Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ, ngành, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm
sát nhân dân tối cao khẩn trương ban hành quy định chi tiết, hướng dẫn
thi hành; các cơ quan thống tấn, báo chí tăng cường thông tin, tuyên
truyền về 2 Bộ luật: Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Tối 17/12, Bộ Tư pháp tổ chức buổi gặp mặt thân mật để ghi nhận những
đóng góp tích cực của Ban soạn thảo, Tổ biên tập, các cơ quan, tổ chức,
chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hai dự án
Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và Bộ luật Hình sự (sửa đổi) mới được Quốc hội
thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Chủ
tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, các
chuyên gia, nhà khoa học, các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã
tham dự buổi gặp mặt.
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi)
và Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Đây là hai bộ luật mang tính “rường
cột” nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và có ý nghĩa, vai trò quan
trọng đối với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN,
phục vụ hội nhập quốc tế, ổn định trật tự, an toàn xã hội cho sự
phát triển kinh tế-xã hội.
Tại cuộc gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trân trọng gửi lời
cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự phối hợp của
các Bộ, ban, ngành, sự đóng góp ý kiến của Nhân dân trong quá trình xây
dựng, hoàn thiện đến khi 2 Bộ luật được thông qua.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định, việc Quốc hội thông qua 2 Bộ luật có
ý nghĩa vô cùng quan trọng, là bước tiến trong hoạt động lập pháp, đáp
ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.
Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2015
(gọi tắt là Bộ luật Dân sự năm 2015) có 689 điều, được bố cục thành 6
phần, 27 chương với những nội dung mới chủ yếu như sửa đổi, bổ sung
nhiều quy định để đáp ứng yêu cầu về xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh
tế thị trường định hướng XHCN, sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước
và hội nhập quốc tế; hoàn thiện các chế định về năng lực hành vi dân
sự, giám hộ và đại diện để bảo vệ tốt hơn quyền dân sự của người chưa
thành niên; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người
mất năng lực hành vi dân sự, qua đó giúp họ được bình đẳng với chủ thể
khác trong quan hệ dân sự...
Bộ luật Dân sự đã cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng,
bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân
sự. Theo đó, Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự với lý
do chưa có điều luật để áp dụng. Trường hợp này, Tòa án có thể áp dụng
tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án
lệ và lẽ công bằng; Tòa án chỉ được áp dụng thời hiệu khi giải quyết vụ
việc dân sự trong trường hợp một bên hoặc các bên quan hệ dân sự có yêu
cầu...
Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày
27/11/2015 gồm 26 chương với 426 điều. Bộ luật Hình sự năm 2015 có
những điểm mới cơ bản sau: bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự
của pháp nhân thương mại phạm các tội trong lĩnh vực kinh tế, môi
trường; hoàn thiện chính sách xử lý đối với người dưới 18 tuổi; thay thế
tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả
nghiêm trọng bằng các tội danh cụ thể trong lĩnh vực quản lý kinh tế;
nội luật hóa các quy định có liên quan của điều ước quốc tế mà nước ta
là thành viên, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh
phòng, chống tội phạm...
Bộ luật Hình sự năm 2015 bãi bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội
phạm, đồng thời mở rộng đối tượng không bị áp dụng hình phạt tử hình và
không thi hành án tử hình. Cụ thể, bãi bỏ hình phạt tử hình đối với 7
tội gồm tội cướp tài sản, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực,
thực phẩm, phụ gia thực phẩm, tội tàng trữ trái phép chất ma túy, tội
chiếm đoạt chất ma túy, tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan
trọng về an ninh quốc gia, tội chống mệnh lệnh, tội đầu hàng địch. Ngoài
ra, bổ sung đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình là người từ 75
tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử...
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh,
hai Bộ luật đã được thông qua nhưng việc đưa luật đi vào cuộc sống là
việc rất quan trọng. Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp khẩn
trương trình Chính phủ kế hoạch triển khai 2 Bộ luật, trong đó nêu rõ
từng nhiệm vụ cho từng Bộ, ngành, địa phương thực hiện, có lộ trình cụ
thể; các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trong chức năng, nhiệm vụ được
giao cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi 2 Bộ luật, đặc biệt là
những quy định mới.
Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm
sát nhân dân tối cao khẩn trương ban hành quy định chi tiết, hướng dẫn
thi hành; các cơ quan thống tấn, báo chí tăng cường thông tin, tuyên
truyền về 2 Bộ luật.../.
(TTXVN)