Thứ Năm, 21/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Tư, 7/8/2019 15:56'(GMT+7)

Tăng năng suất lao động để trở thành quốc gia thịnh vượng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tiềm lực của mỗi người dân Việt Nam còn rất lớn, nếu tăng gấp đôi năng suất lao động, khoảng cách về năng suất lao động và thu nhập, mức sống của Việt Nam so với các nước sẽ rút ngắn hơn nữa. (Ảnh: Trần Hải)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tiềm lực của mỗi người dân Việt Nam còn rất lớn, nếu tăng gấp đôi năng suất lao động, khoảng cách về năng suất lao động và thu nhập, mức sống của Việt Nam so với các nước sẽ rút ngắn hơn nữa. (Ảnh: Trần Hải)

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, chỉ cao hơn năng suất lao động của Lào, Campuchia và Myanmar do xuất phát điểm thấp và còn một số điểm nghẽn. Nhưng tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam đang nhanh nhất khu vực, tăng trưởng năng suất lao động năm sau cao hơn năm trước, cao hơn nhiều so với các nước ASEAN và nhiều nước trên thế giới. Tiềm lực của mỗi người dân Việt Nam còn rất lớn, nếu tăng gấp đôi năng suất lao động, khoảng cách về năng suất lao động và thu nhập, mức sống của Việt Nam so với các nước sẽ rút ngắn hơn nữa.

Thủ tướng chỉ ra nguyên nhân khiến năng suất lao động  chưa cao là do những điểm nghẽn về thể chế kinh tế; trình độ và kỹ năng nguồn nhân lực còn thấp... Cụ thể là chính sách về quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, thị trường lao động, chính sách tiền lương chưa được vận hành linh hoạt theo tín hiệu thị trường; thiếu hụt nguồn nhân lực kỹ năng cao, đặc biệt là nhân lực những ngành mới trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0… Bên cạnh đó, động cơ sáng tạo và đổi mới còn thiếu và yếu.

“Nhiều người dân và doanh nghiệp vẫn thiếu sáng tạo. Đổi mới sáng tạo phải là một trong các nút thắt cần được tháo gỡ”, Thủ tướng nói.

Để cải thiện năng suất lao động quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra sáu định hướng lớn trong thời gian tới. Đó là cải cách thể chế, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao năng lực quản trị nhà nước, quản trị nền kinh tế. Tiếp tục thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động. Cải cách khu vực tài chính ngân hàng để dòng vốn chảy vào khu vực có năng suất cao nhất, phân bổ nguồn lực theo tín hiệu thị trường. Cải cách mạnh mẽ hơn khu vực doanh nghiệp nhà nước, khơi thông các nguồn lực của xã hội, hỗ trợ khu vực tư nhân, hợp tác xã trở thành động lực của nền kinh tế, thúc đẩy và khuyến khích khởi nghiệp. Ưu tiên các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) có chọn lọc, có tính lan tỏa, những ngành có giá trị gia tăng cao, công nghệ tốt, thúc đẩy năng suất lao động trong nước. Tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng thương mại tự do, tận dụng các dòng chảy thương mại để cải thiện NSLĐ quốc gia.

Theo đó, cần tập trung vào sáu nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn nữa nền tảng về thể chế để mọi nguồn lực được huy động và tận dụng. Phát triển thị trường lao động ở cả phía cung và cầu để mọi người dân đều có thể tham gia, có việc làm. Khuyến khích cơ chế đủ mạnh thu hút người tài năng trong và ngoài nước. Xây dựng cơ chế cán bộ mở trong cơ quan nhà nước, chọn lọc được cán bộ giỏi và người tài năng. Chú trọng đào tạo kỹ năng chuyên môn người lao động, ưu tiên định hướng đào tạo các tài năng cá biệt, khuyến khích người tài. Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ ưu tiên đầu tư vào công nghệ, đầu tư cho lao động chất lượng cao và phát triển ứng dụng khoa học công nghệ sẽ đi song hành với nhau để phát huy hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị Cải thiện năng suất lao động quốc gia. (Ảnh: Trần Hải).

Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng chính thức phát động Phong trào năng suất lao động quốc gia.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ luôn đồng hành và mong muốn cộng đồng DN, doanh nhân, nhà đầu tư, các tầng lớp nhân dân nỗ lực, cố gắng hơn nữa, chủ động tham gia tích cực, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để tăng năng suất lao động, cùng nhau tạo nên cuộc bứt phá mới trong NSLĐ đưa đất nước vượt lên phát triển nhanh và bền vững”, Thủ tướng nói.

Báo cáo trước Hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tính theo giá trị sức mua tương đương (PPP) năm 2018, năng suất lao động Việt Nam đạt 11.142 USD, bằng 7,3% Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái-lan; 44,8% của Indonesia; 55,9% của Philippines…

Cải thiện năng suất lao động có ý nghĩa sống còn nhằm thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển của Việt Nam với các nước trên thế giới. Kinh nghiệm của các nước đi trước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đều tập trung đầu tư rất lớn vào vấn đề năng suất quốc gia, thông qua việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch tổng thể phù hợp với xu hướng quốc tế và bối cảnh của mỗi nước, trong đó nhấn mạnh đến phát triển khoa học và công nghệ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị, Chính phủ sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia để hình thành bộ máy, cơ quan chuyên sâu về năng suất lao động thực hiện nhiệm vụ điều phối, phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của Việt Nam.

Đồng thời, khẩn trương xây dựng và thực hiện Chiến lược quốc gia về nâng cao năng suất lao động của Việt Nam với mục tiêu chung và cụ thể trong từng giai đoạn để bắt kịp các nước trong khu vực./.

Tô Hà (nhandan.com.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất