Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 20/2/2017 8:48'(GMT+7)

Tăng tính chủ động trong hội nhập kinh tế



Bởi AEC đã chính thức hình thành từ ngày 31-12-2015, doanh nghiệp chưa nắm được thông tin, chưa hiểu biết sâu, kỹ, chứng tỏ rằng các cơ hội từ AEC chưa được tận dụng tốt. Trong khi đó, doanh nghiệp các nước khác trong khu vực lại đang chủ động nắm bắt cơ hội từ AEC để xâm nhập thị trường của chúng ta. Nhiều hãng bán lẻ của Thái Lan đã đẩy mạnh đầu tư vào thị trường Việt Nam, mở đường cho hàng tiêu dùng của nước này. Rồi các mặt hàng như ô tô, đồ điện tử từ các nước ASEAN cũng đang rậm rịch tràn sang.

Có vẻ như suy nghĩ, tầm nhìn của nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa tương xứng với tốc độ hội nhập của nền kinh tế đất nước. Qua tiếp xúc với đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, chúng tôi thấy không ít trong số họ vẫn giữ nếp nghĩ, cách làm kinh tế theo kiểu cũ, thiếu linh hoạt. Họ sản xuất trước rồi sau đó mới tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm đã được làm ra. Một phần không nhỏ còn rào kín tầm nhìn trong một thị trường duy nhất là thị trường Việt Nam.

Trong khi đó, nền kinh tế thế giới đang vận hành một cách rất linh hoạt để phục vụ nhu cầu và thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng trên toàn cầu. Muốn tồn tại bền vững trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay, mỗi doanh nghiệp đều phải luôn chủ động tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng để sáng tạo, sản xuất ra sản phẩm phù hợp; rồi phải luôn tìm thị trường mới, đồng nghĩa với việc tìm không gian sống mới, mở rộng không gian sống cho doanh nghiệp mình. Cũng chính vì thế, trên thế giới, luôn luôn có những cách thức liên kết thương mại, liên kết thị trường mới được hình thành. Mặc dù phần lớn các quốc gia đã tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) theo một luật chơi chung, nhưng vẫn luôn có những sân chơi mới mang tính khu vực, nhóm nước, song phương được hình thành, mà AEC là một trong số "sân chơi" ấy.

Trong những năm gần đây, Việt Nam rất tích cực tham gia những "sân chơi" kinh tế quốc tế. Nhiều hiệp định kinh tế đa phương, song phương liên tục được đàm phán, ký kết, nhằm mở ra thêm những cơ hội phát triển mới cho kinh tế đất nước, mà cốt lõi nhất là mở thêm thị trường, tạo thêm cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam. Thành quả là, kinh tế đất nước trong những năm qua, đặc biệt là sau 10 năm gia nhập WTO đã đổi thay rõ rệt. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2016 đã tăng gấp 3,5 lần so với năm 2006. Cán cân thương mại từ chỗ thâm hụt nặng, đã trở về mức cân bằng, và rồi Việt Nam đã trở thành nước xuất siêu trong mấy năm gần đây. Thế nhưng, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, để đạt được kết quả đó có đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Để tận dụng tốt các cơ hội từ thị trường quốc tế, đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam cần phải tăng tính chủ động hơn nữa; trước tiên thể hiện ở việc tích cực tìm hiểu thị trường nước ngoài. Chỉ có doanh nghiệp mới hiểu rõ được khả năng của mình, tìm ra và tận dụng được những cơ hội cho mình từ thị trường thế giới. Cùng với đó, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp trong việc trao đổi thông tin thị trường, mà trực tiếp ở đây là vai trò của các tham tán thương mại cần phải được thể hiện rõ hơn, hiệu quả hơn. Các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần phải được tham vấn ý kiến, tham gia trực tiếp với vai trò chủ đạo trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại.

Mỗi hiệp định thương mại được ký kết thì cơ hội và thách thức luôn được mở ra, đặt ra cho cả hai bên. Nền kinh tế đất nước chúng ta, doanh nghiệp của chúng ta phải luôn nâng cao năng lực để tận dụng tốt các cơ hội, hạn chế các thách thức ấy.

Theo QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất