THỰC THI NGHỊ ĐỊNH 09 CHƯA HIỆU QUẢ

Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28/1/2016 của Chính phủ quy định bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là giải pháp căn cơ, lâu dài, tác động đến toàn dân để có được nguồn nhân lực khoẻ mạnh, phát triển trí-lực toàn diện, đạt hiệu suất lao động cao trong công cuộc xây dựng kinh tế và phát triển đất nước. 

Tuy nhiên, sau hơn 3 năm Nghị định có hiệu lực thi hành, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, nhất là việc sử dụng muối đã tăng cường I-ốt trong chế biến thực phẩm và bột mì đã bổ sung sắt/kẽm để chế biến thực phẩm, với các lý do: sợ tăng chi phí sản xuất; nghi ngờ hàm lượng vi chất không còn hoặc còn rất ít trong thành phẩm; sợ thành phẩm bị thay đổi cảm quan (màu, mùi, vị)… Ngoài ra,  thực thi Nghị định 09/2016/NĐ-CP chưa thực sự hiệu quả còn vì thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý và nhận thức hạn chế của người dân về tầm quan trọng của vi chất dinh dưỡng.

Hiện nay, trước sự lây lan của dịch COVID-19 với những diễn biến khó lường, việc phòng tránh lây nhiễm là biện pháp được ưu tiên hàng đầu. Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy bổ sung kẽm giúp cải thiện chức năng của hệ miễn dịch và tăng đề kháng với bệnh nhiễm trùng. 

 Mới đây, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Câu lạc bộ cựu Đại biểu Quốc hội và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức toạ đàm “Thúc đẩy thực thi Nghị định 09/2016/NĐ-CP vì sức khỏe và tầm vóc người Việt” nhằm thảo luận về sự cần thiết phải tiếp tục thực thi nghiêm quy định bắt buộc tăng cường vi chất vào thực phẩm để bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực quốc gia. Tham dự Tọa đàm có 40 đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia dinh dưỡng, các nhà khoa học, Đại biểu Quốc hội, cựu Đại biểu Quốc hội, đại diện các tổ chức quốc tế, các tổ chức khoa học công nghệ… 

THIẾU HỤT VI CHẤT DINH DƯỠNG LÀ "NẠN ĐÓI TIỀM ẨN"

Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài tới phát triển trí tuệ, tầm vóc và thể lực người Việt Nam. Thiếu vi chất dinh dưỡng được coi là “nạn đói tiềm ẩn” vì nó diễn ra âm thầm, hủy hoại thể chất và trí tuệ của con người. Ngay cả những người thừa cân cũng có thể bị thiếu vi chất dinh dưỡng do chế độ ăn thừa năng lượng nhưng lại thiếu các vitamin và chất khoáng. 

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, thức ăn hàng ngày chỉ cung cấp khoảng 70% nhu cầu vi chất dinh dưỡng của cơ thể. Hàm lượng vi chất dinh dưỡng tăng cường vào thực phẩm đã được tính toán để đáp ứng khoảng 30% nhu cầu còn thiếu của cơ thể, cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển và duy trì sự sống cho cơ thể con người. Vì vậy, việc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm dùng cho cộng đồng không làm cho cơ thể người dùng dư thừa vi chất hoặc có hại cho sức khoẻ.

Theo thông tin từ Mạng toàn cầu về I-ốt (Iodine Global Network - https://www.ign.org), hiện nay, Việt Nam là một trong 14 nước còn lại trên thế giới bị thiếu I-ốt. Khảo sát của Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho thấy nồng độ I-ốt niệu trung bình ở phụ nữ mang thai năm 2009 là 83 µg/L, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn toàn cầu là 150 µg/L. Ngoài ra, theo khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia tiến hành năm 2014, 13% trẻ em dưới 5 tuổi và 35% phụ nữ cho con bú đang bị thiếu hụt vitamin A lâm sàng, gần 30% trẻ em dưới 5 tuổi và 37% phụ nữ mang thai bị thiếu máu; thiếu hụt kẽm rất cao ở trẻ em (69%) và phụ nữ mang thai (80,3%).

BỔ SUNG VI CHẤT VÀO THỰC PHẨM - GIẢI PHÁP TIẾT KIỆM VÀ HIỆU QUẢ

TSKH. Nghiêm Vũ Khải - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho hay, trong số 3 giải pháp phòng ngừa thiếu hụt vi chất dinh dưỡng (bằng viên uống, bằng việc bổ sung chất lượng bữa ăn, bằng tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm) thì bổ sung vi chất vào thực phẩm chế biến là biện pháp trung hạn được thực hiện đơn giản, tiết kiệm và hiệu quả nhất mà không đòi hỏi nguồn ngân sách nào của Chính phủ cũng như chi phí cho truyền thông để thay đổi hành vi cộng đồng. Việc tăng cường các vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm chỉ tốn khoảng 3 triệu USD/năm trong khi đó chi phí cho điều trị y tế khi thiếu hụt, giảm hoặc mất khả năng lao động do thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng như I-ốt, sắt, kẽm, vitamin A có thể tới 648 triệu USD/năm. Do đó, ngoài các lợi ích về sức khoẻ, tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm còn mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho đất nước.

Từ năm 2006, do không còn bắt buộc sản xuất muối I-ốt nên độ bao phủ của muối I-ốt tại Việt Nam đã giảm xuống còn 44,1% vào năm 2014, tỷ lệ bướu cổ trẻ em từ 8-10 tuổi là 9,8% (Tổ chức Y tế Thế giới – WHO khuyến cáo tỷ lệ này phải dưới 5%), mức trung vị I-ốt niệu là 8,4 mcg/dl (WHO khuyến cáo mức này phải lớn hơn hoặc bằng 10 mcg/dl). Đây là một thực tế cho thấy quy định tự nguyện không mang lại kết quả như quy định bắt buộc. Hậu quả là đã mang tình trạng thiếu hụt I-ốt quay trở lại. 

Kết quả nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy chỉ có 6% người dân sử dụng muối trực tiếp trong bữa ăn hàng ngày, 94% còn lại là sử dụng bột canh, hạt nêm, nước tương, nước mắm và các gia vị mặn khác. Hơn nữa, thói quen ăn uống bên ngoài gia đình cũng rất phổ biến, hầu hết mọi người chỉ nấu được bữa tối trong ngày. Ở Mỹ, ước tính 75% muối trong chế độ ăn uống trung bình của người Mỹ đến từ muối trong chế biến thực phẩm. Do vậy nếu chỉ sử dụng muối I-ốt không thôi thì lượng I-ốt nạp vào sẽ không đủ để phòng, chống các rối loạn do thiếu I-ốt gây ra, mà cần phải có sự hiện diện của I-ốt trong mọi loại thực phẩm chế biến với muối I-ốt. WHO đã khuyến cáo cần I-ốt hóa muối bao gồm tất cả các loại muối sử dụng trong hộ gia đình cũng như trong chế biến thực phẩm. Các nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy việc sử dụng muối I-ốt trong chế biến thực phẩm không làm thay đổi đặc tính cảm quan và chất lượng của thực phẩm. 

Việc dùng nguyên liệu đã bổ sung vi chất trong sản xuất thực phẩm không phải là một rào cản đối với doanh nghiệp mà ngược lại, tạo lợi thế cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp khi mang lại cho người tiêu dùng các sản phẩm có thêm vi chất dinh dưỡng, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc chung tay với Chính phủ cải thiện sức khoẻ cộng đồng.

Hiện vẫn đang có nhiều doanh nghiệp thực hiện tốt Nghị định 09/2016/NĐ-CP và yêu cầu phải có một cơ chế bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, bảo vệ các doanh nghiệp đang tuân thủ. Việc thực hiện không đồng bộ Nghị định này dẫn tới hệ quả là doanh nghiệp tuân thủ thì giá thành sản phẩm sẽ cao hơn các doanh nghiệp không tuân thủ. Đồng thời, việc buông lỏng trong thực hiện pháp luật sẽ dẫn đến khó khăn trong công tác hậu kiểm của cơ quan quản lý và Chính phủ không kiểm soát được tình hình chung, người dân mất niềm tin vào tính nghiêm minh của pháp luật.

Theo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, việc chậm trễ, không quyết liệt trong thực thi Nghị định 09/2016/NĐ-CP đồng nghĩa với việc không thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững về lĩnh vực y tế, dinh dưỡng, không hoàn thành các chính sách nhằm cải thiện tình trạng thiếu hụt vi chất như Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2010-2020 và các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Chính phủ đã đề ra. Đồng thời, người tiêu dùng không có thông tin đúng, khó khăn trong việc lựa chọn các loại thực phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng khiến vấn đề thiếu hụt vi chất vẫn còn tồn tại dai dẳng, làm cho gánh nặng về bệnh tật và các chi phí y tế của người dân và xã hội tiếp tục gia tăng để giải quyết các rối loạn do thiếu vi chất gây ra. 

Nhận thức về những lợi ích đã được chứng minh rõ ràng của việc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm và vai trò then chốt của Nghị định 09/2016/NĐ-CP đối với tầm vóc, trí tuệ và sức khoẻ của người Việt Nam, nguồn nhân lực quốc gia, các nhà khoa học kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện nghiêm quy định bắt buộc tăng cường vi chất vào thực phẩm, đặc biệt là bắt buộc sử dụng muối I-ốt và bột mì đã bổ sung sắt, kẽm cho thực phẩm chế biến. 

Phương Nguyên