Tính đến hết năm 2018, cả nước có khoảng
160 cơ sở y tế tự chủ chi thường xuyên, chiếm 7,6% số đơn vị, riêng Bộ Y
tế đã có 26/45 bệnh viện trực thuộc tự chủ. Việc tự chủ tài chính đã
giúp các cơ sở y tế hoạt động hiệu quả hơn, nâng cao chất lượng dịch vụ
khám chữa bệnh, phục vụ người bệnh.
Nhiều bệnh viện tự chủ tài chính
trong việc mua sắm trang thiết bị mới, xây dựng khu khám chữa bệnh dịch
vụ, nâng cao tay nghề và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ y tế. Từ
thực tế đó, tỷ lệ hài lòng của người dân ngày một tăng cao.
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ Trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế cho
biết, hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh đã bao gồm chi phí trực tiếp và
tiền lương (theo mức lương cơ sở 1.390.000 đồng). Theo lộ trình, năm
2019 Bộ Y tế còn hai bước điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Cụ thể, bước một,
điều chỉnh giá theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng; bước hai, tính chi
phí quản lý. Mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc chuyển chi thường
xuyên từ ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ
trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ
giá dịch vụ y tế.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá khám chữa bệnh sẽ phải căn cứ vào chỉ
số giá tiêu dùng CPI và điều kiện kinh tế xã hội. Theo đó, nếu điều kiện
khó khăn, chưa thuận lợi Bộ Y tế sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban
chỉ điều hành giá để xem xét, điều chỉnh trong năm 2020. Như vậy, giá
bao gồm cả chi phí khấu hao sẽ thực hiện vào 2021.
Để đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân theo Nghị quyết 20-NQ/TW khóa XII của Đảng về "Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới", thực
hiện các quy định của pháp luật, Bộ Y tế đã xây dựng Thông tư hướng dẫn
xây dựng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu trong các cơ sở khám
chữa bệnh công lập. Thông tư sẽ quy định phương pháp tính giá theo
nguyên tắc được tính đủ chi phí và có tích lũy hợp lý để tái đầu tư.
Bộ Y tế cũng có văn bản yêu cầu các đơn vị có tổ chức hoạt động dịch
vụ theo yêu cầu có trách nhiệm xây dựng và quyết định mức thu các dịch
vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo
quy định của pháp luật về giá.
Riêng đối với các cơ sở y tế có sử dụng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị
được nhà nước đầu tư để tổ chức hoạt động dịch vụ theo yêu cầu, Bộ Y tế
quy định thủ trưởng đơn vị được quyết định mức thu nhưng không vượt quá
mức giá tối đa do Bộ Y tế ban hành.
“Với cơ sở y tế xây dựng mới để
thực hiện khám, chữa bệnh theo yêu cầu có quyền quy định mức giá. Trong
trường hợp đơn vị này mời chuyên gia trong và ngoài nước thực hiện khám
chữa bệnh đều được tính chi phí vào giá dịch vụ. Đây cũng là cách để
giảm bớt tình trạng người Việt Nam đi nước ngoài chữa bệnh”, ông Nguyễn Nam
Liên nói.
Ngoài ra, theo đại diện Bộ Y tế, cơ quan này cũng đang xây dựng các
cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực đầu tư cho y tế, phát triển y
tế tư nhân, tạo điều kiện để các cơ sở y tế vay vốn, huy động vốn, xã
hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng trang thiết bị.
Trong ba phương án thanh toán mà Bộ Y tế đưa ra, tới đây ngành y tế
sẽ triển khai khẩn trương hình thức thanh toán theo định suất. Phương án
này bảo đảm kiểm soát được chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Đây là hình
thức thanh toán từng gặp nhiều vướng mắt khi thông tuyến BHYT ở tuyến
huyện.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính cũng khẳng định, cơ quan này sẽ
triển khai mạnh việc đấu thầu tập trung và đàm phán giá thuốc cấp quốc
gia, để giảm giá thuốc, tăng khả năng cân đối của quỹ BHYT.
Theo đó, Bộ Y
tế đang đề xuất cơ chế việc đấu thầu, đàm phán giá cấp quốc gia trong
thời gian tới theo hướng tổ chức đấu thầu hoặc đàm phán giá để xác định
“giá trần” và xếp hạng các nhà thầu.
Bộ Y tế giao cho các đơn vị, địa
phương tự quyết định việc mua sắm, có thể đấu thầu hoặc mua trực tiếp
trong số các nhà thầu đã được xếp hạng nhưng không được vượt “giá trần”
đã công bố./.