Thứ Năm, 21/11/2024
Biển và Hải đảo Việt Nam
Thứ Hai, 13/5/2019 15:49'(GMT+7)

Tăng cường quản lý tổng hợp, thống nhất đối với biển và hải đảo ở Việt Nam

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển kinh tế biển dựa trên vùng biển rộng, bờ biển dài trên 3.200 km, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng gấp khoảng ba lần diện tích đất liền, với nhiều hệ sinh thái quan trọng và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng; có hơn 3.000 đảo trong khu vực Biển Đông, nơi có mạng lưới vận chuyển hàng hóa bằng đường biển năng động bậc nhất trên thế giới.

Vì vậy, việc quản lý tổng hợp, thống nhất đối với biển và hải đảo nước ta có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội biển và bảo đảm an ninh biển, sức mạnh quốc phòng trong thế kỷ XXI - “Thế kỷ của Đại dương”.

QUẢN LÝ TỔNG HỢP, THỐNG NHẤT ĐỐI VỚI BIỂN VÀ HẢI ĐẢO LÀ YÊU CẦU KHÁCH QUAN

Không gian biển, đảo khác với không gian trên đất liền, có sự khác nhau về kiểu loại, cơ cấu tài nguyên thiên nhiên và đòi hỏi phải có phương thức khai thác, sử dụng, quản lý thích hợp. Để quản lý biển, đảo đạt hiệu quả cần thiết phải dựa trên cách tiếp cận và phương pháp tư duy khoa học hệ thống, dựa vào không gian và cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng trong bối cảnh phát triển đa ngành, đa mục tiêu.

Về bản chất, quản lý nhà nước tổng hợp về khai thác biển, hải đảo không thay thế quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, địa phương, mà đóng vai trò điều chỉnh và kết nối các hành vi phát triển (khai thác, sử dụng) của các ngành, lĩnh vực, địa phương, người hưởng dụng biển, vùng ven biển, hải đảo trong phạm vi vùng biển chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Quản lý tổng hợp là quản lý liên ngành, liên vùng trên cơ sở một đầu mối, còn gọi là quản lý tổng hợp và thống nhất. Trên cơ sở đó, thực hiện nguyên tắc thống nhất quản lý nhà nước đối với biển, vùng ven biển và hải đảo.

Quản lý tổng hợp đối với biển, hải đảo là việc hoạch định, tổ chức thực hiện các chính sách, cơ chế, công cụ điều phối liên ngành, liên vùng để bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng hiệu quả, duy trì chức năng, cấu trúc của hệ sinh thái nhằm phát triển bền vững, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển, góp phần quan trọng trong bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Thống nhất quản lý nhà nước đối với biển, hải đảo là một nguyên tắc cơ bản, bao trùm, xuyên suốt và yêu cầu: i) Chỉ có một cơ quan quyền lực chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý biển, hải đảo; ii) Chỉ có một đầu mối giúp Chính phủ thực hiện việc kiểm tra, giám sát về mặt nhà nước đối với tình hình khai thác biển, hải đảo; iii) Chỉ có một cơ quan chịu trách nhiệm tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương liên quan đến tình hình khai thác, sử dụng biển, hải đảo và trực tiếp trình Chính phủ; iv) Chỉ có một cơ quan làm đầu mối điều phối và phối hợp liên ngành trong tổ chức thực thi các công cụ quản lý, xử lý vi phạm... liên quan đến quản lý nhà nước về biển, hải đảo.

Thống nhất quản lý nhà nước đối với biển đảo là một yêu cầu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và được quy định thành một nguyên tắc trong Luật Biển Việt Nam năm 2012. Nguyên tắc này được tuân thủ và phát huy hiệu quả chỉ khi phương thức quản lý tổng hợp biển được thể chế hóa đầy đủ theo đúng nghĩa của nó.

Mục tiêu chung của quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo là bảo đảm phát triển đa ngành, sử dụng đa mục tiêu (tối ưu hóa) và bảo đảm đa lợi ích (các bên cùng có lợi) giữa Nhà nước, tư nhân, các bên liên quan và cộng đồng địa phương trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên vùng biển, ven biển và hải đảo. Để quản lý nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển, hải đảo phải xây dựng, áp dụng, thực thi các giải pháp và giải quyết các vấn đề mang tính liên ngành, liên vùng, liên kết với cộng đồng và các bên liên quan. Đồng thời phải quản lý biển theo không gian dựa trên cách tiếp cận hệ sinh thái với công cụ chính là “quy hoạch không gian biển”. Để đạt được các mục tiêu này thì nhiệm vụ hàng đầu của quản lý tổng hợp là phải thực hiện xây dựng chiến lược, chính sách, luật pháp, quy hoạch - kế hoạch và hệ thống tổ chức, cơ chế điều phối, chế tài giải quyết xung đột.

Cần khẳng định, triển khai thực hiện tốt phương thức quản lý tổng hợp, thống nhất sẽ bảo đảm tài nguyên trên biển, hải đảo được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững; huy động được tối đa các nguồn lực đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo… thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tổng hợp, đồng bộ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phục vụ phát triển kinh tế biển nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh, quốc phòng nói chung.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì chức năng quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo chưa được các luật thể chế hóa rõ ràng; công tác quy hoạch, nghiên cứu khoa học và hiểu biết về biển còn hạn chế; nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng vùng ven biển, hải đảo còn thiếu thốn, lạc hậu; chưa gắn kết nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường an ninh, quốc phòng, bảo vệ quyền lợi và lợi ích quốc gia trên biển; vẫn còn nhiều vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo; hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ biển, các cơ sở dự báo thiên tai từ biển đang bộc lộ những yếu kém, bất cập…

TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ TỔNG HỢP, THỐNG NHẤT ĐỐI VỚI BIỂN VÀ HẢI ĐẢO VIỆT NAM

Nhận thức rõ bối cảnh mới của tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều biến đổi nhanh chóng, khó lường và xác định rõ hơn, đầy đủ hơn vị trí, vai trò Chiến lược biển Việt Nam, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ra Nghị quyết về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Mục tiêu tổng quát và quan trọng hàng đầu của Chiến lược là “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển”.

Nghị quyết đã nêu rõ quan điểm chỉ đạo, bao gồm 5 nội dung chính yếu, trong đó xác định: Tăng cường quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.

Nghị quyết đề ra một số chủ trương lớn và khâu đột phá về phát triển kinh tế biển và ven biển. Phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai; nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.

Quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng và Nhà nước về kết hợp phát triển kinh tế biển với tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo, các cấp, các ngành cần dựa trên phương thức quản lý tổng hợp, thống nhất đối với biển và hải đảo nước ta nhằm đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế biển với tăng cường quốc phòng, an ninh từ trong quy hoạch, chương trình, dự án phát triển các lĩnh vực; tận dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực, vốn, thiết bị để đưa vào khai thác hiệu quả tài nguyên trên biển, hải đảo. Để làm được điều này và thực hiện hiệu quả phương thức quản lý tổng hợp, thống nhất đối với biển và hải đảo Việt Nam, thời gian tới, cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, cần xác định rõ, quy hoạch không gian biển là phương thức thực hiện tối ưu, quan trọng để quản lý tổng hợp, nguyên tắc thống nhất quản lý nhà nước đối với biển, hải đảo.

Quản lý nhà nước về biển, đảo là quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng các vùng biển, hải đảo với tài nguyên thiên nhiên theo cách tiếp cận không gian. Do đó, quy hoạch không gian biển phải là công cụ quan trọng để đạt được mục tiêu chung, để triển khai phương thức quản lý tổng hợp và thống nhất quản lý nhà nước đối với biển, hải đảo.

Theo đó, cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các quy hoạch liên quan đến biển, bảo đảm phù hợp với quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; đẩy nhanh quá trình xây dựng, ban hành Luật Khai thác, sử dụng các khu vực biển, Luật Quản lý vùng bờ.

Hoàn thiện và vận hành thông suốt cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất biển, hải đảo trên cơ sở phân vùng chức năng, quy hoạch không gian biển và thực hiện cơ chế giám sát tổng hợp là giải pháp quan trọng nhất để đẩy nhanh và nâng cao hiệu quả nghiên cứu điều tra cơ bản, khai thác, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển.

Thực hiện tốt phương thức quản lý tổng hợp, nguyên tắc thống nhất quản lý nhà nước đối với biển, hải đảo và quy hoạch không gian biển, chắc chắn sẽ tạo ra sự thay đổi mang tính “đột phá” trong công tác quản lý nhà nước về biển, đảo ở nước ta thời gian tới.

Thứ hai, xây dựng cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường biển, triển khai hiệu quả công tác quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ dựa trên cơ sở nghiên cứu các giải pháp khoa học - công nghệ mới trong quản lý, giám sát, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo.

Xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển, hải đảo; Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường biển, hải đảo. Chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính hướng tới một nền hành chính hiện đại, phục vụ xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên biển, phát triển bền vững kinh tế biển.

Giải quyết cơ bản các vấn đề mâu thuẫn, chồng chéo trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo trên quan điểm phát triển bền vững; loại bỏ các quy định bất cập; bổ sung quy định về những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển, hải đảo.

Bên cạnh đó, thực hiện các nhóm giải pháp góp phần phòng tránh thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên biển, đảo; dự báo, quan trắc, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển; phát triển các ngành kinh tế biển quan trọng như công nghiệp đóng tàu, cảng biển, nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản, dịch vụ biển…

Thứ ba, huy động các nguồn lực, tranh thủ nguồn vốn đầu tư của mọi thành phần kinh tế, đồng thời mở rộng, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế nhưng có lựa chọn trọng điểm để thu hút đầu tư của các nước, các tổ chức quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ và tiếp thu công nghệ hiện đại.

Việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế không chỉ để thu hút nguồn vốn, mà còn tiếp thu khoa học - công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm của các nước để xây dựng tiềm lực khoa học - công nghệ biển đủ mạnh phục vụ quản lý nhà nước về biển, hải đảo.

Cùng với công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học - công nghệ biển sẽ góp phần nâng cao hiểu biết về tiềm năng, lợi thế và tác động bất lợi từ biển, làm chủ các hoạt động trên biển, xác lập luận cứ khoa học, tạo cơ sở vững chắc cho việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững kinh tế biển và bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Đầu tư nâng cấp trang thiết bị chuyên ngành, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học nhằm nâng cao chất lượng điều tra cơ bản, khảo sát, kiểm soát, thăm dò, nghiên cứu biển, hải đảo, dự báo về tài nguyên và môi trường biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng; góp phần phát triển kinh tế biển “tiến mạnh ra biển và làm chủ vùng biển”, thực hiện thành công Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.

TS. Bùi Thanh Tuấn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất