Lễ trao tặng thưởng của Ban Bí thư Trung ương Đảng cho các tác phẩm lý luận phê bình văn học nghệ thuật (LLPBVHNT) xuất sắc năm 2018 diễn ra cách đây ít ngày. Nếu tính từ lần đầu tiên (gộp 3 năm 2010, 2011, 2012) đến nay, lịch sử vinh danh này đã trải qua 9 năm với những dấu ấn đáng ghi nhận, đồng thời cũng gợi lên nhiều suy nghĩ đối với những người làm văn hóa, văn nghệ, lý luận phê bình ở nước ta, đặc biệt là việc danh sách được tặng thưởng thiếu vắng những gương mặt trẻ.
Tặng thưởng của Ban Bí thư Trung ương là sự ghi nhận, tôn vinh những đóng góp của giới lý luận phê bình đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà. Theo dõi các kỳ tặng thưởng, dễ thấy cơ cấu chuyên ngành khá đều, bao gồm văn học, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, điêu khắc, múa...
Có thể nói, về mặt chuyên môn, Hội đồng thẩm định cố gắng đem đến cái nhìn toàn diện về LLPBVHNT trong giai đoạn hiện nay. Trên lĩnh vực lý luận phê bình văn học, theo dõi 5 kỳ tặng thưởng, với các tác phẩm được vinh danh, chúng tôi nhận thấy về cơ bản đó là những lựa chọn có cơ sở.
Những tên tuổi như Phong Lê, Mai Quốc Liên, Nguyễn Bích Thu, Lý Hoài Thu, Bùi Việt Thắng, Phan Trọng Thưởng, Vũ Quần Phương, Nguyễn Hữu Sơn, Trần Nho Thìn, Tôn Thảo Miên, Lê Quang Hưng... đều là những tác giả có đóng góp quan trọng cho lý luận, phê bình văn học nước nhà.
Với họ, không chỉ những tác phẩm được tặng thưởng mà nhiều công trình khác, chủ biên hoặc biên soạn, đã được công chúng và giới nghiên cứu, phê bình ghi nhận. Năm 2018, với các tác phẩm của Trần Nho Thìn (mức A), Nguyễn Hữu Sơn, Lê Quang Hưng (mức B), có thể thấy chất lượng tác phẩm đã được hội đồng đặc biệt lưu ý. Đây là những tác phẩm có chất lượng tốt, xứng đáng được tặng thưởng. Tuy nhiên, cũng như Hội đồng đã đánh giá, phương diện lý luận có phần trội hơn phương diện phê bình.
Đứng từ góc độ Ban tổ chức, việc trao thưởng chỉ có thể diễn ra và dựa trên cơ sở các tác giả, tác phẩm được gửi về tham dự, nghĩa là Hội đồng thẩm định, trao tặng phụ thuộc vào việc tác giả có gửi tác phẩm tham dự xét tặng thưởng hay không.
Thực tế 9 năm qua, nhiều tác phẩm LLPBVHNT đã được xuất bản, nhưng các tác giả chưa chú ý đến việc gửi hồ sơ tham dự. Do đó, cần nâng cao hơn nữa chất lượng, uy tín của tặng thưởng, đặc biệt cần phải có chiến lược kêu gọi, quảng bá rộng rãi đến giới nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật để không bỏ sót những tác phẩm LLPBVHNT có giá trị.
Lâu nay, đời sống của LLPBVHNT rất phong phú, sinh động với hệ thống giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số, Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh, các hội văn học nghệ thuật địa phương, các tạp chí, diễn đàn văn học nghệ thuật trong nước...
Do đó, việc quy tụ các cây bút, các tác phẩm có chất lượng, có lẽ là cơ sở để có thêm nhiều lựa chọn trong việc xét tặng thưởng của Hội đồng LLPBVHNT Trung ương. Điều này cũng có thể xem như là cơ sở để nâng cao chất lượng, uy tín của tặng thưởng. Trong đánh giá của Hội đồng, chất lượng của tặng thưởng rõ ràng đã được cải thiện, nâng cao qua mỗi mùa trao tặng. Đó là tín hiệu đáng mừng để chúng ta hy vọng thêm ở những mùa sau.
Một vấn đề khá rõ khi nhìn vào hệ thống tác giả, tác phẩm được tặng thưởng của Hội đồng LLPBVHNT Trung ương chính là sự thiếu vắng những cây bút trẻ. Phê bình trẻ có thể được hiểu là những cây bút tuổi đời còn sung sức, sức đọc, sức nghĩ, sức viết còn dồi dào. Lứa tuổi này có những suy nghĩ táo bạo, mới mẻ, và đương nhiên họ gần gũi hơn với đời sống văn học đương đại, hấp thụ không khí sinh hoạt văn chương, khoa học của thời đại toàn cầu hóa... Lịch sử văn học Việt Nam đang còn nhiều vấn đề phải bàn.
Phê bình văn học Việt Nam đã có một lực lượng khá đông đảo, đặc biệt là thế hệ trẻ (8x, 9x) được đào tạo bài bản và tạo nên những dấu ấn riêng của mình. Những cái tên như Cao Việt Dũng, Trần Ngọc Hiếu, Mai Anh Tuấn, Đoàn Ánh Dương, Lê Nguyên Long, Phạm Phương Chi, Nguyễn Phương Thảo, Đỗ Thị Thu Huyền, Đặng Thái Hà, Lê Thị Dương, Phan Tuấn Anh, Nguyễn Văn Hùng, Hoàng Cẩm Giang, Đoàn Minh Tâm, Nguyễn Minh Quân, Nguyễn Đình Minh Khuê,... đang thực sự cho thấy nỗ lực “sống với văn chương cùng thời” của họ. Sự thiếu vắng gương mặt phê bình trẻ trong các giải thưởng, tặng thưởng, trên các diễn đàn vinh danh là điều rất cần được quan tâm, lưu ý.
Văn học, nghệ thuật đang phát triển một cách rất đa dạng với sự giao thoa, tiếp biến của nhiều hình thái nghệ thuật, nhiều nền văn hóa, văn học khác nhau trong thời đại toàn cầu, cần phải có những nhà phê bình như là sản phẩm tự thân - đứa con của thời đại mà họ thuộc về. Phê bình từ phía các tác giả trẻ là một mảnh ghép, một sắc thái, một diễn ngôn rất cần được chú ý. Có như vậy mới hy vọng tìm ra những hướng kiến giải, phê bình thỏa đáng, đáp ứng tính chất của nền văn chương đương đại đa diện, đa màu sắc.
Thế hệ đi trước, dẫu là các bậc tiền bối, các bậc thầy với học vấn, tri thức uyên thâm, nhưng hẳn sẽ có những sự đứt gãy về mặt thế hệ, văn hóa với không gian đương đại. Sự vênh lệch trong quan niệm giá trị, cảm niệm về thực tại, khả năng đáp ứng các đòi hỏi mau lẹ của thời công nghệ số... rõ ràng đang là câu chuyện không khó để nhận ra.
Chưa hết, một nền lý luận phê bình có chiều sâu, có lẽ trước hết cần phải có đội ngũ kế cận mạnh. Nhìn vào thế hệ phê bình trẻ, chúng ta không đến nỗi quá hoang mang trước lo ngại “thiếu và yếu”, như đâu đó có người đã nêu ra.
Mỗi kỳ tặng thưởng, trao giải, chúng ta lại hồi hộp chờ những cái tên tác giả, tác phẩm được vinh dự xướng lên. Về bản chất cũng như khả năng, một giải thưởng, một diễn đàn không thể bao quát hết được thực tại văn chương, do vậy, những tác phẩm được tặng thưởng của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Hội đồng LLPBVHNT Trung ương đã cho thấy một khía cạnh của đời sống lý luận phê bình nước nhà. Niềm mong mỏi vẫn cứ ấp ủ và được nêu lên, trong hy vọng về việc nâng cao hơn nữa chất lượng, uy tín của tặng thưởng, tăng cường khả năng quy tụ lực lượng, lan tỏa các giá trị khoa học, thẩm mỹ, đồng thời có thêm những gương mặt trẻ, như là tiếng nói đại diện cho thời đại, văn chương, thế hệ của họ./.
Theo Hanoimoi.com.vn