện để chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn. Nâng cao được đời sống, kinh tế của mỗi gia đình. Do có sức khỏe, văn hóa và kinh tế tốt, chị em phụ nữ và các cặp vợ chồng có đủ điều kiện để thực hiện quyền hưởng thụ và bồi dưỡng sức khỏe tình dục, SKSS.

Trong diễn đàn của Hội thảo ngày hôm nay có phần báo cáo các kết quả đạt được của Chương trình truyền thông xã hội về các kết quả đạt được cho kế hoạch dài hạn 3 năm với chủ đề “Là phụ nữ tôi chọn sống chủ động” do Tổng cục DS-KHHGĐ và Hội LHPN Việt Nam thực hiện với sự tham gia góp sức của Bayer Việt Nam.

Dựa vào cam kết đồng hành 3 năm từ năm 2017 của ba đơn vị nêu trên, trong hội thảo cũng có bài báo cáo điểm qua những thành tự đã đạt được của một chương trình quy mô quốc gia được tổ chức bài bản quy củ và luôn được nhân rộng mô hình và hoàn thiện về nội dung trong vòng 3 năm qua.

Các đại biểu tham dự Hội thảo ký cam kết chung tay tuyên truyền vì sức khỏe sinh sản phụ nữ Việt Nam. (ảnh DP)

Trong đó, năm 2017 chương trình ““Là phụ nữ tôi chọn sống chủ động” đã tổ chức liên tiếp 12 hội thảo chuyên đề phổ cập kiến thức phòng tránh thai tại 12 tỉnh thành với hơn 1.200 chị em là cán bộ nồng cốt của HLHPN Việt Nam tham gia. Song song đó, kênh truyền thông trực tuyến cũng là một phương tiện giúp chị em kiểm tra kiến thức về phòng tránh thai với nguồn thông tin xác tín cũng được cập nhật và tạo ra phong trào thi đua sôi nổi trên cả nước với hơn 428,000 chị em phụ nữ tham gia cuộc thi online “Hiểu về tránh thai”.

Để tiếp nối những thành công đó và với mong muốn có thể mang những kiến thức chuyên sâu về tránh thai đến với chị em phụ nữ trên cả nước, Tổng cục DS-KHHGĐ tiếp tục nhân rộng mô hình hội thảo tư vấn và giao lưu chuyên sâu đến các đối tượng là các bộ dân số địa phương. Mô hình hội thảo tập trung cấp tỉnh giúp cho cán bộ dân số đang làm việc tại địa phương có thêm động lực, hiểu rõ về công việc mình đang làm và có niềm tin trong thực hiện các nỗ lực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho từng cán bộ dân số đến mỗi người dân.

Với kế hoạch dài hạn trong năm 2018, bước đầu 15 buổi hội thảo có 300 cán bộ phụ nữ, 1.200 các bộ dân số và 17 hội thảo tại các trường đại học với 5,100 sinh viên cả nước tham gia tập huấn chuyên sâu nhằm cung cấp những thông tin khoa học chính xác và cập nhật về các PTTT hiện đại, trong đó có thuốc tránh thai đến các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ có nhu cầu tránh thai đã được cập nhật và truyền thông đúng mực. Sau khi chương trình diễn ra tại các địa phương đã có những phản hồi rất tích cực, cũng như nhận được sự ủng hộ biểu dương của các cơ quan báo đài địa phương và có hơn 15 triệu chị em phụ nữ trên cả nước được tuyên truyền về sức khỏe sinh sản.

Song song với các hoạt động trên là các hoạt động truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cuộc thi online “Hiểu về tránh thai” vẫn được tiếp tục triển khai. Và để tôn vinh những đóng góp không mệt mỏi của các cán bộ dân số, trong năm 2018, chương trình đã tổ chức cuộc thi "Cùng viết nên câu chuyện truyền cảm hứng" dành cho các cán bộ dân số bước đầu được hưởng ứng nồng nhiệt.

Dự kiến, trong năm 2019, với 18 chương trình hội thảo sẽ có 300 cán bộ phụ nữ, 1.500 cán bộ dân số cả nước và 17 hội thảo tại các trường đại học với 5,100 sinh viên tham gia chương trình. Và kết thúc năm 2019 chương trình sẽ có hơn 25 triệu chị em phụ nữ trên khắp cả nước sẽ trực tiếp được chính những cán bộ dân số tư vấn trực tiếp bài bản về cách lựa chọn các phương pháp tránh thai phù hợp.

Để thuận tiện hơn cho các cán bộ dân số cũng như chị em phụ nữ tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, chương trình cho ra mắt App Mobile với tên “Sống chủ động”, đây nơi tổng hợp đầy đủ tất cả các kiến thức về sức khỏe sinh sản, các phương pháp ngừa thai, cũng là nơi giao lưu với các chuyên gia hang đầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản. Các bạn có thể tải app trên cả nền tảng Android và IOs kể từ ngày 26/9/2019.

Trong thời gian tới việc thực hiện các mục tiêu về KHHGĐ vẫn tiếp tục là một nội dung quan trọng của công tác dân số. Mục tiêu chính là đảm bảo đáp ứng đầy đủ và đa dạng các PTTT, xã hội hóa dịch vụ và các PTTT./.

Thông điệp đưa ra tại Hội thảo đó là:

1. Phụ nữ cần nắm vững thông tin về các biện pháp tránh thai để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình.
2. Phá thai không phải là biện pháp tránh thai. Hãy chủ động sử dụng biện pháp tránh thai để phòng mang thai ngoài ý muốn.
3. Hãy tham gia tư vấn tránh thai để tránh mang thai ngoài ý muốn.
4. Kế hoạch hóa gia đình là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cặp vợ chồng.
5. Sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp là bảo vệ sức khỏe sinh sản.
6.  Không có biện pháp tránh thai nào là tốt nhất cho tất cả mọi người mà cần tư vấn tránh thai để giúp bạn lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp.
7. Thực hiện gia đình hai con, để nuôi khỏe dạy con ngoan và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. 

Duy Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất