Ngày 21/10, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, Báo Dân tộc và Phát triển phối hợp tổ chức Hội thảo “Công tác tuyên truyền, vận động người dân, đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình khu vực Tây Bắc”.
Gần 20 tham luận được trình bày tại hội thảo tập trung vào các nội dung đề cao vai trò, lợi ích, tính nhân văn của bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình đối với đồng bào thiểu số Tây Bắc, đảm bảo an sinh xã hội; Đẩy mạnh hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật về thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tự nguyện vùng Tây Bắc; Vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong công tác tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình…
Nhiều đại biểu đã nêu ra những khó khăn, vướng mắc và giải pháp thiết thực, căn cơ, những mô hình hoạt động hiệu quả, phù hợp với đặc thù vùng đồng bào thiểu số trong việc nâng chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm tự nguyện ở cơ sở; mở rộng, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tại địa phương… Ông Vũ Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Dân tộc Tôn giáo (Ban Chỉ đạo Tây Bắc) cho biết: đến cuối năm 2016, toàn vùng Tây Bắc còn hơn 26% hộ nghèo, gần 9,6% cận nghèo. Hiện nay, vùng Tây Bắc còn hơn 1.350 xã đặc biệt khó khăn (thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020)…
Vấn đề đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số là giải pháp cơ bản để giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của nhân dân và góp phần ổn định chính trị xã hội. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là 2 trụ cột trong hệ thống chính sách xã hội, liên quan đến quyền lợi, sức khỏe, đảm bảo an toàn và chất lượng cuộc sống trọn đời của người tham gia. Theo ông Vũ Hồng Hải, đối với vùng đồng bào Tây Bắc, trở ngại đầu tiên là địa bàn rộng, giao thông đi lại cách trở; cuộc sống còn nhiều khó khăn lại sinh sống vùng sâu, vùng xa nên công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội không dễ dàng. Người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc, chưa nhận thức đầy đủ về chính sách cũng như quyền lợi bảo hiểm y tế mang lại nên không mấy mặn mà tham gia.
Để thu hút được nhiều hơn đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình thì cần có các giải pháp tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể... tuyên truyền với các hình thức, nội dung đa dạng, giúp người dân hiểu, nắm rõ bản chất, vai trò, ý nghĩa và tính ưu việt của chính sách bảo hiểm y tế cũng như các quy định cơ bản của pháp luật. Vai trò của mạng lưới đại lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn cũng rất quan trọng nên cần rà soát, tổ chức tập huấn, củng cố kiện toàn, nâng cao chất lượng hệ thống đại lý thu hiện tại, kết hợp tăng cường công tác mở rộng, quản lý chặt chẽ đại lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế....
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Trưởng Ban Thu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến 30/9/2017, số đối tượng tham gia bảo hiểm y tế của 6 tỉnh vùng Tây Bắc là hơn 4.400.000 người, đạt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế hơn 96% so với dân số vùng, tăng gần 200.000 người (tương ứng tăng 4,56% so với năm 2016); chiếm tỷ trọng gần 5,6% so với tổng số người tham gia bảo hiểm y tế trên toàn quốc. Trong đó phần lớn các tỉnh Tây Bắc đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế so với Quyết định 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong 9 tháng năm 2017, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là hơn 10.200 người, tăng 12% so với năm 2016. Để mở rộng đối tượng tham gia, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan cho rằng: Về cơ chế, chính sách cần nâng mức hỗ trợ mức đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, mở rộng đối tượng không thuộc hộ nghèo, cận nghèo; linh hoạt hơn về mức hỗ trợ, cần quy định mức hỗ trợ tối thiểu để địa phương nào có điều kiện kinh tế, phát triển kinh tế thì có cơ chế để hỗ trợ thêm một phần mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Đối với vấn đề phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế cần tăng cường trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc thường xuyên kiểm tra tình hình thực hiện chính sách pháp luật bảo hiểm y tế tại cơ sở, quyết liệt triển khai các giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; quan tâm chỉ đạo các ngành và đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn triển khai công tác hoàn thiện thông tin cá nhân để hoàn thiện hồ sơ, đáp ứng mục tiêu cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế điện tử cho người tham gia; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật bảo hiểm y tế để nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đơn vị và mọi người dân hiểu ý nghĩa nhân văn, tầm quan trọng của chính sách bảo hiểm y tế./.
Hải An- Xuân Tư/TTXVN