Thứ Ba, 24/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 3/12/2016 15:33'(GMT+7)

Tăng cường thực hiện nghiêm việc quản lý, sử dụng hóa đơn

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Công tác quản lý, sử dụng hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ ở nước ta hiện nay có thể nói là còn khá lõng lẻo, thiếu hiệu quả. Theo quy định của Luật Quản lý Thuế năm 2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì việc quản lý, sử dụng hóa đơn được quy định rất chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều quy định việc quản lý, sử dụng hóa đơn chưa được thực hiện nghiêm túc, triệt để vì thế các vụ việc tiêu cực liên quan đến hóa đơn diễn ra khá phổ biến. Minh chứng rõ nhất là thói quen không sử dụng hóa đơn, không yêu cầu xuất trình hóa đơn khi bán hàng, cung cấp dịch vụ của người dân hay tình trạng khai khống, xuất hóa đơn khống nhằm chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp.

Việc không yêu cầu xuất hóa đơn, khai khống hóa đơn đã làm cho Nhà nước thất thu, thiệt hại một khoản ngân sách rất lớn, thậm chí nhiều vụ việc lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc chưa quản lý tốt hóa đơn cũng là nguyên nhân nảy sinh tiêu cực, tham nhũng, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Theo chúng tôi để việc quản lý, sử dụng hóa đơn hiệu quả, chặt chẽ, các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong toàn thể cán bộ và nhân dân khi mua hàng hóa, dịch vụ phải yêu cầu người bán giao hóa đơn hợp pháp. Theo đó, các tổ chức, cá nhân khi thực hiện mua hàng hóa, dịch vụ có giá trị từ 200.000 đồng trở lên cần yêu cầu cơ sở bán hàng phải xuất hóa đơn. Điều này nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sử dụng hóa đơn đúng pháp luật  trong việc xây dựng xã hội minh bạch, văn minh và góp  phần phòng chống tiêu cực, tham nhũng.

Thứ hai, cơ quan chức năng cần thực hiện nghiêm việc quản lý in, phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn theo đúng quy định. Kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh và có biện pháp khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng hóa đơn.

Thứ ba, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong việc kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về sử dụng hóa đơn trong thanh toán, chống thất thu ngân sách nhà nước đảm bảo công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Thường xuyên xác minh hóa đơn, hướng dẫn hồ sơ đề nghị xác minh hóa đơn và thông báo kết quả xác minh hóa đơn nhằm kịp thời phát hiện vi phạm.

Thứ tư, trong quá trình thanh tra, kiểm tra thuế nếu phát hiện có biểu hiện mua bán, hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, trốn thuế, kịp thời lập hồ sơ chuyển sang cơ quan điều tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Điều này tránh tình trạng bao che, bảo kê hoặc xử lý hành chính rồi cho qua những vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng về thuế dẫn đến “nhờn luật”, coi thường pháp luật.

Thứ năm, thường xuyên tiến hành rà soát doanh nghiệp, hộ kinh doanh bỏ trốn, nghỉ bỏ kinh doanh mang theo hóa đơn để thu hồi, hủy hóa đơn chưa sử dụng, ngăn chặn việc lợi dụng mua hóa đơn chiếm đoạt tiến thuế.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm, chặt chẽ, có hiệu quả các biện pháp quản lý, sử dụng hóa đơn sẽ góp phần quan trọng vào việc chống thất thu thuế và đấu tranh có hiệu quả đối với các hiện tượng tiêc cực, tham nhũng trong lĩnh vực quản lý thuế diễn ra khá nghiêm trọng, phức tạp hiện nay./.

Phạm Văn Chung





Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất